Một bữa tiệc tối ngon miệng là đảm bảo cho khách mời thấy no bụng và thấy thư giãn. Để làm được vậy, trước hết chủ nhà phải bỏ những thói quen gây phiền lòng khách.
Không nghĩ tới chỗ ngồi
Nếu bạn tổ chức bữa tối cho mọi người, chuyên gia về mối quan hệ và ngôn ngữ cơ thể Nicole Moore (Mỹ) khuyên nên sắp xếp chỗ ngồi phù hợp với tất cả khách. “Nhiều khách thấy lúng túng nếu đến gần bàn ăn tối mà không biết ngồi ở đâu, dẫn đến chọn chỗ không như ý muốn. Đừng kỳ công với việc đón khách nhưng lại quên hướng dẫn họ vị trí ngồi”, Moore nói.
Dù bạn không muốn đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về chỗ ngồi thì cũng nên gợi ý cho khách để họ không bối rối và áp lực.
Sử dụng điện thoại ở bàn ăn
Khi tổ chức bữa tối, bạn không nên đặt điện thoại trên bàn ăn. Theo Moore, là chủ nhà, quan trọng phải làm cho khách thấy được tôn trọng. “Nhưng dùng điện thoại khi đang ăn là một trong cách dễ nhất khiến họ thấy bạn không để tâm đến họ”, Moore nói.
Không chỉ vậy, khi chủ nhà sử dụng điện thoại tại bàn ăn sẽ gửi đi tín hiệu rằng người khác cũng có thể làm vậy. Điều này khiến mọi người mất tập trung.
Chưa ăn xong đã nói
Theo Mason Farmani, một huấn luyện viên cuộc sống cá nhân và doanh nghiệp trực quan ở Florida, Mỹ, ngoài việc sử dụng điện thoại, thói quen khiến mọi người khó chịu là há miệng nhai hoặc chưa nuốt xong đã nói chuyện.
Khi không ăn cùng người khác, bạn có thể ăn theo cách mình muốn. Nhưng phải nhớ há miệng khi nhai thường bị coi là bất lịch sự và gây khó chịu.
“Bạn há miệng hoặc nói chuyện trong khi ăn có thể khiến người khác thấy không ngon miệng vì nó đi ngược lại mong muốn giữ gìn sự sạch sẽ và lịch sự trong bữa ăn”, Farmani nói.
Tranh cãi trên bàn ăn
Mọi người không muốn tụ tập ăn tối chỉ để trở thành khán giả trong cuộc tranh luận mới nhất của bạn với người thân.
Seth Eisenberg, chuyên gia về mối quan hệ và giám đốc điều hành của PAIRS Foundation, tổ chức huấn luyện kỹ năng để có mối quan hệ thành công cho biết không gì khiến khách khó chịu hơn chứng kiến đôi vợ chồng hoặc một gia đình cãi nhau ở bàn ăn. “Điều đó còn tệ hơn việc con chó ăn bằng nĩa của bạn hay một đứa trẻ đang khóc”, Eisenberg lưu ý.
Theo tiến sĩ, chuyên gia về hành vi và sức khỏe Kubanych Takyrbashev, các chủ đề nhạy cảm không phải lúc nào cũng có chỗ trên bàn ăn tối.
Dù các cuộc tranh luận rất kích thích nhưng phải tránh các vấn đề gây tranh cãi như chính trị hoặc tôn giáo. Chủ đề này có thể gây khó chịu hoặc xa lánh cho những vị khách có quan điểm khác nhau. “Sơ suất này có thể dẫn đến sự lúng túng hoặc thậm chí xung đột tại bàn ăn tối, làm giảm đi sự thích thú của bữa ăn chung”, Takyrbashev nói.
Chỉ nói chuyện với người thân thiết nhất
Theo Moore, khi tổ chức bữa tối, nhiệm vụ của bạn là đảm bảo tất cả khách mời đều cảm thấy được tham gia vào cuộc trò chuyện. “Đừng quá tập trung vào cuộc trò chuyện của riêng bạn đến mức quên mất những vị khách ngồi cách xa hơn”, Moore nói.
Điều này thường trở thành vấn đề trong bữa tiệc tối có bàn dài, vì những người ngồi giữa sẽ thấy ở quá xa để có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện diễn ra ở hai bên.
Nếu bạn nhận thấy phần nào đó của bữa tiệc tối có vẻ buồn chán hoặc im lặng, hãy hỏi một câu cụ thể để thu hút họ quay lại cuộc trò chuyện. “Bạn cũng có thể bước tới chỗ họ và tương tác trực tiếp để khiến họ thấy mình là một phần quan trọng”, Moore gợi ý.
Chi phối cuộc trò chuyện
Khi người chủ trì chi phối các cuộc trò chuyện, họ sẽ vô tình tạo môi trường khiến khách thấy bị gạt sang một bên hoặc không thể đóng góp. Takyrbashev nói dù điều quan trọng là phải thúc đẩy cuộc trò chuyện, nhưng cần hiểu tác động tiềm ẩn của mình với tính toàn diện.
“Khách có thể ngần ngại xen vào hoặc chia sẻ suy nghĩ của họ, dẫn đến cuộc trò chuyện một chiều không thu hút được tất cả những người tham gia”, ông cảnh báo.
Không tính đến sở thích hoặc hạn chế về chế độ ăn
Khi định nấu một bữa tối hoặc chọn nhà hàng, về mặt kỹ thuật, bạn có quyền tự do lựa chọn bất kỳ món ăn nào bạn muốn. Nhưng nếu quan tâm đến khách của mình, bạn phải xem xét nhu cầu của họ.
Bỏ qua hoặc chỉ trích những hạn chế hoặc sở thích về chế độ ăn uống có thể khiến khách cảm thấy không được chào đón hoặc lo lắng về những gì họ có thể ăn. Điều này có thể dẫn đến sự khó chịu, cảm giác bị coi thường hoặc không được tôn trọng.
Nhật Minh (Theo BestLife)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thoi-quen-tren-ban-an-khien-khach-kho-chiu-4725002.html