Phổ Nghi (1906 – 1967) có xuất thân trong hoàng tộc Ái Tân Giác La. Ông chính là vị hoàng đế thứ 12 và hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung.
Phổ Nghi được đích thân Từ Hi Thái hậu chọn lên ngôi hoàng đế khi bà đang hấp hối vào năm 1908 và sau đó thoái vị năm 1912 khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ.
Sau Cách mạng Tân Hợi, Phổ Nghi và triều đình vẫn được phép ở lại trong Tử Cấm Thành cho đến cuối năm 1924. Thời gian này, Phổ Nghi vẫn được đối xử như là một vị hoàng đế và có quyền hành trong triều đình riêng của mình. Đến năm 1934, Phổ Nghi trở thành hoàng đế của Mãn Châu Quốc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc nhưng thực chất chỉ là chính phủ bù nhìn do Nhật Bản lập nên. Đến năm 1945, Mãn Châu Quốc cũng bị diệt vong.
Sau đó, Phổ Nghi bị quản thúc và giam giữ vì tội danh bắt tay với quân Nhật. Đến tháng 12/1959, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh ân xá cho một số tù nhân đã cải tạo tốt. Về lần ân xá này, Phổ Nghi không ngờ ông có tên trong danh sách. Sau khi biết mình được ân xá, Phổ Nghi đã rất ngạc nhiên.
Trong cuốn hồi ký Nửa đời trước của tôi, Phổ Nghi chia sẻ: “Tôi chưa kịp nghe xong đã bật khóc“.
Kể từ đó, Phổ Nghi được thả tự do và bắt đầu trở thành một công dân bình thường. Có thể thấy cuộc đời của vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh trải qua rất nhiều thăng trầm. Thậm chí, ngay cả khi cởi bỏ hoàn toàn thân phận hoàng đế để trở thành một công dân bình thường, Phổ Nghi cũng gặp không ít chuyện bất ngờ.
Minh chứng là việc Phổ Nghi mong muốn làm 2 công việc đầu tiên sau khi được ân xá nhưng đều bị từ chối.
Hai công việc mà Phổ Nghi mong muốn làm là gì?
Sau khi được ân xá, Phổ Nghi thu dọn hành lý trở về Bắc Kinh và thực sự sống một cuộc sống của người bình thường. Ông mong muốn có công việc để ổn định để trang trải cho cuộc sống thường ngày. Khi lãnh đạo gặp và xét đến hoàn cảnh đặc biệt của Phổ Nghi nên muốn sắp xếp một công việc phù hợp cho ông. Vị lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc đã hỏi ý kiến Phổ Nghi. Vị cựu hoàng đế này đã đề xuất muốn được làm hai công việc nhưng đều bị từ chối.
Thứ nhất, Phổ Nghi muốn làm bác sĩ sau khi được ân xá. Nguyên nhân là từ nhỏ ông đã yếu ớt và hay bị ốm nên cũng biết một ít kiến thức về y khoa. Hơn nữa, ông từng có thời gian đọc, nghiên cứu nhiều sách về y khoa và đi khám bệnh cho người khác. Tuy nhiên, xét thấy nghề bác sĩ đòi hỏi kiến thức và tay nghề y khoa tương đối cao, trách nhiệm nặng nề, trong khi Phổ Nghi lúc này chưa đủ năng lực, nên lãnh đạo đã không đồng ý với đề xuất này.
Thứ hai, Phổ Nghi đề xuất một công việc khác là được làm việc ở trong Tử Cấm Thành. Bởi vì ông đã sống ở Tử Cấm Thành từ khi còn nhỏ và có tình cảm sâu sắc cũng như nhiều hiểu biết về nơi này. Nhưng lãnh đạo vẫn từ chối đề xuất này do thân phận đặc biệt của Phổ Nghi. Mặt khác, nếu vị hoàng đế cuối cùng của vương triều nhà Thanh vẫn còn ở trong Tử Cấm Thành làm việc thì điều này chắc chắn sẽ khiến dư luận xôn xao.
Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc dựa vào tình hình thực tế của Phổ Nghi để sắp xếp một công việc cho ông ở trong vườn bách thảo ở Bắc Kinh với khối lượng công việc đơn giản và không nặng nề. Kể từ đó, vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã sống một cuộc sống giản dị và bình thường. Đây cũng là thời gian ông được trải qua sự tự do mà trước đây chưa từng có được.
Đến năm 1962, Phổ Nghi đã kết hôn với một y tá tên là Lý Thục Hiền bằng một hôn lễ được tổ chức tại Phòng Khánh tiết của Đại lễ đường. Hai người chung sống với nhau cho tới khi ông qua đời. Trong những năm cuối đời, Phổ Nghi đã viết cuốn hồi ký mang tên Nửa đời trước của tôi.
Đến năm 1967, Phổ Nghi qua đời ở Bắc Kinh do biến chứng của bệnh tật.
Nguồn: Sohu, Toutiao