Người xưa có câu: “Anh cả ngốc, em út lanh”, ám chỉ rằng dù lớn lên trong cùng một gia đình, có cha mẹ giống nhau, nhưng con thứ thường thông minh hơn con đầu. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử, từ các chủ nhân giải Nobel, đến những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong chính trị, âm nhạc cổ điển hay tâm lý học thì con trưởng mới là người dễ đạt thành tựu lớn hơn.
Thậm chí, theo khảo sát của Vistage với các CEO toàn cầu, có đến 43% CEO hàng đầu là con cả trong gia đình, chỉ 24% là con út.
Vậy thứ tự sinh có thực sự liên quan đến trí thông minh? Và ngược lại với quan niệm “con đầu ngốc”, liệu con cả mới là người thông minh hơn?
Khoa học nói gì về mối liên hệ giữa thứ tự sinh và trí thông minh?
Ngay từ năm 1907, Alfred Adler – nhà tâm lý học người Áo đã bắt đầu nghiên cứu về mối quan hệ giữa thứ tự sinh và trí tuệ. Adler là con thứ trong gia đình, từng cảm thấy bị bỏ rơi từ nhỏ nên rất quan tâm đến chủ đề này. Ông cho rằng: con giữa thường thiệt thòi nhất, ít được yêu thương và ít nguồn lực, nên kém thông minh nhất; con út được nuông chiều nhiều nhất nên thông minh hơn; còn con cả thì vì phải san sẻ tình cảm dần cho các em mà cũng thiệt thòi ít nhiều.

Ảnh minh họa
Đến năm 1973, hai nhà tâm lý học người Hà Lan – Belmont và Marolla – đã thực hiện nghiên cứu quy mô lớn với 400.000 nam giới 19 tuổi. Kết quả cho thấy trong phần lớn các gia đình, con cả có điểm IQ cao hơn những đứa em, chứng tỏ trí thông minh giảm dần theo thứ tự sinh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học sau đó cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn trong từng gia đình, để loại bỏ yếu tố nhiễu khác ngoài thứ tự sinh.
Năm 2015, một nghiên cứu với 377.000 học sinh Mỹ đăng trên tạp chí Journal of Research in Personality cho thấy: con trưởng thường có trách nhiệm hơn, tự tin hơn, dễ hòa đồng hơn và có chút lợi thế trong khả năng hiểu bản thân, điều này khiến họ “có vẻ” thông minh hơn.
Vì sao con cả thường thông minh hơn?
Mặc dù nhiều nghiên cứu khẳng định thứ tự sinh có liên quan đến trí thông minh, nhưng sự khác biệt này không đến từ gene di truyền, mà chủ yếu do môi trường nuôi dạy.
Trước hết, con cả có khoảng thời gian đầu đời độc quyền tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, điều này giúp hình thành nền tảng phát triển trí tuệ tốt hơn các em nhỏ.
Thứ hai, con cả thường được giao trách nhiệm trông nom, làm gương cho các em. Tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng kỳ vọng”: khi người khác đặt kỳ vọng vào mình, bản thân sẽ có xu hướng cố gắng sống theo kỳ vọng đó. Và chính trách nhiệm này tạo động lực để con cả phát triển tốt hơn.

Ảnh minh họa
Giáo dục là yếu tố then chốt quyết định trí thông minh
Dù có một số trẻ “trời phú thông minh”, nhưng phần lớn các em đều bắt đầu ở vạch xuất phát giống nhau. Nếu thứ tự sinh có ảnh hưởng đến trí thông minh, thì phần lớn cũng là do môi trường nuôi dạy và giáo dục tạo ra.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải tạo điều kiện giáo dục tốt cho trẻ. Từ khuyến khích con tự tin, dám thử thách, đến tạo thói quen đọc sách để mở rộng tri thức, tất cả đều góp phần quan trọng giúp con phát triển trí tuệ.
Tóm lại, trẻ thông minh hay không phần lớn phụ thuộc vào môi trường và cách giáo dục sau sinh. Dù bạn có nhiều con hay chỉ một con, hãy cố gắng tìm phương pháp phù hợp để nuôi dạy, đó mới là yếu tố quyết định thành công sau này của trẻ.
Theo Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/thu-tu-sinh-cua-con-cai-co-the-he-lo-tri-thong-minh-khong-phai-me-tin-khoa-hoc-da-chung-minh-dieu-nay-188250425071230665.chn