“Một điều nhịn, chín điều lành” vốn là câu thành ngữ khuyên nhủ chúng ta nên bình tĩnh để nhìn nhận và đánh giá vấn đề trước khi lên tiếng hoặc chốt phương án giải quyết. Tuy nhiên, nhiều người lại nhầm lẫn tiếng “nhịn” này với sự chịu đựng, thống khổ vì không dám nói lên suy nghĩ của mình.
Đặt trong bối cảnh một cuộc hôn nhân, một người vợ biết nhẫn nhịn có thể bị coi là người yếu đuối, chẳng biết sống cho mình, luôn bị chồng “át vía”. Suy nghĩ này có phần sai lầm. Phụ nữ biết im lặng để giữ chữ “nhẫn” trong 3 hoàn cảnh này không hề yếu đuối, ngược lại, còn vô cùng thông minh và bản lĩnh.
1. Im lặng khi nhận thấy dấu hiệu của cuộc tranh cãi ở nơi đông người
Cãi vã ở chốn công cộng như quán ăn, quán cà phê hay trước mặt bạn bè, người thân của mình hoặc của chồng chưa bao giờ là một điều đáng khen. Không phải tự nhiên mà người ta lại có câu “vợ chồng về nhà, đóng cửa bảo nhau”.
Chuyện tình cảm nói chung hay chuyện vợ chồng nói riêng vốn luôn là vấn đề của riêng hai người. Mang những bức bối, bực dọc ra, “xả vào mặt nhau” ở chống đông người chẳng có gì hay ho, không khác nào vạch áo cho người xem lưng.
Dù đang bực chồng chuyện to hay nhỏ, cũng hãy đợi tới khi về nhà, khi chỉ có hai ta, rồi hãy bày tỏ, hãy tranh luận. Làm được thế, chính là bạn đang thể diện cho bản thân và cho cả người đàn ông bên mình.
2. Im lặng khi anh ấy cần thời gian để suy nghĩ, giải quyết vấn đề
Với trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ dễ nghĩ rằng chồng hoặc bạn trai mình đang ngoại tình khi anh ấy thốt ra lời thông báo “anh cần thời gian để suy nghĩ”. Đương nhiên, đây là câu cửa miệng mà không ít những gã trai hư thường dùng để kiếm cớ trì hoãn việc thừa nhận bản thân đã trót thay lòng đổi dạ.
Nhưng bạn cần biết rằng không phải người đàn ông nào “cần thời gian suy nghĩ” cũng đang ngoại tình.
Đôi khi, anh ấy cần thời gian để tập trung tối đa sức lực cho công việc đang vào mùa cao điểm.
Đôi khi, anh ấy cần thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về những bất đồng chưa thể giải quyết trong mối quan hệ của hai người.
Cuộc sống của một người trưởng thành tồn tại rất nhiều trách nhiệm cần gánh vác, rất nhiều khó khăn cần đương đầu. Đừng quá nhạy cảm đến mức không bao giờ để đối phương được yên tĩnh, được một mình, nhất là khi anh ấy chưa từng lừa dối bạn.
3. Im lặng khi phát hiện mình đã bị phản bội
Chuyện này nghe phi lý và vô nghĩa quá phải không? Bản thân mình là người bị lừa dối cơ mà, làm sao mình có thể im được chứ?
Nhưng im lặng trong hoàn cảnh này không phải là nhắm mắt làm ngơ để cho qua mọi chuyện, cũng không phải để cố chấp níu giữ một người đàn ông đã không còn chung tình với mình. Sự im lặng khi phát hiện ra bản thân đã bị phản bội chỉ có một mục đích duy nhất là giúp bạn bình tĩnh lại một chút để đưa ra quyết định ít sai số nhất về việc nên tha thứ hay nên gạch tên kẻ lừa dối ấy khỏi cuộc đời.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngay lập tức chia tay khi bị chồng lừa dối. Đôi khi, trách nhiệm với bố mẹ hai bên, với con cái sẽ níu chúng ta ở lại. Dù quyết định bạn đưa ra trong hoàn cảnh này là gì đi chăng nữa, hãy cho mình một vài ngày im lặng trước khi “ba mặt một lời” với nhau.