Vài thập kỷ trước, người trẻ Mỹ có lẽ không cần đến một tấm bằng trung học để đảm bảo một công việc có mức lương ổn định, thậm chí chỉ cần ý chí làm giàu là đã có khả năng đổi đời. Ngày nay, với tình hình cạnh tranh khắc nghiệt chưa từng thấy, “thế trận” đã khác trước rất nhiều.
Một nghiên cứu mới tiết lộ rằng người Mỹ trẻ tuổi không có bằng Đại học có khả năng bị “mắc kẹt” trong những công việc có mức thu nhập thấp.
Trên thực tế, có bằng Đại học là cách chắc chắn nhất để có được một công việc tốt ở độ tuổi 30, theo một phân tích từ Trung tâm Giáo dục và Lực lượng lao động của Đại học Georgetown. Một công việc tốt, theo định nghĩa của nghiên cứu, là công việc trả mức lương trung bình hàng năm là 57000 đô (1,3 tỉ VND) cho một nhân sự 30 tuổi.
Những dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh càng ngày càng có nhiều người hoài nghi về giá trị của tấm bằng Đại học. Do học phí trả cho cấp bậc này khá đắt đỏ, nên có không ít người khẳng định công việc họ có được nhờ bằng Đại học là vẫn chưa xứng đáng.
Thế giới đã khác trước rất nhiều
“Nếu bạn là một thanh niên trẻ, đang sống ở những năm 1970, có chú làm việc tại Chrysler (một trong ba hãng xe lớn nhất Mỹ), thành thật mà nói, bạn thậm chí không cần phải có bằng cấp ba, bởi vì có người quen làm việc ở công ty lớn cũng giúp người trẻ tìm được việc trả lương cao. Thế hệ ngày nay khác trước nhiều rồi. Bắt đầu từ năm 1983, học phí Đại học tăng lên, và đến giờ vẫn chưa dừng lại”, Anthony Carnevale, người đứng đầu trung tâm Georgetown và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Carnevale nhận ra thanh niên trẻ ngày nay khó đạt được độc lập kinh tế hơn. Trước kia, 25 tuổi là công việc đã ổn định, người ta có thể kiếm nhiều tiền và sẵn sàng lập gia đình, còn bây giờ độ tuổi “tạm” ổn định tăng lên 32.
Giáo dục bậc Đại học có thể là hành trang quan trọng trong sự nghiệp, nhưng cái giá đi kèm lại quá đắt, nhiều người trẻ mới tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động trong khi vẫn đang gồng gánh một khoản nợ sinh viên khổng lồ, và có thể mất đến vài năm để “xử lý” hết.
Học phí Đại học đã tăng với tốc độ vượt xa mức lạm phát, hiện tượng này vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận. Một số giải pháp kinh tế hơn được đưa ra là chương trình tuyển sinh kép cho phép học sinh trung học theo học các lớp Đại học. Tuy nhiên, những chương trình như vậy không phải là tiêu chuẩn.
Vẫn còn những cơ hội khác
Cục Dự trữ Liên bang New York còn cho thấy sinh viên tốt nghiệp Đại học kiếm được khoảng 78000 đô/năm (1,6 tỉ VNĐ) trong những năm gần đây, so với lương 45000 đô ((khoảng 1 tỉ VNĐ) của người chỉ có bằng cấp ba.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người không có bằng Đại học thì không thể tìm được việc tốt ở tuổi 30, nhưng khả năng đó sẽ bị giảm đi rất nhiều. Nếu một người 26 tuổi có bằng Đại học, thì gần 70% khả năng là họ sẽ có việc tốt vào tuổi 30, trong khi tỉ lệ này ở nhóm người chỉ có bằng trung học chỉ khoảng 25%.
Người không học Đại học có thể có lợi thế một chút khi bắt đầu sự nghiệp sớm hơn và được phép thử sai nhiều hơn, nhưng họ buộc phải nỗ lực và thay đổi rất nhiều để đảm bảo mức thu nhập ổn định trong tương lai. Những thay đổi đó bao gồm nhảy việc, học thêm các kỹ năng để lấy chứng chỉ hoặc thậm chí phải quay lại trường học để lấy bằng cử nhân.
Zack Mabel, đồng tác giả báo cáo và giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Georgetown lưu ý rằng, nếu không thử làm các công việc mới chỉ bám lấy một công việc duy nhất, cơ hội có được một công việc tốt của họ là rất thấp. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ hoặc tài chính, thay vì các lĩnh vực như giáo dục, dịch vụ ăn uống và nghệ thuật, cũng giúp nâng cao cơ hội nhận lương cao hơn.
Đặc biệt nếu làm trong lĩnh vực liên quan đến STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) thì họ có 25% cơ hội kiếm được một công việc tốt ở tuổi 30. Ngoài ra, phân tích của Georgetown cũng cho thấy khởi nghiệp cũng là cách để họ tăng trưởng doanh thu.