Nếu nhắc tới các loại rau tốt cho cả sức khỏe và sắc đẹp, chắc chắn không thể nào bỏ qua rau bina. Loại rau này có rất nhiều tên gọi, ngoài rau bina còn có thể gọi là rau chân vịt, cải bó xôi… Không chỉ giàu dinh dưỡng, rau bina còn được nhiều người mệnh danh là “nhân sâm xanh” cho sức khỏe và cũng là nguyên liệu nấu ăn rất linh hoạt.
Khi chế biến rau bina, bạn có có thể dùng rau bina làm nước ép, salad, sinh tố, luộc, xào, áp chảo, thêm vào món nướng… Trong rau bina chứa nước, chất xơ, protein, kali, canxi, photpho, magie, kẽm, sắt, các loại vitamin A – C – K – E… cùng nhiều chất chống oxy hóa khác. Nhờ vậy mà loại rau này có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp sau đây:
1. Tăng cường miễn dịch, tiêu hóa
Rau bina có các vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin E và magie giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn gây bệnh. Vitamin C còn hỗ trợ và tăng cường hoạt động loại bỏ chất gây oxy hóa nhằm bảo vệ cơ thể.
Ngoài ra, rau bina giàu nước và chất xơ nên thúc đẩy tiêu hóa tốt. Nó còn chứa một số chất tốt cho niêm mạc đường ruột. Trong khi đó, hệ tiêu hóa quyết định rất lớn tới khả năng miễn dịch.
2. Tốt cho não bộ
Ăn rau bina thường xuyên rất có ích với sức khỏe não bộ, đặc biệt là về mặt làm chậm lão hóa. Trong một nghiên cứu dài 5 năm được công bố trên Tạp chí Alzheimer’s & Dementia cho thấy rằng những người tiêu thụ nhiều rau xanh có tốc độ suy giảm nhận thức chậm hơn đáng kể.
Dữ liệu cũng cho thấy những người ăn một đến hai phần rau xanh đậm như rau bina mỗi ngày có chức năng nhận thức trẻ hơn 7,5 năm so với tuổi thật.
3. Chống viêm và phục hồi vết thương
Viêm là một phần của cách cơ thể tự phục hồi sau khi bị thương hoặc tiếp xúc với một chất nguy hiểm. Nhưng tình trạng viêm nhiễm lâu dài có thể không tốt cho sức khỏe. Ăn các loại thực phẩm như rau bina có đặc tính chống viêm là cách có thể giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
Vitamin C trong rau bina có rất nhiều lợi ích, trong đó có việc giúp cơ thể tạo ra collagen, chất cần thiết để phục hồi các tổn thương. Vitamin C cũng giúp cơ thể tăng lượng sắt hấp thụ từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hỗ trợ quá trình chữa bệnh
4. Bảo vệ xương khớp
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ba cốc rau bina sống có thể cung cấp hơn 300% lượng vitamin K được khuyến nghị hàng ngày, hơn 160% vitamin A và 40% vitamin C. Vitamin K và A hỗ trợ xương chắc khỏe.
Đặc biệt, lượng vitamin K thấp có liên quan đến nguy cơ gãy xương cao hơn. Điều này là do hoạt động như một chất điều chỉnh của protein nền xương, cải thiện sự hấp thụ canxi và có thể làm giảm lượng canxi bị loại trừ ra ngoài cơ thể trong nước tiểu. Rau bina cũng giúp giảm đau khớp, viêm khớp.
5. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Rau bina là một nguồn nitrat vô cơ, mà các nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau bina cũng có thể làm giảm huyết áp và làm cho động mạch của bạn trở nên mềm mại hơn, giảm huyết khối. Lượng kali từ rau bina giúp giữ cho tim của bạn hoạt động bình thường.
Trong một nghiên cứu công bố vào năm 2016 trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ, một nhóm gồm 7 phụ nữ và 11 nam giới đã tiêu thụ 4 loại đồ uống giàu nitrat, bao gồm cả đồ uống từ rau bina. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nồng độ nitrat trong máu của những người tham gia tăng lên sau khi uống đồ uống.
6. Phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Rau bina có chứa chất chống oxy hóa, axit alpha-lipoic. Thành phần này đã được chứng minh là làm giảm mức đường huyết, tăng độ nhạy insulin và ngăn ngừa những thay đổi do quá trình oxy hóa gây ra do căng thẳng ở bệnh nhân tiểu đường.
Các nghiên cứu về axit alpha-lipoic cũng cho thấy giảm thần kinh ngoại biên và bệnh thần kinh tự trị ở bệnh nhân tiểu đường. Đồng thời, loại rau này giàu chất xơ, giúp kiểm soát lượng đường trong máu rất tốt. Nó cũng có chỉ số đường thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng như vitamin A và lutein, vitamin C, E và K, magie, mangan, folate…
7. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Chất chống oxy hóa được tìm thấy trong rau bina bao gồm các flavonoid như kaempferol, quercetin, myricetin và isorhamnetin. Các hợp chất flavonoid trong thực phẩm được cho là có tác dụng chống ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh viêm nhiễm khác.
Rau bina cũng là một trong những loại rau giàu chất diệp lục nhất. Một số nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu năm 2013 được thực hiện trên 12.000 động vật, đã cho thấy chất diệp lục có hiệu quả trong việc phòng ngừa các tác động gây ung thư của các amin dị vòng.
8. Tốt cho mắt
Rau bina có lợi cho thị lực, giàu lutein và zeaxanthin. Thường xuyên ăn rau bina, bạn sẽ giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Lutein có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở mắt. Điều này đã được nghiên cứu năm 2016 tại Nhật Bản chứng minh và công bố trên “Tạp chí của Hiệp hội Nhãn khoa Nhật Bản”.
Ngoài ra, vitamin A trong rau bina cũng giúp chống khô mắt, quáng gà, cải thiện thị lực và phòng nhiều bệnh về giác mạc khác.
9. Làm đẹp da, tóc, dáng
Bên cạnh rất nhiều lợi ích sức khỏe, rau bina cũng rất hữu ích trong làm đẹp. Nghiên cứu năm 2016 của Mỹ cho thấy rau bina có thể làm giảm phản ứng oxy hóa và kích hoạt giải phóng hormone gây cảm giác no, giảm thèm ăn. Loại rau này lại rất giàu chất xơ, nước nên hỗ trợ giảm cân, giữ dáng rất tốt.
Rau bina chứa hàm lượng vitamin A cao, giúp điều hòa việc sản xuất dầu ở các lỗ chân lông và nang lông trên da để dưỡng ẩm cho da và tóc. Chính lượng dầu này có thể tích tụ lại gây ra mụn. Vitamin A cũng cần thiết cho sự phát triển của tất cả các mô cơ thể, bao gồm cả da và tóc.
Vitamin C trong rau bina không chỉ giúp trắng da mà còn thúc đẩy sản sinh collagen – chất cung cấp cấu trúc cho da và tóc. Ngoài ra, thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng rụng tóc, da thâm sạm. Vì vậy, ăn rau bina thường xuyên có thể giúp da hồng hào, tóc chắc khỏe hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý vài điều khi ăn rau bina. Đầu tiên, cách để giữ tối đa dinh dưỡng là xay sinh tố. Nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy nấu chín càng lâu, nhiệt độ càng cao càng giảm dưỡng chất, nhất là lutein và vitamin C. Thứ hai, không nên ăn quá nhiều rau bina cùng lúc hay ăn nó trong mọi bữa ăn, mỗi ngày. Điều này làm tăng nguy cơ sỏi thận, không tốt cho tuyến giáp, đầy hơi, giảm hấp thu dinh dưỡng khác… Cuối cùng, những người đang dùng thuốc chống đông máu, mắc bệnh gout, bệnh thận không nên ăn hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng.
. Nguồn và ảnh: Health GVM, Daily Mail, Top Beauty