* Bài viết của tài khoản Oh Mom – một blogger nổi tiếng về chủ đề dạy con của Trung Quốc:
Trong hai ngày cuối cùng của kỳ nghỉ dài, tôi phát hiện con trai mình có điều gì đó không ổn. Trong kỳ nghỉ Quốc khánh, hầu như ngày nào cháu cũng ăn uống và vui chơi không ngừng. Tuy nhiên, vào đêm trước khi trở lại trường, cháu đột nhiên suy sụp.
Đầu tiên, cháu phàn nàn rằng thời gian trôi qua quá nhanh, vẫn còn nhiều nơi chưa đi và chưa chơi đủ. Sau đó, cháu lấy cớ cần ôn tập từ vựng tiếng Anh và lén trốn vào phòng để xem video ngắn trên điện thoại.
Khi bị phát hiện, cháu còn không muốn tắm, nói rằng không muốn đi học vì giáo viên môn Ngữ Văn quá nghiêm khắc. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ cháu đang làm kiêu và có hội chứng hậu kỳ nghỉ lễ.
Sáng hôm sau, đến giờ mà cháu vẫn không chịu dậy, cứ kêu đau bụng và đau đầu, xin nghỉ học một ngày. Tôi hỏi cháu lý do tại sao lại phản đối việc đi học như vậy. Sau khi hỏi mãi, cháu ngập ngừng nói: “Mẹ ơi, con cảm thấy áp lực học tập quá lớn. Chắc giáo viên lại yêu cầu mọi người chia sẻ về kỳ nghỉ của mình… Con không muốn nói chuyện trước lớp, thật là đáng sợ”.
Không rõ từ khi nào, cậu con trai lớp 4 của tôi luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng mỗi khi kỳ nghỉ kết thúc hoặc vào tối Chủ nhật. Ban đầu tôi nghĩ đó là do cháu bước vào giai đoạn nổi loạn sớm và có cảm giác chán học. Nhưng nghĩ lại, tôi nhận ra chuyện không đơn giản như vậy.
Ở nhà, cháu rất tích cực làm bài tập và thỉnh thoảng giúp đỡ việc nhà; ở trường, quan hệ với bạn bè cũng tốt, nhưng tại sao tình trạng của cháu lại càng ngày càng tệ?
Mãi cho đến khi tôi nghe từ một người bạn là giáo viên về thuật ngữ “Hội chứng Chủ nhật”, tôi mới nhận ra rằng con trai mình có vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Trẻ mắc “Hội chứng Chủ nhật”
Không phải do lười biếng, mà là do căng thẳng.
Một người bạn của tôi có một học sinh lớp 6, học lực rất tốt, dự kiến sẽ vào được trường trung học trọng điểm của thành phố. Nhưng trong học kỳ đầu tiên, không biết vì lý do gì mà điểm số của cháu dần kém đi, ngay cả trong môn Ngữ văn mà cháu giỏi nhất, cũng thường mắc lỗi chính tả và mất điểm nghiêm trọng.
Một tối Chủ nhật, mẹ của cháu gọi điện cho bạn tôi, nói rằng cháu không chịu đi học, nếu bị ép buộc, cháu sẽ bỏ nhà ra đi. Bạn tôi nhận ra rằng cháu chắc chắn có vấn đề, khuyên đưa cháu đi khám tại bệnh viện tâm lý. Cuối cùng phát hiện ra rằng cháu bị trầm cảm.
Tại sao một học sinh ưu tú, ngoan ngoãn lại có thể bị bệnh như vậy? Bạn tôi đã quan sát nhiều học sinh xung quanh và nhận ra rằng, vấn đề lớn nhất là chúng đang chịu quá nhiều áp lực.
– Gánh nặng học tập lớn, cạnh tranh khốc liệt
Lấy con trai tôi làm ví dụ.
Cháu không chỉ học theo sách giáo khoa của tỉnh mà còn phải học thêm các tài liệu do trường tự biên soạn. Các giáo viên cho rằng học thêm kiến thức mới sẽ tốt hơn cho học sinh.
Trong nhóm phụ huynh, mọi người thường chia sẻ các bài tập luyện tập từ các trường trọng điểm khác, ai cần thì có ngay. Trong lớp, nhiều học sinh đã học trước kiến thức lớp 5. Mỗi khi nghe đến, tôi cũng cảm thấy áp lực chứ không chỉ các con.
Nhìn vào lịch học của học sinh trung học cơ sở, tôi không khỏi đau lòng khi thấy bọn trẻ mệt mỏi. Những gánh nặng học tập như vậy không phải là điều dễ dàng vượt qua.
Hiện tại, học sinh không còn thấy niềm vui trong việc học hỏi kiến thức. Thay vào đó, đó là những khóa học chặt chẽ, bài tập nặng nề và những kỳ thi căng thẳng. Thậm chí không dám vào nhà vệ sinh trong giờ nghỉ, và cốc nước đầy từ sáng đến chiều vẫn chưa uống hết.
Chìm trong vòng xoáy học tập, bản năng duy nhất của chúng là tìm cách trốn tránh.
– Môi trường xã hội đầy sự so sánh, dễ gây căng thẳng
Ngày xưa, tôi từng vui mừng vì con trai mình làm bạn với học sinh giỏi cùng bàn. Hai đứa thường trò chuyện về việc học, có lúc còn cười đùa vui vẻ.
Nhưng một lần, con trai tôi buồn bã nói: “Mẹ ơi, bạn cùng bàn của con lại được 100 điểm, còn con chỉ được 97 điểm (Ở Trung Quốc sử dụng thang điểm 100). Con thật ngốc phải không mẹ?”.
Tôi hiểu rằng các em nhỏ luôn so sánh mình với người khác. Những em học kém hơn thường tự ti, trong khi những em không theo kịp bài học càng cảm thấy chán nản.
Trường học là một xã hội thu nhỏ, và phụ huynh, thầy cô chỉ thấy vẻ ngoài hòa đồng của các em. Nhưng thực ra, các em nhạy cảm với việc học tập và các mối quan hệ xã hội, lo sợ rằng mình sẽ bị tụt lại phía sau và làm phụ lòng kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ.
Đừng bỏ qua những dấu hiệu từ con bạn
Gần đây tôi đã xem một video đau lòng.
Một bé gái khóc lóc không muốn vào trường, nhưng mẹ cháu vẫn cố gắng kéo cháu vào trường mà không hỏi nguyên nhân. Nhìn cảnh đó, tôi không thể hiểu được tại sao bé gái lại khóc đến vậy mà mẹ vẫn ép con vào trường.
Rất nhiều trẻ em đã phát ra tín hiệu cầu cứu, nói rằng chúng mệt mỏi, áp lực, nhưng cha mẹ không nghe hoặc buộc con tiếp tục. Kết quả là những đứa trẻ ấy, không có quyền lựa chọn, đành phải dùng “cuộc sống” của mình để chống cự.
Có những đứa trẻ, mặc dù biết rõ mình đang sợ hãi điều gì, nhưng vẫn không thể nói ra.
Một số khác thì cảm thấy áp lực nhưng không có nơi nào để bày tỏ, và cha mẹ chỉ đáp lại bằng những câu “Đừng lo lắng”, “Học hành luôn khó mà”, khiến các em không thể giải tỏa. Những cảm xúc tiêu cực bị đè nén không chỉ gây hại cho sức khỏe tinh thần mà còn có thể đe dọa cả tính mạng. Vì vậy, là cha mẹ, hãy chú ý đến cảm xúc và trạng thái của con cái, lắng nghe và hiểu chúng hơn.
Chúng ta phải hỗ trợ con bằng tình yêu thương và sự cảm thông để giúp con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn tin: https://cafef.vn/neu-cu-den-chu-nhat-con-lai-co-bieu-hien-nay-thi-cha-me-chu-y-rat-co-the-con-gap-van-de-tam-ly-188241012211936038.chn