Trên mạng xã hội có người đặt ra một câu hỏi: “Con cái không thích cha mẹ nói gì nhất?”
Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt tán đồng: Hướng nội.
Trong đó, có một bình luận nhận được rất nhiều lượt quan tâm: “Tôi hồi nhỏ không thích nói chuyện, thích một mình một góc chơi đồ chơi, chỉ cần nhà có khách tới, tôi sẽ lập tức đi vào phòng. Lúc học tiểu học, cô chủ nhiệm nói tôi quá ít nói, không hòa nhập với tập thể, ba mẹ vì vậy rất phiền não.
Hồi trung học, mẹ của tôi không biết từ đâu nghe ra được một phương pháp nói thường xuyên đưa con đi ra ngoài tham gia các bữa tiệc cùng sẽ cải thiện được tính hướng nội.
Cứ như vậy, mẹ bắt đầu đưa tôi theo tới đủ các bữa tiệc liên hoan, không chỉ ép tôi đi chào hỏi mọi người, còn yêu cầu anh tiếp chuyện người lớn. Lúc đó tôi đứng lên, đỏ mặt nhấp một ngụm trà, không biết nên nói gì, lại ngồi xuống. Người lớn bắt đầu nói, phần lớn đều là những câu kiểu như, “hướng nội như này sau làm sao lấy được vợ”…
Lúc đó tôi đang tuổi dậy thì, nghe người lớn chê cười như vậy, cảm thấy rất tổn thương, khó chịu.
Tôi không thích nói chuyện thì có sao? Tôi không thích giao tiếp với người khác thì có sao? Tôi vẫn có thể đỗ được vào một trường đại học tốt, tìm được một công việc tốt, cũng đã yêu đương rồi.
Người hướng nội, cũng có thể sống một cuộc sống như những người bình thường!”
Sự tủi thân này, tin rằng rất nhiều những bạn nhỏ từng được gán mác “hướng nội” đều có thể đồng cảm.
Đã có một thời nhiều người cho rằng người hướng nội có khiếm khuyết về tính cách và dễ thất bại. Nhưng, định kiến đó liệu có đúng? Nhưng sự thật có đúng là như vậy không?
Nhà tâm lý học Marty Olson Lanney đã khẳng định rõ ràng trong cuốn sách “The Introvert Advantage” rằng: “Hướng nội và hướng ngoại là hai loại khí chất khác nhau, hoàn toàn không tồn tại cái gọi là tốt xấu.”
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai tính cách này nằm ở cách hấp thụ năng lượng.
Những người hướng nội thích tiếp thêm năng lượng bằng cách ở một mình, trong khi những người hướng ngoại thích tiếp thêm năng lượng thông qua giao tiếp xã hội.
Có thể thấy, hướng nội là một đặc điểm chứ không phải nhược điểm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống nội tâm có suy nghĩ tinh tế hơn và cảm xúc nhạy cảm hơn.
Khi không nói chuyện, những đứa trẻ hướng nội thực ra đang lặng lẽ quan sát mọi thứ xung quanh chúng.
Khi ở một mình, đứa trẻ hướng nội thực ra đang nghiêm túc suy nghĩ vấn đề…
Ngoài những cảm xúc tinh tế, những đứa trẻ hướng nội còn có khả năng tập trung tốt hơn và dễ thành công hơn trong những lĩnh vực chúng giỏi.
Lớp cấp ba của tôi có một nam sinh cao 1m85, và bạn học đó rất ít nói.
Sau mỗi giờ học, trong lúc mọi người cùng nhau nói chuyện phiếm, cậu ấy luôn yên lặng ở bên cạnh lắng nghe, rất ít lên tiếng tham gia.
Mỗi khi giáo viên đặt câu hỏi, cậu ấy dường như phải tìm kiếm trong đầu rất lâu trước khi có thể đưa ra câu trả lời một cách chậm rãi.
Không giỏi thể hiện bản thân nhưng điểm số của cậu ấy cực kỳ tốt, cậu ấy tham gia các cuộc thi vật lý và hóa học và giành được huy chương vàng.
Năm thứ ba trung học, cậu ấy được khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa (trường đại học thuộc top 3 tại Trung Quốc) tuyển thẳng.
Vì ngồi cùng bàn với cậu ấy nên tôi nhận ra bí quyết thành công của cậu ấy nằm ở chỗ: tập trung.
Có một lần khi cậu ấy đang giải bài toán, tôi sơ ý làm đổ cốc nước làm văng lên bộ đồng phục nhưng cậu ấy không hề hay biết.
Một giáo sư từng nói: “Những đứa trẻ có cái miệng lanh lợi thường có điểm số trung bình. Ngược lại, những đứa trẻ im lặng và ít nói thường học rất giỏi.”
Mặc dù không phải tất cả mọi trường hợp đều đúng như vậy, nhưng một tỷ lệ đáng kể những đứa trẻ ít nói có khả năng tập trung hơn vào một việc, và điều này giúp chúng dễ dàng đạt được thành tích ấn tượng hơn.
Vì vậy, hướng nội ≠ thất bại.
Cha mẹ có thể làm gì để nuôi dạy tốt hơn những đứa trẻ hướng nội?
Dưới đây là 3 gợi ý:
1. Coi tính cách hướng nội của trẻ là một đặc điểm thay vì một khuyết điểm, đặc biệt là các bé trai
Trong quan niệm truyền thống, con trai có rất nhiều điều không được: không được khóc, không được yếu đuối, không được thích màu hồng, không được nhút nhát…
Một khi có tính cách trầm lặng, các bạn lập tức sẽ bị gắn mác “sống nội tâm” và “không thể thành công”.
Và những bậc cha mẹ thông minh sẽ coi tính cách hướng nội của con là một đặc điểm chứ không phải khuyết điểm.
Có một cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên ở trường trung học cơ sở, và giáo viên chủ nhiệm đã nói chuyện với một người cha về thành tích của con trai anh ấy: “Con trai của anh có thành tích học tập không tệ, nhưng em ấy ít nói quá. Con trai nên hướng ngoại nhiều hơn, như vậy sau này mới có thể nên được việc lớn.”
Người cha sau khi nghe xong đã lập tức phản bác: “Tôi không cảm thấy con trai mình hướng nội, thằng bé ở nhà có rất nhiều bạn tốt.”
Tâm lý học trẻ em cho thấy, con cái có thể không nhất thiết phải trở thành những gì cha mẹ chúng mong đợi, nhưng chúng nhất định sẽ trở thành những gì mà cha mẹ chúng nói.
Nếu bạn luôn dán cho con mình một cái nhãn tiêu cực, trẻ sẽ dần phát triển theo hướng đó.
Còn cậu học sinh trong câu chuyện trên, chính vì không bị gắn mác “hướng nội” nên cậu bé mới có thể dễ dàng tiếp nhận bản thân và trở thành một người tự tin.
2. Tôn trọng nhu cầu được ở một mình của con cái
Trong một cuộc phỏng vấn, Einstein từng được hỏi rằng: “Bí quyết thành công của ông là gì?”
Câu trả lời của ông là: “Thực ra không phải tôi rất thông minh, tôi chỉ đơn giản là dành nhiều thời gian hơn cho vấn đề.”
Einstein từ nhỏ đã là người ít nói, nhưng không những không lo lắng rằng sau này ông sẽ lạc nhịp với thế giới, mẹ ông còn để ông ở một mình trong thời gian dài nếu điều đó khiến ông cảm thấy thoải mái.
Cứ như vậy, Einstein có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và nghiên cứu các vấn đề, và rồi trở thành nhà vật lý làm thay đổi lịch sử nhân loại.
Hướng nội không phải là bệnh, nhưng việc cha mẹ mù quáng ép con hướng ngoại và trở thành người mà cả thế giới công nhận, đó mới là bệnh.
3. Giúp trẻ tìm thấy điều mà mình quan tâm và thực sự hứng thú
Một nghiên cứu kéo dài hơn 30 năm về giới tinh hoa xã hội ở Hoa Kỳ cho thấy những người hướng nội có tài năng nổi trội về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác mà người hướng ngoại không thể sánh được.
Vì vậy, nếu trong gia đình có những đứa trẻ thích ở một mình hơn tham gia vào các hoạt động xã giao ồn ào, cha mẹ có thể hướng cho con tới lĩnh vực nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, biết đâu con sẽ phát hiện ra năng khiếu riêng của mình.
Có một câu nói như này: Mỗi một cá nhân đều là một thiên tài.
Nhưng nếu bạn đo khả năng của một con cá bằng khả năng leo cây của nó, vậy thì con cá sẽ sống trong sự thiếu tự tin suốt phần đời còn lại của nó.
Một đứa trẻ hướng nội là một con cá lớn dưới biển sâu.
Chúng đối mặt với khó khăn và thất bại một cách bình tĩnh và thận trọng.
Chúng nhạy cảm, tinh tế, nhận biết được những thay đổi của môi trường và cảm xúc của con người.
Cha mẹ thông minh nên bảo vệ những đặc điểm hướng nội của con mình, bởi lẽ đằng sau những đặc điểm này, phải có một năng lượng rất lớn mà trước mắt chúng ta không thể nhìn thấy được.
Và năng lượng đó vào một ngày nào đó sẽ mang lại hơi ấm cho cha mẹ và ánh sáng cho thế giới.
Mong rằng mọi đứa trẻ không thích nói chuyện hay những nơi ồn ào đều có thể được cha mẹ chấp nhận và sống một cuộc sống tuyệt vời nhất.