Nghiên cứu mới nhất cho thấy chỉ có 11% người lao động xếp mối quan hệ với đồng nghiệp là yếu tố hàng đầu tạo nên sự hài lòng trong công việc.
Theo Nir Bashan, chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực lao động, việc làm và văn hóa công sở Mỹ, việc kết bạn ở nơi làm việc thường ngăn cản bạn tập trung vào những điều thực sự quan trọng, ví dụ xây dựng mạng lưới đồng nghiệp mang lại giá trị, tránh xa những rắc rối hàng ngày và cuối cùng là phân định rõ ràng giữa bạn bè thực sự và đồng nghiệp.
Chuyên gia chỉ ra hai vấn đề chính khi có quá nhiều bạn bè nơi công sở.
Bị cuốn vào vấn đề của người khác
Mục đích của công việc không phải là xây dựng các liên minh bí mật hay đạt được những mục tiêu lạc đề. Điều này có thể tiêu tốn thời gian, sức lực và khiến bạn mất tập trung vào trọng tâm chính là nhiệm vụ được giao phó hàng ngày.
Thay vì tham gia vào quá nhiều những nhóm bạn đồng nghiệp, nên tập trung vào việc tìm kiếm những cách sáng tạo và đổi mới để thực hiện công việc của bạn, nhằm thúc đẩy giá trị bản thân.
Không có ranh giới rõ ràng giữa tình bạn và đồng nghiệp
Bạn là những người mà chúng ta có thể là chính mình khi ở bên họ. Mối quan hệ tình bạn phát triển sâu sắc theo thời gian.
Tuy nhiên, trong quan hệ công việc, thay vì nuôi dưỡng một tình bạn thực sự, hai phía đều bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, vị trí, quyền lợi. Điều này làm che mờ mọi tình bạn tiềm năng và làm cho ranh giới giữa tình bạn thực sự và tình bạn giả tạo trở nên mờ nhạt.
Các câu hỏi sau sẽ được đặt ra: Bạn có thể thực sự tin tưởng ai ở nơi làm việc? Sếp có thực sự là bạn của tôi hay họ chỉ đang cố gắng bắt tôi làm việc chăm chỉ hơn?
Nếu giữ ranh giới rõ ràng trong công việc, bạn sẽ không bao giờ rơi vào cái bẫy lo lắng về việc nên tin tưởng ai và ai là người quan tâm đến lợi ích tốt nhất của bạn. Giữ ranh giới rõ ràng để cuộc sống công việc tách biệt khỏi cuộc sống riêng tư sẽ giúp giảm bớt sự lộn xộn và giúp bạn tập trung vào điều thực sự quan trọng là công việc.
Theo chuyên gia tâm lý học người Mỹ, Amy Cooper Hakim, bạn hoàn toàn có thể gắn bó với đồng nghiệp, bạn có thể đi uống cà phê hoặc ăn trưa với họ nhưng không nhất thiết phải mời họ về nhà ăn thịt nướng hoặc các sự kiện đặc biệt của gia đình.
Bạn càng không cần phải nói cho mọi người ở nơi làm việc biết những bí mật sâu thẳm cũng như những mục tiêu và ước mơ lâu dài của chính mình. Việc chia sẻ quá nhiều chi tiết về cuộc sống cá nhân và tài chính có thể quay lại gây rắc rối cho bạn.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-nen-han-che-ket-ban-o-noi-lam-viec-4729515.html