Đã hơn hai năm áp dụng chính sách ba con nhưng Trung Quốc gặp phải một vấn đề đau đầu: Càng khuyến khích sinh, tỷ lệ sinh càng giảm và đạt mức thấp kỷ lục.
Nhiều năm qua, người dân TP Vũ Hán đã quen thuộc với tác phẩm điêu khắc một gia đình ba người (bố mẹ và một con) bên bờ sông của công viên Giang Tân Hán Khẩu. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm mới đây, số trẻ em trong bức tượng đã tăng gấp ba.
Trả lời truyền thông, tác giả Guo Xue cho biết đã bổ sung hai đứa trẻ mới theo yêu cầu của chính quyền địa phương vào cuối năm 2023. Lý do thay đổi nhằm phản ánh tốt hơn chính sách ba con hiện tại.
Từ năm 2021, chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng có ba con, sau 5 năm áp dụng chính sách hai con và hơn ba thập kỷ thực hiện chính sách một con.
Dù vậy, tỷ lệ sinh liên tục giảm gây lo ngại lớn khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nhân khẩu học do dân số thu hẹp và già hóa. Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ sinh của nước này đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2023 và dân số giảm năm thứ hai liên tiếp.
Chính phủ khuyến khích người dân sinh thêm con. Dù vậy, họ gặp khó khăn lớn hơn hẳn khi áp dụng chính sách một con. Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình – cơ quan ra đời để kiềm chế đà tăng dân số, giờ đây phải đảo ngược nhiệm vụ, nhờ công chúng vào cuộc cùng xây dựng các khẩu hiệu tuyên truyền cho chính sách ba con.
Họ thử nghiệm các cách thức tinh tế hơn để thúc đẩy chính sách. Chẳng hạn, trong video được Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đăng vào tháng 4/2022 nhằm kỷ niệm 73 năm thành lập Hải quân, một người lính gọi cho mẹ và kết thúc bằng cụm từ “cuộc gọi thứ ba”, ám chỉ sự xuất hiện của tàu sân bay thứ ba cũng như đề cập đến chính sách ba con.
He Zeying, một lập trình viên 24 tuổi ở Hàng Châu, nhìn ra những dấu hiệu khác về việc thúc đẩy kết hôn và sinh con trong Gala Lễ hội mùa xuân (phát sóng đêm giao thừa), ví dụ các bức vẽ cho thấy bố mẹ có nhiều con cháu.
“Tôi cảm thấy một loại áp lực vô hình, như thể có con và kết hôn đã chuyển từ một nhiệm vụ gia đình thành một trọng trách xã hội”, He nói.
Những phương pháp này cũng xuất hiện trong thời kỳ chính sách hai con. Đầu năm 2021, truyền thông địa phương đưa tin bìa sách giáo khoa “Đạo đức” cho học sinh lớp ba đã được điều chỉnh, mô tả một cặp vợ chồng và các con, thay vì một con như trước. Không rõ nhà xuất bản có ý định thêm một em bé nữa vào bìa sách không.
Các định hướng chính sách kế hoạch hóa gia đình còn ẩn trong nhiều nội dung và tài liệu chính thức. Chẳng hạn, bộ tem kỷ niệm năm Hợi vẽ hai chú lợn trưởng thành với ba heo con được ngầm hiểu là dấu hiệu của việc nới lỏng chính sách hai con sắp xảy ra.
Theo Giáo sư Yang Xueyan của Viện Nghiên cứu dân số và phát triển tại Đại học Giao thông Tây An, “kiểu quảng bá này nhằm thể hiện lập trường của chính phủ; nó nói với mọi người rằng các quan chức đang ủng hộ và khuyến khích có con”.
Bà Yang tin rằng việc quảng bá tinh tế như vậy sẽ hiệu quả hơn so với các lời kêu gọi trực tiếp. Năm 2023, các quan chức Tây An bị chê cười vì gửi tin nhắn văn bản cho những người tham dự lễ hội Thất tịch (ngày lễ Tình nhân của Trung Quốc) khuyến khích họ sinh thêm con để “kế thừa dòng máu Trung Quốc và gánh vác trách nhiệm trẻ hóa quốc gia”.
Giáo sư đồng thời cảnh báo trở ngại lớn nhất đối với các bậc phụ huynh vẫn là chi phí nuôi dạy cao, cả về tình cảm và tài chính.
Trong khi các thành phố lớn, bao gồm Hàng Châu và Trịnh Châu, đã triển khai các chương trình trợ cấp tài chính trong năm qua cho những người mới làm cha mẹ, hàng loạt các vấn đề khác ngăn cản mọi người sinh con, như sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chưa được giải quyết.
“Chỉ thúc đẩy một chính sách mà không giải quyết các vấn đề cơ bản… là không đủ để thực sự ảnh hưởng đến hành vi và việc ra quyết định của cá nhân”, bà nói.
Đối với Lu Di, bà mẹ của cậu con một tuổi, tác phẩm điêu khắc mới ở công viên Hán Khẩu Giang Tân mang lại “cảm giác một gia đình đẹp”. Tuy nhiên, cô không có kế hoạch sinh thêm con. “Đau lắm”, cô chia sẻ.
Các quan chức cũng nhận thức được thách thức mà họ phải đối mặt. Trong những năm gần đây, nhiều cơ quan chính phủ đã triển khai các chương trình phúc lợi bảo hiểm, nhà ở và giáo dục cho các bậc phụ huynh, trong khi hàng chục dự án thí điểm được đưa ra trên khắp đất nước nhằm cố gắng mở ra một kỷ nguyên hôn nhân và sinh sản mới.
Huy Phương (Theo Sixth Tone)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trung-quoc-am-tham-khuyen-khich-nguoi-dan-de-them-4704706.html