Hưng YênLà con nhà nông, cả xã làm ruộng nhưng từ nhỏ ông Hoàng Anh Tiến đã tha lôi đủ loại cây về nhà tự mày mò tạo dáng làm cảnh dù bị mẹ vứt đi không biết bao nhiêu lần.
Người đàn ông 46 tuổi xã Phụng Công, huyện Văn Giang nói bản thân cũng không ngờ những chậu cây cảnh “nghịch” vì đam mê thời xưa giúp ông trở thành một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
“Từ nhỏ tôi đã thích cây cảnh, thường theo những người có kinh nghiệm trong làng học cách làm bầu, tách chiết cành”, ông Tiến nói. Đó có thể là những gốc cây sanh, sung, trâm vối mọc dại đâu đó ông tự đào mang về.
Năm 14 tuổi, tuần hai lần Tiến chất cây cảnh tự tạo dáng lên baga sau xe đạp, vượt gần 30 km đến một phiên chợ bán cây ở Hà Nội. Dù bán hết hay không, đồng hồ cứ điểm 12 giờ, cậu bé lại vội vã thu gom đồ đạc đạp xe về nhà kịp chợp mắt một lúc trước khi vào giờ học buổi sáng.
Cứ thấy con trai không phụ gia đình trồng lúa mà tối ngày tha lôi cây về nhà, bà Nguyễn Thị Chinh, mẹ Tiến thường gọi là “của nợ” rồi vứt bỏ. “Mẹ vứt thì tôi nhặt về, sau mãi bà cũng chán nên mặc kệ. Từ bầu cây được bó bằng rơm cùng những viên xỉ kết tượng nhặt ở làng gốm Bát Tràng tôi bắt đầu uốn tạo dáng thành hòn non bộ, ai nhìn cũng khen”, ông kể.
Từ sở thích thuở nhỏ, ước mơ làm giàu từ cây cảnh của Tiến dần nhen nhúm khi ở trong quân ngũ. Lần đó, trên đường hành quân, tình cờ thấy một cây sanh mọc hoang trên cánh đồng ông chợt nghĩ “cây nào cũng trồng được trên ruộng, đâu cứ phải là lúa”. Ngay khi xuất ngũ năm 1999, Tiến xin mẹ một sào ruộng thử nghiệm trồng cây cảnh.
Năm đó, khi cả làng đi gặt, một mình Tiến lại xách cuốc, đắp đất tạo luống trồng hơn 200 bầu cây đa cảnh giữa cánh đồng, ai đi qua cũng dè bỉu. Một năm sau, từ bầu cây giá 1.000 đồng đó Tiến lãi gấp 30 lần. Khi nhiều hộ dân trong làng bắt đầu học theo, cũng là lúc chàng trai áp dụng phương pháp trồng xen canh gối vụ để khách hàng có nhiều lựa chọn. Từ cây đa, ông trồng thêm sanh, si, lộc vừng. Khi cây phát triển đến độ cao nhất định, Tiến bắt đầu tạo dáng theo thẩm mỹ cá nhân.
Dù vậy mỗi lần mang sang Hà Nội bán, cây của Tiến vẫn bị chê về tạo dáng. Được khách hàng góp ý, sau tự học hỏi, ông biết uốn thêm các thế được ưa chuộng thời bấy giờ như dáng huyền, tam đa, ngũ phúc. Giá trị cây vì thế cũng tăng lên. Làm ăn dần khấm khá, từ chiếc xe đạp cà tàng, ông tích góp mua xe máy làm phương tiện đi lại, đến được nhiều nơi bán hàng hơn.
Nhưng hai năm sau, Tiến gặp thất bại đầu tiên do chạy theo trào lưu mà không hiểu rõ thị trường. Loạt cây cảnh ông trồng, bán không ai mua. Chiếc xe máy cũng phải cầm cố lấy tiền trả nhân công.
Không tìm được đầu ra, Tiến chấp nhận đi xa để tìm khách hàng mới. Hàng ngày, ông chất cây cảnh sau xe, đạp gần 10 km ra quốc lộ rồi bắt ôtô đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
“Xe cũ, hàng lại cồng kềnh nên có ngày tôi ngã đến năm lần, nửa số cây mang theo dập nát. Bất lực muốn khóc nên có lần đi qua một cái miếu, tôi dừng lại khấn xin thần thánh cho cả người và xe an toàn. Chuyến đó may mắn không bị lỗ”, Tiến nhớ lại.
Cũng có thời điểm vì quá mệt mỏi vì cây trồng, uốn, tạo dáng xong nhưng không bán được người đàn ông này muốn dừng lại. Một người bạn khuyên: “Khi bế tắc nhất nên học tập loài chuột, luôn có hang phụ để tìm lối thoát”.
Ông Tiến bắt đầu xin đi cắt cỏ, tỉa dáng cây thuê tại các trường học, cơ quan. Ban đầu chỉ có một mình, sau việc nhiều nên ông thuê nhân công. Có thêm nguồn thu, người đàn ông lại rong ruổi khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam tìm giống cây mới. Nghe ở đâu có cây cảnh đẹp, ông mua lại rồi về chăm bẵm, tạo dáng. Hầu hết những cây nghệ thuật trong vườn hiện nay đều sáng tạo từ cây phôi, rồi được chăm sóc, cắt tỉa cho đến khi trưởng thành.
Sau vài năm, kinh tế gia đình bắt đầu khấm khá, ông Tiến mua được ôtô, mở rộng diện tích vườn. Mọi việc hanh thông cho đến năm 2012, giá cây giảm sâu, Tiến lại đi bán rong, nhưng từ sáng đến tối không ai hỏi mua.
Đứng mòn chân ở chợ, ông phát hiện nhu cầu chơi cây của phụ nữ khá cao. Người đàn ông này nghĩ không nên chỉ tập trung vào nhu cầu chơi cây của nam giới mà tìm thêm “kỳ hoa dị thảo” phục vụ chị em. Nghĩ là làm, ông đi khắp nơi tìm mua những gốc hồng, nhài, đỗ quyên cổ thụ hay những loại ăn quả như thị, trứng gà, táo, chay, vú sữa về uốn. Ngoài bonsai, ông Tiến vẫn nhận các dự án thiết kế cây cảnh cho cơ quan và nhà dân. Lần này, vì thay đổi kịp thời, ông một lần nữa tự cứu thoát mình.
Từ năm 2018, thấy người dân có nhu cầu chơi cây cảnh ngoại, đặc biệt là cây nghệ thuật từ Nhật Bản, ông Tiến bàn với gia đình vay mượn thêm để nhập khẩu. Ông đã bốn lần sang Nhật Bản tìm hiểu cách trồng, chăm sóc và tạo dáng cây cảnh để nâng cao tay nghề. Mỗi năm người đàn ông này nhập về hàng chục cây cảnh ngoại giá từ vài chục triệu đồng như trà Nhật, đỗ quyên cho đến tùng la hán, thông đen giá hàng chục tỷ đồng rồi tự chăm bẵm, cắt tỉa.
Hiện ông Hoàng Anh Tiến sở hữu 3.000 m2 đất trồng cây cảnh ở xã Phụng Công. Ngoài ra, ông cũng quản lý 3 ha đất trồng cây cảnh quan, cây nhập khẩu và cây lâu năm ở Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc, tạo công ăn việc làm cho hơn chục nhân công, thu nhập trung bình 11 triệu đồng mỗi tháng. Công việc kinh doanh mỗi năm cũng giúp ông có doanh thu khoảng 45 tỷ đồng.
Ngoài làm kinh tế, người đàn ông này còn có ý định thành lập hợp tác xã sản xuất giá thể trồng cây cảnh để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ông có nguyện vọng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây cảnh quan, giúp người nông dân có thu nhập cao hơn.
Chủ tịch hội nông dân xã Phụng Công Nguyễn Quốc Trị cho biết Hoàng Anh Tiến là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Từ trước đến nay, ông Tiến luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của xã, huyện.
“Ngoài công việc kinh doanh, ông Tiến còn hỗ trợ bà con trong xã nâng cao tay nghề trồng cây, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đồng thời thay đổi tư duy cho làng nghề ngày càng phát triển”, ông Trị nói.
Ông Lê Văn Cơ, 46 tuổi, bạn thân của ông Tiến, cũng là người chứng kiến hành trình gắn bó cây cảnh từ khi còn là học sinh cấp 2, nói khâm phục nghị lực của bạn mình.
“Ngày ấy, Tiến lúc nào cũng gọn gàng, thơm tho nên bạn bè nghĩ cậu ta làm dáng. Sau này lớn lên mới biết, do hàng đêm phải chở cây lên thành phố bán, người bẩn nên phải tắm gội trước khi đi học, nhưng Tiến chưa bao giờ kể chuyện này cũng như than khổ với ai”, ông Cơ nói.
Một ngày giữa tháng 3, đứng giữa khu vườn với hàng chục gốc bonsai, ông Tiến cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng thế rồi nâng niu những nhánh rễ non vừa mới buông khỏi thân cây.
Nhìn lại hành trình 25 năm theo nghề, người đàn ông này cho rằng, để cho ra những tác phẩm đẹp, ngoài niềm đam mê, người chơi cây cảnh cần phải đặt tâm mình vào đó.
Nhiều người từng xin bí quyết giúp thành công nhưng người đàn ông lắc đầu nói: “Chẳng có bí quyết gì ngoài sự nỗ lực và kiên trì, thất bại cũng phải đứng lên mà cố gắng”, vị tỷ phú nói.
Hải Hiền – Quỳnh Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tu-cau-be-ban-hang-rong-tro-thanh-ty-phu-4725874.html