Ngày nay, các vấn đề xung quanh sức khoẻ tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Dưới đây là nội dung bài phát biểu của chuyên gia tên là Trần Mặc đến từ Trung tâm Tư vấn tâm lý của Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc). Từ năm 1990 đến nay, bà đã tham gia nghiên cứu và tư vấn sức khoẻ tâm lý cho hơn 8.000 trẻ em cùng nhiều gia đình khác nhau.
Từ những nghiên cứu của mình, vị chuyên gia nhận thấy rằng trẻ em sống ở các thành phố lớn ngày nay có những đặc điểm tâm lý khác hoàn toàn so với thế hệ ông bà, cha mẹ. Nếu người lớn không nắm bắt được những tính cách này, việc giáo dục và định hướng trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đặc điểm của trẻ em ở thành phố lớn hiện nay
1. Cảm giác cô đơn bẩm sinh
Hiện nay, hầu hết trẻ em sống ở các thành phố lớn đều sống trong những căn hộ đơn lẻ, khiến cho các em thường cảm thấy cô đơn hơn. Điều này dẫn đến những hiện tượng tâm lý sau.
Thứ nhất, trẻ có xu hướng buồn vô cớ và khóc một mình.
Thứ hai, trẻ sẽ bắt đầu suy nghĩ về những câu hỏi lớn trong cuộc đời như sự sống và cái chết.
2. Áp lực học tập chưa từng có
So với các thế hệ trước, trẻ em ngày nay chịu rất nhiều áp lực học tập. Chúng sống trong sự lo lắng về việc phải học giỏi mỗi ngày.
Ngoài áp lực học tập, trẻ cũng đối mặt với gánh nặng tinh thần do người lớn mang lại. Vị chuyên gia lý giải con người có bản năng báo đáp lòng tốt của người khác. Mặc dù cha mẹ không cần con cái trả ơn, song những đứa trẻ thường có tâm lý báo hiếu phụ huynh thông qua việc học tập thật giỏi.
Nỗi lo lắng về việc học đã hình thành nên ý thức cạnh tranh mạnh mẽ giữa những đứa trẻ. Khi con nhận ra không thể trả ơn bố mẹ bằng việc học tốt hay thi đỗ trường danh tiếng, con sẽ có xu hướng chán học.
Do đó, vị chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên hiểu rõ áp lực học tập và gánh nặng cảm xúc con cái đang mang . “Trẻ em ngày nay có gánh nặng tâm lý mà thế hệ ông bà và cha mẹ không có. Người lớn cần hiểu cảm xúc của con thì mới thực sự giúp được chúng” , vị chuyên gia nói.
3. Yêu cầu về quyền phát biểu cao
Trẻ em ngày nay có nhu cầu rất cao về quyền được nói. Thế nhưng, nhiều nhà giáo dục và phụ huynh vẫn đi theo tư tưởng cũ, không cho trẻ nói, hay thậm chí ngó lơ đi sự phát biểu của trẻ.
Do đó, vị chuyên gia khuyên cha mẹ nên cố gắng có những cuộc nói chuyện bình đẳng với con cái. “Một đứa trẻ luôn có những cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình. Nếu là phụ huynh tốt, bạn nên chấp nhận thế giới riêng của con. Nếu người lớn chấp nhận được, con sẽ biết tự lập trong cuộc sống và tương lai”.
4. Biết nhiều kiến thức hơn
Với sự phát triển của Internet, trẻ em ngày nay có kiến thức rộng và được tiếp xúc nhiều hơn so với thế hệ trước. Không ngạc nhiên khi ở nhiều vấn đề, trẻ còn biết rõ hơn cả phụ huynh và giáo viên.
5. Tiêu chuẩn đạo đức cao hơn thế hệ trước
Trẻ em ngày nay ngay từ nhỏ đã sống trong tình yêu thương của người lớn, có điều kiện sống tốt, được học hỏi nhiều kiến thức. Trẻ được dạy trở thành người tử tế, nên không ngạc nhiên tiêu chuẩn đạo đức của trẻ em ngày nay đôi khi cao hơn so với thế hệ trước.
6. Cảm nhận về cuộc sống thực tế rất yếu
Trẻ em ngày nay thường ít giao tiếp với thể giới thực, dẫn đến cảm nhận thực tế của các em rất yếu. Chúng có xu hướng tìm kiếm cảm giác thực trong thế giới ảo và cảm giác ảo trong thế giới thực.
Do đó, vị chuyên gia khuyên cha mẹ nên cho con tham gia nhiều hoạt động trong cuộc sống thực hơn. Ví dụ, cùng thảo luận những vấn đề quan trọng trong nhà và lắng nghe ý kiến của con.
Những đứa trẻ nào sẽ thành công và hạnh phúc trong tương lai?
Theo vị chuyên gia, nếu muốn trẻ trở nên thành công và hạnh phúc trong tương lai, con cần những phẩm chất sau:
1. Khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần
Trẻ cần có cơ thể khoẻ mạnh thì mới dễ thích nghi với cuộc sống xung quanh. Ngoài ra, giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều đến sức khoẻ và chất lượng sống nên việc rèn luyện chính bản thân mình là điều cha mẹ cần dạy con.
2. Có thu nhập không thấp hơn mức trung bình xã hội
Bà Trần Mặc kể lại câu chuyện có một bà mẹ đến tư vấn tâm lý vì có con gái tốt nghiệp trường đại học danh giá, song cô nhất quyết muốn trở thành giáo viên Tiểu học thay vì vào tập đoàn nước ngoài có mức thu nhập cao.
Vị chuyên gia chia sẻ với người mẹ rằng: Thu nhập của giáo viên Tiểu học ở mức trung bình của xã hội. Nếu con gái thích làm giáo viên thì mức lương này có thể đáp ứng được nhu cầu của cô. Cô con gái sẽ vui vẻ làm công việc này, cố gắng hoàn thiện bản thân để trở thành giáo viên giỏi, từ đó có mức thu nhập tốt hơn.
Trường hợp còn lại là con gái nghe theo lời mẹ để vào tập đoàn nước ngoài với mức lương cao. Nhưng đi làm một thời gian, cô chán nản và quyết định nhảy việc đến một công ty khác có mức lương tốt hơn. Nếu nhảy việc thất bại, cô sẽ có tâm lý không cân bằng, dần nghi ngờ bản thân. Còn nếu nhảy việc thành công, cô có mức thu nhập cao hơn nhưng lại không phải đam mê của mình, suy cho cùng vẫn cảm thấy không hạnh phúc.
Thực tế, thu nhập rất quan trọng với nhiều người. Vậy cần mức thu nhập thế nào để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc? Vị chuyên gia tin rằng chỉ cần thu nhập không thấp hơn mức trung bình xã hội, đứa trẻ có thể sống yên bình, được làm điều mình yêu thích và sống cuộc đời không nuối tiếc.
3. Biết cách chấp nhận bản thân
Trẻ em nên có niềm vui từ chính bản thân mình, chứ không phải trông chờ vào sự đánh giá của người khác. Những người có tính cách như vậy sẽ có nội tâm mạnh mẽ, không phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài.
4. Sẵn sàng học tập suốt đời
Trẻ em nên phát triển thói quen đọc sách ngay từ nhỏ và có khả năng học tập suốt đời để có thể thích nghi trong cuộc sống phát triển nhanh như ngày nay.
5. Không lo lắng khi ở một mình
Con người muốn tự lập được thì phải có nội tâm mạnh mẽ. Cho nên, cần học cách sống tốt khi ở một mình, tận hưởng niềm vui khi không có ai ở bên cạnh.
6. Không lo lắng khi ở trong tập thể
Khi ở trong một tập thể, trẻ không nên bị “lép vế” mà cần hoà đồng với mọi người, chủ động phát triển mối quan hệ với những người mà mình thực sự cần, có ích trong cuộc sống sau này.
7. Có khả năng giúp đỡ người khác
Vị chuyên gia cho biết: Dạy trẻ biết giúp đỡ người khác có thể giúp chúng trở nên mạnh mẽ và cạnh tranh tốt sau này. Việc biết giúp đỡ cũng là đức tính tốt để trẻ trau dồi bản thân, có thêm những mối quan hệ tốt về sau.
8. Có định hướng giá trị cuộc sống đúng đắn
Cuối cùng, nếu muốn sống tốt thì trẻ phải có giá trị sống và thế giới quan đúng đắn. Từ đó, trẻ mới có thể tự tin đi theo con đường mình đã chọn trong thế giới biến đổi nhiều như hiện nay. Và tất nhiên, chính cha mẹ nên giúp con hình thành nên những giá trị lành mạnh và tích cực này.
Nguồn: Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/nghien-cuu-tu-hon-8000-tre-em-tre-sau-nay-thong-minh-va-hanh-phuc-thuong-co-8-dac-diem-tinh-cach-sau-188240103172659267.chn