Một bà mẹ có 3 đứa con chia sẻ, gần đây chị rất đau đầu với đứa con thứ 2 của mình. Khi chưa sinh con thứ ba, con gái thứ 2 của chị rất hiểu chuyện. Dù đôi khi cô bé hơi bướng nhưng hầu hết đều ngoan ngoãn, hòa thuận với chị gái.
Khi con gái thứ hai được 4 tuổi, người mẹ mang thai tiếp. Lúc đó chị quyết định giữ lại đứa bé vì thấy hai con lớn đều ngoan ngoãn, chắc sẽ thích ứng được với việc có thêm em, thêm nữa hoàn cảnh gia đình cũng đủ vững để nuôi được 3 đứa trẻ. Tuy nhiên khi đứa trẻ thứ 3 ra đời, vì mẹ chồng đã cao tuổi, không thể giúp đỡ nên người mẹ phải tự mình chăm sóc 3 đứa con. Đôi khi chị có phần bỏ bê 2 đứa con lớn.
Cũng từ lúc sinh đứa thứ 3, chị cảm thấy cô con gái thứ 2 trở nên hay quấy khóc, ngỗ ngược hơn, không chịu nghe lời. Đôi khi chỉ vì một chuyện nhỏ mà khóc rất lâu. Nhiều khi chị cáu quá nên đã đánh con, thế nhưng cô con gái chẳng những không sợ mà còn quấy hơn.
Người bố thấy vậy cũng lấy làm lạ. Anh nhiều lần nói chuyện với vợ: “Tại sao đứa thứ 2 nhà mình đột nhiên hư như vậy? Trước đó nó có như vậy đâu? Điều gì khiến con bé tự nhiên ngang bướng, vô kỷ luật như vậy?”.
Trên thực tế, hiện tượng đứa con thứ 2 đột nhiên nổi loạn, trở nên khó quản nhất giống như gia đình này không hề hiếm.
Trước hết, đứa con thứ hai đang từ con út đã thay đổi trở thành anh/chị, cũng không còn là “bé bỏng nhất”, “ưu tiên nhất” trong mắt bố mẹ, anh/chị nữa. Khi sự quan tâm đến mình đột nhiên giảm đi và chuyển sang một đứa trẻ khác, đứa con thứ 2 rất dễ cảm thấy lạc lõng, mất cân bằng và trở nên mất bình tĩnh.
Đứa con thứ 2 cũng là một vị trí khá “mông lung”. Trong khi con cả vốn đã hiểu chuyện, cha mẹ không cần lo lắng, con út thì còn nhỏ, phải chú ý nhiều hơn thì đứa con thứ 2 luôn không biết làm cách nào để thu hút sự chú ý của cha mẹ.
Cuối cùng, sự thờ ơ của cha mẹ là nguyên nhân sâu xa nhất khiến đứa con thứ hai nổi loạn. Đúng là nhà đông con thì khó chăm sóc từng đứa, đứa lớn là con cả đương nhiên được quan tâm nhiều, đứa thứ ba là con út đương nhiên cũng thế. Lúc này, nhiều cha mẹ bỏ qua việc chú ý đến đứa con thứ 2.
Trong bộ phim Reply 1988 đình đám của Hàn Quốc cũng từng phản ánh điều này. Không ít lần khán giả cảm thấy xót xa khi nhân vật chính Duk Sun, cô con gái thứ 2 trong gia đình bị cha mẹ “phớt lờ” so với chị cả và em trai út. Không ít lần, Duk Sun tủi thân, tức giận vì cảm thấy bị đối xử bất công so với chị và em trai.
Mặc dù “hiện tượng con thứ 2” phổ biến ở những gia đình đông con, nhưng là cha mẹ, chúng ta không thể coi đó là bình thường. Chúng ta phải dành sự quan tâm đồng đều đến các con, nếu không, để lâu ngày sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ đứa con thứ 2 mà còn cả những đứa con khác.
Là cha mẹ, chúng ta không được để con cảm thấy mình bị bỏ qua, không được khiến con bị khoảng cách tâm lý. Hãy quan tâm đồng đều, hãy giúp các con bồi đắp tình cảm anh chị em, loại bỏ sự ghen tị, đố kị giữa những đứa trẻ.
Khi đối xử với con cái, cha mẹ phải công bằng, không nên lúc nào cũng yêu cầu anh phải nhường nhịn em. Khi các con có mâu thuẫn, cha mẹ phải có thái độ xử lý đúng mực, đừng vì đứa nhỏ ít tuổi mà bao che, bắt đứa lớn nhường.
Bên cạnh đó, khi con thứ 2 có biểu hiện nổi loạn, cha mẹ thay vì trách móc cũng cần phải tự soi xét lại chính bản thân mình. Đừng vội trách con hư khi chính bản thân chúng ta bỏ bê, không đối xử công bằng với con cái.