Gia Cát Lượng được người đời xưng tụng là bậc trí giả xuất sắc của thời Tam Quốc và lịch sử Trung Quốc. Không chỉ túc trí đa mưu, cách nhìn người của Gia Cát Lượng còn khiến hậu thế nể phục vì độ chính xác.
Vậy trong số các mãnh tướng thời Tam Quốc, ai là người được Khổng Minh đánh giá cao nhất?
4 mãnh tướng được Gia Cát Lượng tán thưởng hết lời
1. Hướng Sủng
Hướng Sủng (? – 240), không rõ tên tự, là tướng lĩnh nhà Thục Hán. Hướng Sủng lúc đầu chỉ là một võ tướng tầng trung dưới trướng Lưu Bị, vào giai đoạn Ngũ hổ tướng nổi như cồn, Hướng Sủng có rất ít cơ hội để xuất đầu lộ diện. Nhưng vào năm Chương Võ thứ 20 (tức năm 223), khi trận Di Lăng diễn ra, Hướng Sủng đã không nề hà nguy hiểm, ung dung không sợ hãi mà chỉ huy quân đội đâu ra đấy, cuối cùng, quân đội mà ông chỉ huy hầu như không có sự thương vong nào, trở thành điểm sáng duy nhất trong trận Di Lăng.
Năm 227, thừa tướng Gia Cát Lượng xuất quân đến Hán Trung, chuẩn bị bắc phạt. Trước khi đi, Gia Cát Lượng dâng Xuất sư biểu trần thuật tâm sự, trong đó có đoạn tiến cử Hướng Sủng: “Tướng quân Hướng Sủng, tính tình đức hạnh, hiểu rõ việc quân, được mài giũa qua việc ngày trước, Tiên đế khen là có năng lực, mọi người tiến cử Sủng làm đốc. Thần cho rằng việc trong quân doanh, nên cùng hắn bàn bạc, nhất định khiến quân đội hòa thuận, phối trí thích đáng. Nhờ đó, Sủng được thăng chức Trung lĩnh quân, chủ trì cấm quân, tuyển chọn, giám sát các tướng lĩnh.”
Cả đời Gia Cát Lượng chỉ đề cử với Lưu Thiện một người là Hướng Sủng do đó ông có thể được coi là võ tướng mà Khổng Minh tán thưởng nhất.
2. Khương Duy
Khương Duy (202-264) nguyên là một quan nhỏ của Tào Ngụy, ông bất đắc dĩ đã phải hàng Thục Hán, phục vụ dưới quyền Gia Cát Lượng, rồi Tưởng Uyển, Phí Y. Sau khi Phí Y bị ám sát, Khương Duy nắm được binh quyền và nhiều lần tấn công Tào Ngụy nhằm kế tục di nguyện khôi phục nhà Hán của Gia Cát Lượng, nhưng kết quả là khi thắng khi bại, không giành được thắng lợi đủ lớn. Cuối cùng quân Ngụy tấn công, vua Thục Hán là Lưu Thiện bạc nhược đầu hàng, tuy nhiên Khương Duy vẫn giữ vững lòng trung, ông không chịu làm hàng tướng mà lập kế khôi phục nhà Thục Hán, nhưng cuối cùng thất bại và tử trận.
“Khương Duy truyện” chép: Gia Cát Lượng nói với Trưởng sử Trương Duệ, Tham quân Tưởng Uyển: “Khương Bá Ước trung thành, chăm chỉ, suy nghĩ thấu đáo, Lý Thiệu, Mã Lương cũng không sánh được, quả là kẻ sĩ đất Lương Châu”. Lại khen “Khương Bá Ước có kiến thức về quân sự, lại gan dạ, hiểu đạo lý, được lòng binh sĩ. Người này có lòng với Hán thất, tài cán hơn người. Trước tiên để hắn huấn luyện 5, 6 ngàn quân tinh nhuệ, giao việc quân sự cho hắn, rồi dẫn về cung diện kiến Thiên tử”. Từ đó có thể thấy, Gia Cát Lượng sau khi quan sát xem xét kỹ Khương Duy, nhận thấy ông tài trí hơn người nên mới trọng dụng.
3. Triệu Vân
Triệu Vân (168 – 229), tự Tử Long là công thần khai quốc nhà Thục Hán, là một vị tướng võ nghệ dũng mãnh, có mưu lược và tận trung vì nước, được binh sĩ Thục Hán ca ngợi là “Hổ uy tướng quân”.
Chiến tích nổi bật nhất của Triệu Vân là từng 2 lần xông pha cứu được ấu chúa Lưu Thiện. Là vị tướng có tài năng xuất chúng và tấm lòng tận trung nên ông luôn được triều đình Thục Hán tin tưởng. Chức vụ của ông tuy không cao bằng 4 tướng kia, nhưng ông lại có được vinh dự mà nhiều tướng lĩnh khác không có được, đó là được phong làm “Trung hộ quân”. Đây là chức vụ thống lĩnh cấm quân bảo vệ nơi ở của nhà vua, chỉ có những tướng lĩnh vô cùng được tin tưởng mới được giao cho trọng trách này.
Gia Cát Lượng rất coi trọng Triệu Vân trí dũng song toàn. Đêm trước trận Xích Bích, sau khi “mượn gió Đông”, Gia Cát Lượng nhờ Triệu Vân tiếp ứng nên thoát. Khi Lưu Bị sang Đông Ngô đón dâu, Gia Cát Lượng cũng yên tâm giao việc bảo vệ cho Triệu Vân, Triệu Vân cũng không phụ ủy thác để giúp mưu kế của Gia Cát Lượng thành công.
Triệu Vân luôn là cánh tay phải của Gia Cát Lượng trong suốt cuộc chinh phạt các bộ tộc thiểu số ở phía nam (nay là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Năm 227, Triệu Vân cùng Gia Cát Lượng tập kết quân đội ở Hán Trung chuẩn bị đánh Ngụy. Triệu Vân khi đó đã già, nhưng vẫn tháp tùng Gia Cát Lượng ra trận. Dù ra quân thất bại, Gia Cát Lượng không hề trách móc, lại cho rằng nhờ Triệu Vân mà các binh sĩ rút lui kỷ luật, hạn chế tổn thất.
4. Vương Bình
Vương Bình (183-248) là tướng lĩnh thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, lần lượt phục vụ 2 phe Tào Ngụy và Thục Hán. Từ khi phục vụ nhà Thục Hán, ông là một viên tướng tâm phúc, lập nhiều công lao cho nhà Thục Hán.
Thực lực của Vương Bình được nâng lên tầm cao mới sau khi Lưu Bị qua đời và Gia Cát Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy. Quân Thục từ Kỳ Sơn, Khổng Minh sai Mã Tốc làm chánh tướng, Vương Bình làm phó tướng ra trấn thủ Nhai Đình. Đây là vùng trọng yếu chiến lược.
Mã Tốc vì chủ quan khinh địch, mắc sai lầm dẫn đến bị tướng Ngụy là Trương Cáp đánh bại. Trong khi đó, Vương Bình chiến đấu anh dũng, khiến quân Ngụy không dám ồ ạt tiến công.
Sau khi quân Thục rút khỏi Nhai Đình, Mã Tốc bị tội chết, Vương Bình được ban thưởng, thăng chức vượt bậc, thống lĩnh 5 cánh quân.
Năm 231, trong lần Bắc phạt thứ 4, Gia Cát Lượng bao vây Kỳ Sơn, lệnh cho Vương Bình phụ trách vòng vây phía nam. Tư Mã Ý sai Trương Cáp đem quân tấn công vào vị trí Vương Bình chốt chặn, nhưng không thể tìm được sơ hở, đành rút lui.
Trước khi qua đời năm 234, Gia Cát Lượng để lại những lời dặn dò cuối cùng, chỉ rõ Vương Bình là một trong những người cần phải được giữ lại và trọng dụng. Điều này chứng tỏ Gia Cát Lượng vô cùng coi trọng tài năng của Vương Bình.
Năm 244, Vương Bình thống lĩnh 3 vạn quân ở Hán Trung, đối phó với 10 vạn quân Ngụy do Tào Sảng chỉ huy.
Vương Bình quyết trấn giữ cửa ải, kết hợp viện binh đánh bại Tào Sảng.
*Nguồn: Sina, Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/4-manh-tuong-duoc-gia-cat-luong-khen-het-loi-quan-vu-truong-phi-khong-co-trong-danh-sach-188240205221543596.chn