Đã hai tuần Phạm Ân không thể làm được việc gì dù vẫn đến công ty bởi toàn bộ tâm trí và thời gian của cô bị hút hết vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi quê Hà Tĩnh, làm việc ở quận Tân Phú, TP HCM nói 8 tiếng đi làm chỉ đủ thời gian nhận hàng đặt mua online, lên kế hoạch chụp ảnh áo dài, chọn đồ đi tiệc cuối năm và kiểm tra vé máy bay, tránh thay đổi giờ khởi hành. Công việc còn tồn động, Ân định tranh thủ về nhà giải quyết.
“Những buổi tất niên cùng hội đồng hương, bạn học, đồng nghiệp thân thiết kín gần hết tuần. Về nhà đã gần nửa đêm, tôi chỉ muốn ngủ”, cô nói. Điều này khiến lượng công việc tồn đọng ngày càng nhiều.
Tình trạng này cũng đang xảy ra với Minh Huyền, 38 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội. Mấy tuần trước Tết cô phải chăm hai con khi chồng đi công tác, chuẩn bị đồ cúng lễ và sắm quà biếu họ hàng nội ngoại, lãnh đạo cơ quan.
Thời gian ở công ty Huyền tranh thủ đặt mua bánh mứt. Buổi trưa cô tìm mua chục giỏ quà Tết, sắm quần áo mới cho cả gia đình. Tối muộn khi hai con đã ngủ, người phụ nữ lại ngồi cuốn nem, làm giò xào chuẩn bị đồ ăn cho 5 ngày Tết. Riêng cuối tuần, chị cùng chồng đi chúc Tết sếp, họ hàng hai bên.
Bà mẹ hai con ví những ngày cận Tết như một đua marathon đến kiệt sức trong khi việc công ty lại dồn ứ.
Còn anh Quốc Hà, 40 tuổi, chồng Minh Huyền, luôn trong trạng thái uể oải khi liên tục “chạy sô” gặp gỡ đối tác dịp cuối năm. Nhiều thời điểm anh có đến ba cuộc hẹn trong một ngày, đành đẩy việc sắm Tết cho vợ.
PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết Phạm Ân hay vợ chồng Minh Huyền đang mắc hội chứng tâm lý Holiday Click-off – chỉ trạng thái bồn chồn, háo hức trước mỗi kỳ nghỉ lễ.
Chưa có nghiên cứu nào về hiện tượng này ở Việt Nam nhưng biểu hiện của nó mang tính toàn cầu. Khảo sát của nền tảng Peakon (Mỹ) về sự tương tác giữa người quản lý và nhân viên với 12.000 dân văn phòng ở Mỹ, Anh, Đức chỉ ra hơn 50% người lao động mất tập trung với công việc nhiều ngày trước kỳ nghỉ chính thức. Đáng chú ý, các nhân sự trẻ, đặc biệt là Gen Z cũng có khả năng bật chế độ nghỉ ngơi sớm hơn nhân sự lớn tuổi.
Ông Cương nhận thấy tình trạng uể oải trước Tết Nguyên đán của người Việt không mới, bởi tâm lý muốn lo mọi việc chu toàn cho kỳ nghỉ quan trọng. Theo đó, người lao động có xu hướng phải hoàn thành công việc tồn đọng trước Tết, tránh kéo dài sang năm mới.
Bên cạnh đó, mọi người luôn muốn sắm đồ trang trí nhà cửa, mua quần áo mới. Đạo lý đền ơn đáp nghĩ, tri ân cũng khiến nhiều người muốn chuẩn bị quà Tết tươm tất tặng họ hàng, người thân, thầy cô hoặc cấp trên. Nhu cầu tổ chức tiệc tất niên để gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác gia tăng. Và cuối cùng là “cuộc chiến” đặt vé tàu, xe, máy bay về quê ăn Tết bởi hệ thống trực tuyến còn nhiều bất cập, hay xảy ra trục trặc.
“Khi phải giải quyết ba, bốn đầu việc cùng lúc khiến nhiều lao động hình thành tâm lý mệt mỏi, khó tập trung làm việc”, ông Cương nói.
Chuyên gia cũng cho biết nhóm dễ mắc phải hội chứng Holiday Click-off chủ yếu là người trẻ, thiếu kinh nghiệm quản lý thời gian. Hai là người trên 40 tuổi đang phải cân bằng giữa công việc, các mối quan hệ xã hội và gia đình.
Bổ sung thêm, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) cho rằng nhóm đối tượng thứ ba bị ảnh hưởng là lao động bị hội chứng burn-out, trạng thái kiệt quệ về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất do căng thẳng quá mức kéo dài.
Theo ông Tú, trong thời buổi kinh tế khó khăn, thất nghiệp tăng việc nhiều lao động phải tăng năng suất gấp 2-3 lần so với bình thường để đạt đủ thu nhập hoặc giữ công việc không ít. Do vậy, tâm lý mệt mỏi, đếm ngược từng ngày nghỉ Tết là khó tránh khỏi.
Thanh Tú, 28 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội thuộc nhóm này. Để không bị sa thải, cô gái làm IT này phải kiêm nhiệm hai phần việc của đồng nghiệp bị cho thôi việc từ đầu năm 2023. Tan làm, Tú tiếp tục quản lý website chuyên bán sản phẩm nội thất, mong duy trì thu nhập 15 triệu một tháng.
Làm việc cường độ cao, chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày khiến cô gái trẻ luôn mong đợi kỳ nghỉ đủ dài để nghỉ ngơi, tránh xa yêu cầu từ cấp trên, khách hàng.
Thừa nhận Holiday Click-off là trạng thái tâm lý bình thường nhưng thạc sĩ Lê Anh Tú cảnh báo nếu để cảm giác này kéo dài có thể ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và sức khỏe của người lao động.
Các biểu hiện thường thấy là tâm lý dằn vặt, bứt rứt khi không thể hoàn thành công việc sát kỳ nghỉ lễ. Bản thân dễ bị tụt hậu so với các đồng nghiệp khi không chủ động xử lý công việc. Và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chất lượng làm việc, dễ mất uy tín với cấp trên, khó thăng tiến.
Như với Phạm Ân, liên tục mua sắm đồ cho Tết, tham dự mọi cuộc tụ tập dịp cuối năm khiến cô gái trẻ luôn trong trạng thái “nước đến chân với nhảy”. Nhiều thời điểm Ân bắt đầu giải quyết công việc lúc 1-2h sáng khi bị sếp giục, khách hàng yêu cầu gửi sản phẩm. Tình trạng này kéo dài khiến cô luôn trong trạng thái mệt mỏi.
Trong khi sa đà vào chuẩn bị Tết lại khiến Minh Huyền thường xuyên bị cấp trên phê bình vì chểnh mảng trong công việc, ảnh hưởng đến tiến độ của tập thể. Việc phải lo sắm Tết cho gia đình, hai bên nội ngoại cũng khiến người phụ nữ 38 tuổi nhiều lần “bốc hỏa”, quát mắng chồng con mỗi khi ức chế.
Để cải thiện tinh thần, hiệu suất làm việc của nhân viên, PGS. TS Đỗ Minh Cương khuyên các doanh nghiệp nên tạo các buổi trao đổi ngắn với người lao động, chia sẻ cách quản lý, sắp xếp thời gian khoa học.
Trong tháng cuối năm nên tạo các phần thưởng bằng tiền mặt hoặc hiện vật, giúp nhân viên cảm thấy được ghi nhận công sức những ngày cuối năm. Bên cạnh đó, công ty có thể tổ chức các phiên chợ Tết, hội thao hoặc tiệc cuối năm tạo không khí sôi động, mọi người có cơ hội gặp gỡ thay vì dàn trải các bữa tiệc riêng lẻ gây tốn kém, mất thời gian. Bản thân lãnh đạo cũng cần tập trung làm việc, tránh sự uể oải lân lan xuống cấp dưới.
“Suy cho cùng mỗi người Việt đều có tâm lý hướng về Tết cổ truyền bởi đây là dịp cả gia đình sum họp, đoàn viên nên sự chểnh mảng ắt tồn tại. Tuy nhiên, người lao động và doanh nghiệp nên có sự phân bổ hài hòa, tránh cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu suất làm việc”, ông Cương nói.
Quỳnh Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ue-oai-di-lam-can-tet-4706953.html