01
Gần đây trên mạng xôn xao bàn tán: Tại sao con cái tốt nghiệp đại học lại có cuộc sống thậm chí còn không đủ đầy, sung túc như cha mẹ dù chỉ tốt nghiệp tiểu học?
Câu hỏi này đã khơi dậy sự suy nghĩ và đồng cảm của vô số người. Có người cho rằng người trẻ làm việc chưa đủ chăm chỉ; có người cho rằng nếu gia đình không có nền tảng thì đương nhiên sẽ có cuộc sống không sung túc bằng người khác; có người cho rằng người trẻ chẳng qua là chưa gặp được cơ hội mà thôi…
Những người khác nhau có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần lưu ý rằng, đó là nếu sự việc này là ngoại lệ, vậy thì đó chỉ là vấn đề của người trong cuộc, nhưng khi điều này là phổ biến, vậy thì đó lại là một vấn đề khác.
Chẳng hạn, bàn về sự cạnh tranh ngày nay, nếu ngày càng có nhiều người, nhưng nguồn lực vẫn luôn không đủ, vậy thì sự cạnh tranh nhất định sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, nó không liên quan đến việc mọi người có cố gắng hết sức để cạnh tranh hay không, bởi lẽ bản thân sự chăm chỉ không thể làm tăng nguồn lực.
Con cái tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc sống không bằng cha mẹ tốt nghiệp tiểu học, trông thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng trên thực tế, điều đó rất bình thường, bởi việc vươn lên một tầng lớp khác không đơn giản như chúng ta nghĩ.
02
Anh Ngô là người gốc Quảng Châu, Trung Quốc, sở hữu khối tài sản trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, anh có một điều tiếc nuối là bản thân chỉ học tiểu học chứ chưa hề học cấp 3 hay đại học, vì vậy anh rất mong con mình sẽ vào đại học.
Ngay từ khi con mới 4,5 tuổi, anh Ngô đã bắt đầu cho con đi học các lớp năng khiếu, đi học cũng học ở các trường tư đắt đỏ dành cho con nhà quý tộc.
Con trai cũng không phụ mong đợi của bố mẹ, trúng tuyển vào một ngôi trường đại học khá có tiếng, chuyên ngành kinh doanh. Bốn năm sau, con anh tốt nghiệp đại học và tìm được một công việc ở Quảng Châu với mức lương hàng tháng là 7.000 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng).
Công việc này không chỉ yêu cầu làm 6 ngày một tuần, mà còn yêu cầu đi làm lúc 9 giờ sáng và tan làm lúc 9 giờ tối. Vì thứ cần chi tiêu cũng khá nhiều nên một năm, con trai anh cũng không để ra được bao nhiêu.
May mắn thay, con trai anh Ngô là người Quảng Châu, bố mẹ anh có nhà, có ô tô và có tiền tiết kiệm nên cũng không phải chịu áp lực quá lớn.
Tuy nhiên, anh Ngô ngược lại rất bối rối, tại sao hồi đó anh có thể dễ dàng kiếm tiền bằng cách kinh doanh, nhưng hiện tại, con cái dù tốt nghiệp đại học, có trình độ học vấn cao nhưng lại vẫn chỉ nhận được mức lương vài ngàn tệ?
03
Ưu điểm lớn nhất của con trai anh Ngô trong trường hợp này không phải là trúng tuyển vào đại học có tiếng mà là sinh ra ở Quảng Châu, là người Quảng Châu, sinh ra đã có nhà, xe, đầy đủ tài sản.
Nói một cách trần trụi hơn, nếu sinh ra trong một gia đình nông thôn, cho dù có trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng, sau khi tốt nghiệp cũng khó mua nổi một căn nhà chứ đừng nói đến việc bám rễ ở thành phố hạng nhất.
Khi nhắc đến vấn đề hoàn cảnh gia đình, nhiều người thắc mắc tại sao nền tảng gia đình lại quan trọng hơn ngôi trường mà đứa trẻ tốt nghiệp.
Chúng ta cần phân tích điều này theo từng giai đoạn.
Thế hệ sinh những năm 1960, 1970 sinh ra trong nghèo khó, nếu học đại học có thể lên tầng lớp trung lưu, vì những năm 1980, 1990 có rất ít sinh viên đại học, những thứ hiếm thường quý nên đương nhiên họ sẽ có điểm khởi đầu rất cao.
Đối với thế thế hệ sau 90 và sau 2000, có người sinh ra trong gia đình giàu có, có người sinh ra trong gia đình nghèo, chưa kể, giai đoạn này, sinh viên tốt nghiệp đại học là một vấn đề khá phổ thông, khi bằng cấp không còn là hiếm có, người ta bắt đầu bàn về xuất thân.
Sở dĩ không nói về những người sinh vào những năm 1980 là vì họ bị kẹt ở giữa, vừa cần xuất thân vừa cần trình độ học vấn cao.
04
Tôi đã gặp một vài thanh niên có trình độ học vấn cao đến Quảng Châu và Thâm Quyến để làm việc, mong muốn lớn nhất của họ là mua được một căn nhà cũ ở Quảng Châu và Thâm Quyến (một căn nhà hơn 20 năm tuổi, rộng 40 đến 60 mét vuông).
Có lần tôi hỏi họ: “Có ý nghĩa gì không khi làm việc cật lực cả đời chỉ để mua một món đồ cũ?”
Họ trả lời: “Chúng tôi đến từ nông thôn, tư tưởng vẫn rất truyền thống. Chỉ mong có một căn nhà nhỏ ở thành phố lớn, rồi sau đó kết hôn và sinh con. Không có nhà, không có xe, ai chịu ngó tới anh.”
Tôi tiếp tục hỏi: “Ngày nay ở thành phố lớn làm việc thực sự khó đến vậy sao?”
Họ trả lời: “Kiếm tiền ở các thành phố lớn và cũng tiêu nó ở các thành phố lớn, muốn nghĩ tới chuyện mang chút tiền về nhà cũng khó. Sau khi trừ tiền thuê nhà, tiền ăn, nước uống, quần áo và chi phí đi lại hàng tháng, để ra được 1000, 2000 tệ (khoảng 3-6 triệu đồng) là đã khá lắm rồi. Thế hệ cha mẹ dù có nghèo tới đâu cũng vẫn có thể kết hôn, thành gia lập thất. Nhưng hiện tại nào có dễ dàng như vậy, thời thế sớm đã thay đổi rồi.”
05
Bàn về vấn đề con cái dù tốt nghiệp đại học vẫn không bằng cha mẹ chỉ học hết tiểu học, đó là bởi hiện tại, lượng sinh viên đại học nhiều, thị trường đã bão hòa, xã hội ngày càng phát triển, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, những vấn đề thế hệ hậu 90 hay 2000 gặp phải thậm chí còn lớn hơn.
Thay đổi vận mệnh vốn là một con đường không dễ dàng. Nhưng tất nhiên, hy vọng vẫn luôn còn đó. Ít nhất, sau nỗ lực của nhiều thế hệ, cuộc sống sẽ ngày càng khá hơn.