Tăng trưởng chiều cao ở trẻ cần sự kết hợp của nhiều yếu tố từ dinh dưỡng, vận động đến giấc ngủ. Không những vậy, chiều cao của bé còn bị chi phối bởi tốc độ phát triển, hoạt động của hormone tăng trưởng và hormone sinh dục ở từng giai đoạn.
Trẻ có 6 biểu hiện này khó phát triển chiều cao tốt trong tương lai, ba mẹ nên chấn chỉnh:
1. Thừa cân béo phì sau 2 tuổi
Nhiều cha mẹ ở Châu Á, bao gồm Việt Nam, thường thích con bụ bẫm, mập mạp khi còn nhỏ. Do đó, thường cố ép trẻ ăn bằng mọi cách để con mình “tròn như con nhà người ta”. Sự thật là 4 trên 5 trẻ cảm thấy xấu hổ và bị kì thị về thân hình to lớn của mình ở độ tuổi đến trường. Ngoài bị ảnh hưởng hành vi, bằng chứng cũng cho thấy quá bụ bẫm sau 2 tuổi và tiếp tục đi vào tuổi dậy thì sẽ làm giảm đáng kể chiều cao khi trưởng thành của trẻ.
Tốt nhất, cha mẹ nên khuyến khích và giúp con lấy lại được cân nặng cân đối, khỏe mạnh trước 10 tuổi để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao về sau.
2. Tiếp xúc với nhiều ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại, Ipad trước khi ngủ
Ngày nay, trẻ thường được cha mẹ cho tiếp xúc các thiết bị điện tử như điện thoại/ipad từ rất sớm. Việc lạm dụng các thiết bị này thường nhằm gây chú ý trong khi ăn để trẻ ăn được nhiều hơn, hoặc dùng để “dụ trẻ chơi một mình”. Thậm chí rất nhiều trẻ trở nên “nghiện”, dùng hàng giờ trước khi đi ngủ mà cha mẹ không hề hay biết. Thực tế các thiết bị này làm tốt chức năng “dụ trẻ” , nhưng hậu quả lâu dài của nó lên sự phát triển não bộ và thể chất của trẻ đang được nhiều chuyên gia quan tâm.
Cụ thể, TS. Lockley, 1 chuyên gia về giấc ngủ tại Harvard, nhấn mạnh: ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sử dụng trước khi ngủ có thể tăng ức chế 2 lần hoạt động của hormone ngủ ngon melatonin và làm trẻ có thể khó đi vào giấc ngủ sâu từ 1.5-3 tiếng. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của hormone tăng trưởng – vốn xảy ra rất mạnh mẽ khi trẻ được ngủ sâu đầy đủ. Do đó, cha mẹ nên giới hạn thời gian dùng màn hình của trẻ dưới 60 phút/ngày, quản lý nội dung trẻ xem, quy định phòng ngủ là nơi “không có màn hình điện tử”, và các hoạt động sử dụng màn hình nên kết thúc trước khi ngủ ít nhất 2 giờ và trước 9 giờ tối.
3. Trẻ thường bị stress, căng thẳng
Nhóm TS. Montgomery, BV Hoàng gia London đã thực hiện nghiên cứu trên 1.300 gia đình và nhận thấy, những đứa trẻ thường xuyên sống trong môi trường căng thẳng có ít hormone tăng trưởng hơn và phát triển chậm hơn các trẻ cùng trang lứa khác. Do đó, hãy luôn tạo bầu không khí thoải mái và vui vẻ trong gia đình, không chỉ là để gắn kết tình cảm mà còn giúp trẻ phát triển tốt hơn.
4. Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng
Yếu tố dinh dưỡng luôn là yếu tố quan trọng đến sự tăng trưởng của trẻ em. Do vậy khi trẻ biếng ăn, nguy cơ suy dinh dưỡng cao và sẽ bị còi xương, không đủ chất cung cấp cho quá trình trao đổi dinh dưỡng để phát triển trí não lẫn thể chất, nên tăng chiều cao ở trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng chậm hơn trẻ bình thường.
5. Trẻ không ngủ đủ giấc
Trẻ em cần được ngủ ít nhất 8-9 tiếng một ngày vì khi ngủ, hoóc môn tăng trưởng được tiết ra nhiều vào khoảng 12 giờ đêm, lúc đang ngủ say. Cơ thể con người dài ra dưới tác dụng của hoóc môn này. Nếu trẻ thức khuya, hoóc môn tăng trưởng không có điều kiện được sản xuất, khiến chiều cao chậm phát triển.
6. Trẻ không thích uống sữa
Sữa là một trong những thực phẩm rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên có nhiều trẻ lại không thích uống sữa. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ có thể tận dụng các loại thực phẩm khác có sự bổ sung protein và canxi cho trẻ như sữa chua, phô mai, thuỷ – hải sản như cua đồng, tôm, tép, ốc,…