Vi nhựa (microplastics) là các mảnh nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm, có thể bắt nguồn từ sự phân rã của túi nilon, chai nhựa hoặc các thiết bị nhựa sau khi bị thải ra môi trường. Do có kích thước rất nhỏ, hạt vi nhựa khó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường.
Bác sĩ Lê Nhất Duy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3) cho biết vi nhựa không chỉ xuất hiện trong hải sản mà còn được tìm thấy trong nhiều loại gia vị như đường, muối. Trong một nghiên cứu tại Đức năm 2020, báo cáo của tổ chức bảo vệ môi trường WWF cho thấy vi nhựa xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm khô như muối, đường, trà túi lọc và cả mật ong.
Nghiên cứu tại Iran (năm 2022), đăng trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research, đã phân tích nhiều mẫu đường trắng và phát hiện hàm lượng vi nhựa dao động từ 0,44 đến 1,67 hạt/g đường.
Năm 2023, Viện nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng khảo sát và nhận thấy hầu hết các mẫu đường đều có dấu hiệu nhiễm vi nhựa, chủ yếu là hai loại phổ biến trong bao bì thực phẩm – polyethylene và polypropylene.
Đường có chứa nhiều vi nhựa.
Vi nhựa xâm nhập vào đường như thế nào?
Theo bác sĩ Duy, vi nhựa có thể xâm nhập vào đường trong quá trình sản xuất và đóng gói. Cụ thể, vi nhựa có thể nhiễm vào đường qua:
– Quá trình chế biến (đặc biệt là với đường tinh luyện công nghiệp),
– Bao bì nhựa trong đóng gói hoặc bảo quản,
– Bụi trong không khí,
– Máy móc có cấu tạo từ vật liệu nhựa.
Khi đi vào cơ thể, vi nhựa có thể xâm nhập hệ tiêu hóa, gây viêm, làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột hoặc tích lũy lâu dài. Một số nghiên cứu cho thấy vi nhựa còn tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn nội tiết hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, bác sĩ Duy thông tin thêm.
Người Việt đang ăn đường gấp đôi khuyến cáo
Đường là một trong những gia vị được người Việt tiêu thụ nhiều. Theo thống kê từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), người Việt hiện tiêu thụ trung bình khoảng 46,5 gam đường tự do mỗi ngày, gần gấp đôi mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn là dưới 25 gam/ngày.
Lượng tiêu thụ này tương đương gần 17 kg đường mỗi năm trên mỗi người. Đặc biệt, thói quen tiêu thụ đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2023, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 66,5 lít đồ uống có đường, tăng gần 4 lần so với năm 2009.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tiêu thụ đường vượt mức khuyến nghị đang góp phần làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch tại Việt Nam.
Giải pháp giảm vi nhựa trong đường
Bác sĩ Duy nhận định, đường là một loại gia vị ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, cần sử dụng có kiểm soát để tránh những hệ lụy cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ nhiễm vi nhựa, người tiêu dùng nên lưu ý:
– Lựa chọn các sản phẩm đường được đóng gói bằng bao bì thân thiện với môi trường, tránh bao bì nhựa mềm.
– Bảo quản đường trong lọ thủy tinh hoặc hộp sứ thay vì sử dụng túi nilon sau khi mở gói.
– Ưu tiên chọn sản phẩm hữu cơ hoặc từ các nhà sản xuất địa phương – nơi có thể áp dụng quy trình sản xuất ít công nghiệp hóa hơn.
Ngoài ra, cần khuyến khích nhà sản xuất kiểm soát vi nhựa trong quá trình chế biến và bao gói bằng công nghệ sạch hơn. Kiểm soát môi trường sản xuất và lựa chọn vật liệu đóng gói phù hợp là yếu tố then chốt để hạn chế vi nhựa trong thực phẩm.
Nguồn tin: https://cafef.vn/loai-gia-vi-kich-thich-vi-giac-nhung-an-chua-nhieu-vi-nhua-vo-hinh-nguoi-viet-an-gap-doi-khuyen-cao-188250505134347143.chn