Thời gian gần đây, mô hình bán hàng qua hình thức phát sóng trực tiếp đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng bởi các hình thức khuyến mãi, giảm giá “sập sàn”. Lợi dụng lòng tin của người mua hàng, kẽ hở trong chính sách của một số sàn thương mại điện tử, các đối tượng tội phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo ngay trên sóng livestream.
Tháng 6/2022, cảnh sát quận Lệ Thương, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) nhận được báo cáo từ một sàn thương mại điện tử về doanh số bất thường, nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo của 4 tài khoản trên nền tảng này.
Cảnh sát phát hiện ra 4 tài khoản được liệt kê đều cùng phát sóng livestream tại một địa điểm, có cùng người đại diện họ Vương. Lực lượng chức năng tiến hành theo dõi 4 tài khoản này, ghi nhận các phiên bán hàng đều chỉ có giọng nam dùng cử chỉ tay để giới thiệu sản phẩm, không có người bán xuất hiện trực tiếp.
Để thu hút người mua, chủ kênh tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, bán phá giá sản phẩm rẻ hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường. Trong đó có một phiên bán chiếc máy giặt 1.000 NDT (3,5 triệu đồng) với giá 99 NDT (347.000 đồng), điều kiện chỉ là thanh toán trước và cam kết không huỷ đơn hàng.
Đến thời điểm cảnh sát nhận báo cáo, tổng doanh thu của 4 tài khoản này đã lên tới 3 triệu NDT (10 tỷ đồng). Tuy nhiên chưa có người mua hàng nào nhận được máy giặt.
Phía chủ kênh cho biết do lượng đơn quá lớn, phía nhà sản xuất chưa đủ nguồn hàng để trả nên thời gian khách nhận sẽ chậm trễ. Họ đăng thông báo sẽ tặng quà là bột giặt trị giá 99 NDT để tri ân khách hàng. Cảnh sát nhận thấy quà tặng của tài khoản livestream này thực tế chỉ có giá 18 NDT (63.000 đồng) nhưng được độn giá lên để khách hàng cảm thấy “hời”, đồng ý nhận quà trong lúc đợi giao máy giặt.
Phía sản thương mại điện tử cung cấp thông tin quan trọng: Chủ kênh livestream gửi quà tặng theo mã đơn hàng người mua máy giặt, nếu khách ký nhận bột giặt, nền tảng thương mại điện tử sẽ tự động ghi nhận đơn hàng máy giặt ban đầu đã hoàn thành. Đây là dấu hiệu cho thấy hành vi lừa đảo có chủ đích của chủ tài khoản họ Vương.
Cuối tháng 7/2022, cảnh sát ập vào kho hàng của người đại diện họ Vương. Vương ban đầu tỏ ra bình tĩnh, nêu lý do lượng đơn hàng quá tải nên chưa thể trả hàng cho khách. Tuy nhiên khi cảnh sát yêu cầu đưa ra hợp đồng mua bán ký với nhà sản xuất máy giặt, Vương bắt đầu quanh co, không thể cung cấp giấy tờ này.
Cuối cùng Vương phải khai nhận hành vi lừa đảo của bản thân cùng các đồng phạm. Ban đầu người đàn ông này kinh doanh, bán hàng hợp pháp nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên liên tục lỗ.
Sau đó, Vương và người bạn cùng kinh doanh họ Trương đã phát hiện ra lỗ hổng về chính sách mua bán của sàn thương mại điện tử, có thể lừa người mua “nhẹ dạ cả tin”. Chủ kênh này liên hệ các dịch vụ đặt đơn ảo, đánh giá đơn hàng để tạo lòng tin với người mua.
Ngoài Vương và Trương, còn có 10 người khác vừa đóng vai mua hàng, phản hồi khen sản phẩm ngay trên sóng livestream, vừa là chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại.
Sau 20 ngày kể từ khi người mua ký nhận bột giặt, tiền từ sàn thương mại điện tử sẽ về tài khoản của nhóm người này. Khi đó chúng sẽ huỷ tài khoản, đăng ký người đại diện và đổi sang mặt hàng khác.
99 NDT (347.000 đồng) không phải số tiền quá lớn nên nhiều khách hàng dù sau đó biết bị lừa vẫn sẽ ngại kiện tụng đòi lại quyền lợi. Cảnh sát tiến hành phong toả tài khoản 3 triệu NDT, bắt 13 người trong vụ việc để phục vụ công tác điều tra, ngăn chặn những vụ lừa đảo qua livestream.
Cảnh sát Trung Quốc nhắc nhở người mua hàng qua livestream nên kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến người bán trước khi thanh toán, không ham giá rẻ mà đặt hàng một cách mù quáng, trở thành “miếng mồi” béo bở cho tội phạm lừa đảo qua mạng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/theo-doi-livestream-ban-pha-gia-tu-35-trieu-con-350-nghin-dong-dat-doanh-thu-khung-canh-sat-ap-vao-kho-hang-bat-13-nguoi-vach-tran-hanh-vi-lua-dao-10-ty-dong-188240605160533693.chn