Năm 2017, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một tòa nhà chung cư ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến (Trung Quốc). Nguyên nhân là do chủ nhà về quê dài ngày mà quên không tắt điều hoà. Tại hiện trường, điều hoà phía trên tivi trong phòng khách bị cháy hoàn toàn, chỉ còn vỏ rỗng bên ngoài. Nhiều đồ đạc bị hư hại nhưng không có thương vong vì không ai ở nhà vào thời điểm xảy ra vụ cháy.
Hiện trường vụ cháy nhà ông Han
Theo điều tra, chủ nhà là ông Han phải về quê ở Đông Bắc (Trung Quốc) vì có việc gấp. Trong lúc vội vã ra ngoài, ông quên tắt điều hòa. Không ngờ, 5 ngày sau, điều hòa đã bốc cháy do hoạt động quá tải trong thời gian dài. Khi có khói bốc ra từ nhà ông Han, hàng xóm đã vội vàng báo cảnh sát Trung Quốc và liên lạc với chủ nhà trở lại thành phố. Ông Han “chết sững” khi thấy căn hộ cháy đen chỉ vì sơ suất của bản thân.
Năm 2016, một vụ cháy cũng xảy ra tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) do chủ nhà quên không tắt điều hoà trước khi đi du lịch. Nhiều đồ điện tử, chăn ga gối đêm trong nhà cũng bị cháy, gây ra thiệt hại hơn 4.000 NDT (14 triệu đồng).
Trên thực tế, điều hoà hoạt động quá mức khiến cục nóng phải làm việc liên tục, không có thời gian ngừng nghỉ, sinh ra lượng nhiệt rất lớn gây giảm tuổi thọ của thiết bị, thậm chí là cháy nổ. Nếu đặt cục nóng gần các đồ vật như nhựa, ni lông… cũng làm cho quá trình tản nhiệt kém gây ra cháy nổ.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, điều hoà bật liên tục có thể làm dòng điện tăng đột ngột, vượt quá khả năng chịu đựng của dây dẫn hoặc các linh kiện điện. Điều này dẫn đến chập mạch, sinh nhiệt lớn và có thể gây cháy. Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến cháy điều hoà như: hỏng linh kiện, tắc nghẽn bộ lọc bụi bẩn hoặc bảo trì kém, dùng nguồn điện không ổn định.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điều hoà, mọi người cần lưu ý những yếu tố sau:
Lựa chọn và lắp đặt đúng cách
Chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng để tránh quá tải. Bên cạnh đó, cần thuê thợ chuyên nghiệp lắp đặt, đảm bảo hệ thống điện và vị trí lắp đúng tiêu chuẩn. Sử dụng dây điện, ổ cắm và thiết bị bảo vệ (aptomat, cầu chì) đạt chất lượng, chịu được tải của điều hòa cũng là điều nhiều người thường bỏ qua.
Bảo trì và vệ sinh định kỳ
Người dùng cần vệ sinh bộ lọc khí, dàn nóng/lạnh ít nhất 3-6 tháng/lần để tránh tắc nghẽn, giúp máy hoạt động hiệu quả. Kiểm tra gas lạnh và các linh kiện như tụ điện, quạt, máy nén để phát hiện sớm hỏng hóc. Gọi thợ bảo trì chuyên nghiệp nếu phát hiện tiếng ồn lạ, thiết bị chạy yếu hoặc có mùi khét.
Ảnh minh hoạ
Sử dụng đúng cách
Không để điều hòa chạy liên tục ở chế độ làm lạnh tối đa, cài đặt nhiệt độ hợp lý (25-27°C là tối ưu). Tắt điều hòa khi không sử dụng hoặc khi ra khỏi phòng trong thời gian dài. Đồng thời, người dùng tránh để nước rò rỉ từ dàn lạnh, vì có thể gây chập điện.
Kiểm tra và phát hiện sớm rủi ro
Trong quá trình sử dụng, nếu gia chủ quan sát dấu hiệu bất thường như máy rung mạnh, có mùi cháy, hoặc cầu chì hay aptomat thường xuyên ngắt cần liên hệ thợ sửa chữa kịp thời. Lắp đặt thiết bị báo khói hoặc cảm biến nhiệt trong phòng để phát hiện sớm nguy cơ cháy và đảm bảo khu vực xung quanh dàn nóng thông thoáng, không bị che chắn.
(Theo Sohu)
Nguồn tin: https://cafef.vn/ve-que-5-ngay-quen-tat-dieu-hoa-nguoi-dan-ong-chet-lang-khi-quay-lai-thanh-pho-188250505153142165.chn