Câu chuyện của một người đã về hưu tên Lao Lou (Trung Quốc) được đăng tải trên Toutiao đang nhận được sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng mạng. Tới khi về già, người này mới nhận thấy tầm quan trọng của đồng tiền và tiết kiệm tiền.
Dưới đây là chia sẻ của Lao Lou về câu chuyện của mình:
Tôi là Lao Lou, 63 tuổi, từng làm công nhân sản xuất bánh răng trong một xí nghiệp. Khi còn trẻ, tôi thấy mình có năng lực trong công việc, tiền lương tôi nhận được từ công ty không phải thấp. Hồi đó, mỗi tháng tôi kiếm 1.000 NDT (3,4 triệu đồng) nhưng nếu tính thời điểm hiện tại mức lương đó phải rơi vào 10.000 – 20.000 NDT (34 – 68 triệu đồng) mỗi tháng.
Tuy nhiên, thời gian dài sau đó hiệu suất công việc không như mong đợi, tôi nghỉ hưu với mức lương 5.000 NDT (17 triệu đồng), vợ tôi cũng nhận khoảng 4.000 NDT (13 triệu đồng). Dù số tiền nhận hàng tháng không quá nhiều nhưng từ lâu chúng tôi đã quen với việc chi tiêu “rủng rỉnh”.
Sai lầm từ thuở trẻ
Khi đi mua đồ ăn, tôi thường chọn loại thức ăn chất lượng nhất, đương nhiên giá cũng cao nhất. Hồi ấy các chủ quán bán đồ ăn đều quen mặt tôi khiến tôi có cảm giác cuộc sống của mình vô cùng dư dả.
Vì hàng tháng đều có tiền nên vợ chồng tôi chăm mua những món đồ đắt đỏ hơn. Khi các con đã lớn và đi học, đi làm xa nhà, tôi và vợ quyết định mua một chú chó. Dù chi phí mua và nuôi một chú chó không hề nhỏ nhưng vợ chồng tôi vẫn không tính toán chút nào.
Một thời gian sau, khi bước vào tuổi trung niên, chúng tôi thấy trên tivi quảng cáo chậu ngâm chân giúp xoa bóp, sưởi ấm bàn chân, dĩ nhiên chúng tôi cũng sắm về dùng. Thời điểm đó nó đã có giá 2.000 NDT (7 triệu đồng) nhưng vợ chồng tôi chẳng lo nghĩ.
Không chỉ vậy, chúng tôi còn thuê hẳn một đội xây dựng, trang trí nhà về để sửa sang lại căn nhà đang ở. Những món đồ nội thất đắt đỏ theo phong cách châu Âu được mang tới nhà tôi và ngốn không ít tiền.
Sau nhiều năm chi tiêu “không có điểm dừng”, vợ chồng tôi nhận ra cần phải tiết kiệm tiền vì tuổi già cũng tới gần. Đặc biệt, con trai tôi lúc đó cũng chuẩn bị lập gia đình, chúng tôi lại không còn sức lao động để kiếm tiền mà chỉ có thể dựa vào lương hưu.
Tuy nhiên, khi đã quá quen với cuộc sống sung túc, giàu sang, mấy ai có thể sống thanh đạm lại được. Chỉ tính riêng đến quần áo, tôi và vợ đã quen với những bộ trang phục đắt đỏ và sang trọng nên khi mặc các bộ quần áo đơn giản, bình dị lại thấy lúng túng không quen.
Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của chúng tôi trong những năm tháng trung niên. Chúng tôi đã quá nuông chiều bản thân tới nỗi không thể tiết kiệm được đồng nào.
Cái danh “giàu hão” đáng xấu hổ
Một biến cố lớn đến với gia đình tôi là vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Lúc này con trai tôi đã lập gia đình, muốn làm ăn nên ngỏ lời vay tôi một khoản tiền. Tuy nhiên, vì lúc còn tiền không biết tiết kiệm, lúc này tôi chẳng còn tiền để cho con làm vốn kinh doanh. Tôi bị chính con dâu khinh thường vì nghĩ tôi luôn giàu có, sống trong sự hào nhoáng mà không có tiền cho con vay mượn.
Tôi thật sự cảm thấy buồn rầu và áp lực. Nhiều người ngoài vẫn luôn nghĩ tôi là người giàu có, trong tài khoản chắc chắn có nhiều tiền nên tiêu xài không tính toán. Thế nhưng giờ đây cái danh “giàu hão” ấy khiến tôi mệt mỏi và chán nản.
Cho đến một lần tới nhà anh họ chơi, tôi mới nhận ra nhiều điều đáng tiếc. Anh tôi ở quê lúc làm việc đồng áng, lúc làm ở công trường nhưng cuộc sống vẫn rất ổn định. Trong khi đó tôi lớn lên ở quê nhưng lại ra thành phố lập nghiệp và sống ở thành phố đến giờ.
Làm việc ổn định, anh ấy không chỉ xây được nhà riêng mà còn mua cho con trai một căn nhà mới. Khi có tuổi anh họ tôi vẫn không chịu nghỉ ngơi dưỡng già mà vẫn chăm chỉ kiếm tiền. Anh ấy được nhận làm bảo vệ ở một công trường nhỏ, lương thấp nhưng công việc ổn định. Hàng tháng anh ấy lấy lương để lo sinh hoạt, công việc gia đình chứ không tiêu vào tiền tiết kiệm.
Trong bữa tiệc gặp gỡ, anh họ tiết lộ với tôi anh đang có khoản tiết kiệm 500.000 NDT (1,7 tỷ đồng). Lúc này tôi vô cùng bất ngờ và chột dạ vì làm cả đời vẫn “rỗng túi” trong khi anh kiếm được một khoản tiền không nhỏ.
Anh ấy cũng tâm sự rằng tuổi trung niên không tiêu gì nhiều vì lúc già yếu sẽ có nhiều việc cần tiền. Tới nay, anh ấy sống rất thảnh thơi vì có tiền tiết kiệm, thoải mái tận hưởng cuộc sống an nhàn.
Trái ngược với anh họ, tôi lại phải lo vấn đề tài chính hàng ngày, hàng tháng. Tôi nhận ra nếu muốn về già an nhàn, mình nên tiết kiệm từ khi còn trẻ. Chúng ta có thể không kiếm quá nhiều tiền nhưng cũng không nên tiêu xài phung phí. Có một khoản tiền tiết kiệm để dưỡng già, phòng những tình huống bất trắc xảy ra là “chân lý” ai cũng nên khắc cốt ghi tâm.
Theo Toutiao
Vốn ít ỏi, cặp vợ chồng làm “ông bà chủ” trên Amazon, kiếm “ngon ơ” hơn 200 tỷ đồng/năm