Năm 2024 là năm Giáp Thìn, tức năm con rồng. Trong văn hoá một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, con rồng biểu tượng cho sức mạnh, trí tuệ và sự may mắn.
Về con giáp này, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Trung Quốc) đã thực hiện cuộc khảo sát với gần 20.000 sinh viên. Họ phát hiện cha mẹ của những đứa trẻ sinh năm Thìn quan tâm nhiều hơn đến sự thành công của con và đặt kỳ vọng cao cho con. Đây là yếu tố giúp trẻ lớn lên có khả năng “hoá rồng, hoá phượng”.
Naci.H. Mocan và Han Yu, các nhà nghiên cứu tại Đại học Louisiana thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), cũng tiến hành thu thập dữ liệu và phân tích gần 20.000 trẻ em Trung Quốc. Họ ngạc nhiên khi phát hiện, những đứa trẻ sinh năm Thìn có điểm số cao và có nhiều khả năng thành công hơn.
Nghe có phần phi lý nhưng nếu xét trên góc độ khoa học, đây hoàn toàn là điều hợp lý.
Nghiên cứu thú vị về những đứa trẻ tuổi Thìn
Hai nhà nghiên cứu là Naci.H. Mocan và Han Yu bắt đầu phân tích thành tích những đứa trẻ sinh năm con rồng về điểm thi, trình độ học vấn.
Đầu tiên, họ tiến hành phỏng vấn 5.000 sinh viên được chọn ngẫu nhiên từ 15 trường đại học ở Bắc Kinh. Năm mà các em thi tuyển là năm 2006 hoặc 2008. 23% học sinh trong số đó sinh năm 1988, năm con Rồng. Sau khi phân tích, họ thấy trong cùng điều kiện, học sinh sinh năm Thìn có điểm thi cao hơn các học sinh khác khoảng 10,5 điểm.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát 112 trường trung học cơ sở ở 28 tỉnh/khu vực ở Trung Quốc. Họ chọn ngẫu nhiên 13.309 học sinh lớp 7 và 9 từ 438 lớp và thu thập điểm kiểm tra giữa kỳ các môn tiếng Trung, Toán và tiếng Anh. Những học sinh này sinh từ năm 1996 đến năm 2002, và 23% trong số họ sinh năm 2000 – năm con Rồng. Kết quả cho thấy, trẻ sinh năm Thìn có điểm kiểm tra cao hơn các năm sinh khác.
Một câu hỏi mới được đặt ra: Thành tích xuất sắc của các em có phải là do cha mẹ có thu nhập/trình độ học vấn cao hơn hay là do sự chỉ bảo của thầy cô?
Sau khi khảo sát trình độ học vấn, nghề nghiệp và mức thu nhập của cha mẹ, các nhà nghiên cứu nhận thấy điểm kiểm tra của trẻ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên.
Họ tiếp tục tiến hành khảo sát nhằm đánh giá sức khỏe tinh thần, nguyện vọng nghề nghiệp và nhận ra không có sự khác biệt đáng kể giữa học sinh sinh năm Thìn và học sinh các năm khác. Vì thế, họ tiếp tục đưa ra bảng câu hỏi dành cho cha mẹ các em để hiểu hơn về ý định sinh con trong năm Thìn.
Kết quả là từ tín ngưỡng dân gian, các bậc cha mẹ đều tin nếu con sinh năm Thìn sẽ mang một số đặc điểm của loài vật này. Họ mong con họ sớm “hoá rồng, hoá phượng”, thông minh xuất chúng, gặp nhiều may mắn, vẹn toàn công danh sự nghiệp. Chính vì có niềm tin mãnh liệt nên họ không ngại đầu tư cho con, đặc biệt tập trung vào giáo dục. Nhờ vậy, trẻ có xu hướng chăm chỉ học tập và trí tuệ phát triển hơn. Điều này dẫn đến kết quả học tập và chỉ số IQ được cải thiện.
Cuộc nghiên cứu cũng mang đến một điều thú vị trong giáo dục: Sự mong đợi và hỗ trợ của cha mẹ có tác động đáng kể đến sự tự tin, hành vi và hiệu suất của trẻ. Xét cho cùng, cha mẹ là người quan trọng nhất đối với sự phát triển của con cái.
Nếu cha mẹ đặt kỳ vọng cao hơn ở con, trẻ sẽ được khơi dậy động lực bên trong, sự tự tin và tiếp tục nỗ lực hướng tới những mục tiêu. Ngược lại, nếu cha mẹ không kỳ vọng hoặc kỳ vọng thấp có thể khiến trẻ sẽ đánh mất sự tự tin.
Kỳ vọng quá cao sẽ trở thành gánh nặng
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý điều gì cũng có giới hạn. Mặc dù kỳ vọng cao có những tác động tích cực nhất định nhưng có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý.
Theo một nghiên cứu mới được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ công bố vào năm 2022, sau khi phân tích dữ liệu của hơn 20.000 sinh viên đại học đến từ Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh, ông Thomas Curran – trợ lý giáo sư tại Khoa Tâm lý học Trường London nhận thấy, trong 32 năm qua, sự kỳ vọng, chỉ trích và mức độ căng thẳng của phụ huynh đã tăng lên. Điều này có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Trong nghiên cứu của Giáo sư Curran, ông tin rằng có 3 loại chủ nghĩa cầu toàn:
– Tự định hướng bao gồm việc đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho bản thân.
– Hướng tới người khác, hướng chủ nghĩa cầu toàn của bản thân ra bên ngoài và mong đợi người khác cũng là người cầu toàn.
– Có định hướng xã hội, tin rằng người khác và xã hội có những yêu cầu về sự hoàn hảo.
“Những kỳ vọng của cha mẹ có thể có hại hơn những lời chỉ trích. Khi trẻ không thể đáp ứng được kỳ vọng, trẻ dễ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, tự làm hại bản thân và rối loạn ăn uống”, Giáo sư Curran cho biết thêm.
Một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (nước Mỹ) cho biết, mặc dù những kỳ vọng cao có thể thúc đẩy sự tự tin và nỗ lực, nhưng nếu không đáp ứng được kỳ vọng, trẻ bắt đầu lo lắng về những gì người khác nghĩ hoặc lo lắng về thất bại. Để thoát khỏi áp lực tâm lý, nhiều trẻ sẽ chọn cách từ bỏ hoặc thay đổi hướng đi.
Cha mẹ nên làm gì cho con?
Tiến sĩ Jane Adams – Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ với nhiều năm tư vấn giáo dục gia đình, đã chỉ ra, cha mẹ cần biết sự khác biệt giữa ước mơ, hy vọng và mục tiêu , sau đó xác định những điều nào có thể biến kỳ vọng dành cho con.
– Ước mơ là mong muốn hoặc tầm nhìn lý tưởng hóa, có thể là sự tưởng tượng về những thành tựu hoặc thành công trong tương lai của trẻ.
– Hy vọng là cảm giác tích cực về một khả năng nào đó, nghĩ rằng điều gì đó có thể xảy ra.
– Mục tiêu có thể định lượng và đạt được, đòi hỏi phải có kế hoạch và nỗ lực rõ ràng để đạt được.
Xét về mức độ, mục tiêu nằm trong tầm tay nhưng ước mơ là thứ khó đạt được nhất. Kỳ vọng có nghĩa là đưa ra yêu cầu đối với người khác, nếu không được đáp ứng thì dễ xảy ra xung đột hoặc thất vọng.
Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc 3 điều sau khi dành kỳ vọng cho con:
1. Kỳ vọng phải dựa vào khả năng của trẻ chứ không chỉ dựa trên ước mơ, hy vọng và mục tiêu của cha mẹ
Là những người từng trải, các bậc cha mẹ có thể đã đi chệch hướng trong quá trình trưởng thành và không muốn con mình lặp lại sai lầm tương tự. Một số bậc cha mẹ tin rằng trẻ ngày nay có điều kiện sống tốt hơn nên không muốn con lãng phí cơ hội. Hoặc có những bậc cha mẹ bị tổn thương trong quá khứ và muốn sửa đổi thông qua con cái.
Tuy nhiên, khi đặt ra kỳ vọng, cha mẹ cần tôn trọng con, hiểu được nhu cầu của con và tránh áp đặt mong muốn hay sở thích chưa được thực hiện lên con.
2. Kỳ vọng phải hợp lý và có thể đạt được, tránh gây áp lực quá mức
Nhà tâm lý học lâm sàng Eileen Kennedy-Moore từng đưa ra một hướng dẫn hữu ích trên blog cá nhân: Những kỳ vọng hợp lý đối với trẻ nên dựa trên những gì trẻ có thể đạt được hoặc vượt quá mức hàng ngày một chút.
Một số trẻ có thể xuất sắc ở một lĩnh vực nhất định và tiến bộ nhanh chóng. Trong khi những trẻ khác có thể cần nhiều thời gian và sự hỗ trợ hơn để đạt được trình độ tương tự.
Elieen Kennedy-Moore đưa ra ví dụ về một gia đình mà bà biết, con cái của họ năm trước học kém nhưng năm nay đã đạt điểm B. Nhưng cha cậu bé đó đã đặt kỳ vọng quá cao: “Con nên đạt điểm A!”.
“Sự tiến bộ của trẻ thật đáng kinh ngạc, nhưng những kỳ vọng không thực tế của người cha đã tước đi niềm vui của sự tiến bộ”. Eileen Kennedy-Moore nói thêm: “Nếu cha mẹ buông bỏ nỗi ám ảnh vô lý của mình và đồng cảm với con thì nhất định con họ sẽ đạt được mục tiêu”.
3. Khi truyền đạt những kỳ vọng với con, cha mẹ nên chú ý cách diễn đạt
Tiến sĩ Carl Pickhardt là nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ. Trong cuốn sách mới về nuôi dạy con cái, ông đề cập những cách cha mẹ thể hiện kỳ vọng khác nhau sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến suy nghĩ của trẻ.
Ông chỉ ra, câu nói phổ biến được các bậc cha mẹ sử dụng là: “Cha mẹ sẽ không gây áp lực gì cho con, miễn là con không làm cha mẹ thất vọng”.
Sau khi nghe điều này, trẻ sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Làm sao mình có thể phấn đấu đạt được kết quả xuất sắc, đồng thời không cảm thấy chán nản, trách móc bản thân khi kết quả không tốt?”.
Tiến sĩ Pickhardt nói rằng thay vì “Đừng làm cha mẹ thất vọng”, cách diễn đạt tốt hơn là: “Hãy cố gắng hết sức và không để tiếc nuối!”, “Hãy rút ra bài học từ sai lầm trước đây, “Hãy làm việc chăm chỉ với quyết tâm mới”,…
Tiến sĩ Pickhardt cho biết thêm: “Cha mẹ nên giúp con hiểu, điều quan trọng nhất không phải là kỳ vọng vào thành tích mà là kỳ vọng được chấp nhận. Khi trẻ có niềm tin vào sự chấp nhận, ngay cả khi không đáp ứng được kỳ vọng, trẻ vẫn duy trì sự tự chủ và tự tin, suy nghĩ về cách làm tốt hơn và tích cực đối mặt với những thách thức”.
Theo Toutiao
Nguồn tin: https://cafef.vn/khao-sat-20000-sinh-vien-trung-quoc-tre-sinh-nam-rong-co-kha-nang-thanh-cong-cao-tuong-lai-khien-cha-me-no-may-no-mat-188240102201712058.chn