Thời gian gần đây, các video với nội dung giả làm người thân để troll những đứa trẻ không quen biết ngoài đường bỗng nổi tiếng và lọt vào xu hướng của TikTok với lượt view “khủng”.
Mô tuýp chung của những clip lừa trẻ em đáng lên án này là một TikToker (thường là nam giới) nhận làm cậu, bác, họ hàng của bất kì đứa trẻ nào mà họ gặp trên đường. Sau đó sẽ đưa một món đồ chẳng hạn: túi rau, chai dầu ăn,… đôi khi đưa thiệp cưới và nhắn nhủ các bạn nhỏ mang về chuyển cho bố mẹ.
Kết thúc clip chính là gương mặt ngơ ngác hoang mang của những đứa trẻ bị troll. TikToker tỏ ra cực kỳ khoái chí vì đã lừa được một vố.
Đuổi theo trẻ trên đường, hả hê khi thấy trẻ ngơ ngác vì bị troll
Trong số những TikToker làm clip troll trẻ em để kiếm view thì nổi lên 1 tài khoản tên C.2.P. Chủ tài khoản này đã làm hơn 20 clip về chủ đề lừa gạt trẻ em với cùng một mô-típ. Anh chàng tự xưng mình là “Cậu Hai” và liên tục chào hỏi khi gặp một đứa trẻ: “Nhỏ ơi nhỏ, lại đây cậu hỏi nghe này. Con cầm bọc rau về kêu mẹ nấu canh đi, chút cậu hai qua. Cứ nói mẹ vậy đó là mẹ biết à”. Đối với những đứa trẻ tỏ ra nghi hoặc hay có hỏi lại, người này vẫn tiếp tục nhận làm người thân cho đến khi đưa được đồ rồi chạy đi với tiếng cười hả hê khi lừa trẻ con thành công.
Đoạn clip ghi lại cảnh TikToker C.2.P troll em bé nhờ đưa túi rau về cho mẹ đang viral trên TikTok
Và clip viral nhất chính là clip C.2.P đưa cho 1 em bé một bịch rau và dặn về đưa cho mẹ tối chú sẽ qua nhà. Vì quá bất ngờ, em bé đã cầm lấy bịch rau và ngơ ngác nhìn theo. Clip thu về đến 12,2 triệu view từ đầu tháng 3 đến nay.
Ban đầu, phía dưới các đoạn clip có rất nhiều người cảm thấy thú vị, hài hước bởi sự ngây thơ, ngơ ngác của những đứa trẻ trong clip. Tuy nhiên lâu dần khi việc giả làm người thân để quay clip trở nên thành trào lưu, một số người dùng MXH cảm thấy lo ngại và cho rằng đây là hành vi đáng lên án.
Kênh TikTok này đã thực hiện rất nhiều clip với nội dung giả làm người thân để trêu trẻ em
Nhiều phụ huynh giật mình bởi không nghĩ trẻ con hiện nay lại dễ bị lừa như vậy. Bởi từ trước đến nay, bài học đầu tiên của mọi đứa trẻ đều được dặn: Không nhận đồ từ người lạ, bất kể là họ hàng cũng phải quen biết hoặc gọi điện cho bố mẹ để xác nhận. Song, qua những đoạn clip này, thực tế lại chứng minh một điều ngược lại. Những đứa trẻ dù tỏ ra hoài nghi nhưng chỉ thoáng qua, vẫn nhanh chóng nhận đồ và làm theo lời người lạ sau vài ba câu “dụ dỗ”.
Thậm chí, có những đoạn clip troll một em ở lứa tuổi học sinh cấp 2 càng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi dù trông rất cao lớn nhưng em lại “nhẹ dạ cả tin”, đối tượng làm clip troll chưa hỏi xong đã tự khai đầy đủ tên mình, tên bố mẹ,… Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất an và kịch liệt lên án trò đùa vô bổ, nhảm nhí này.
Những đữa trẻ trở thành nạn nhân của trò đùa câu like, câu view khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc
Hành vi cần bị ngăn chặn vì dễ “vẽ đường” cho kẻ xấu hại trẻ
Chị Phạm Thị Hằng hiện đang có ở lứa tuổi mẫu giáo, sau khi xem đoạn clip cảm thấy lo lắng và cho rằng đây là trào lưu tiêu cực: “Trend gì lạ lùng, nguy hiểm quá, tự dưng người ta đưa cái gì cũng đem về nhà. Rồi mai mốt người lạ hay người quen nó cũng không rõ, không biết đang đùa hay đang thật”.
Cùng chung quan điểm trên, anh Hoàng Minh Thắng – bố của 2 em bé đang trong độ tuổi dưới 8 tuổi bức xúc lên tiếng: “Thực ra khi xem những video này, mình vẫn mong là diễn hơn. Còn nếu đó là thật thì phải về dạy lại con vì trend này rất nguy hiểm và đáng báo động với các bậc phụ huynh.
Chẳng hạn bây giờ tội phạm biến tướng hay lợi dụng trend này thì mình không dám tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra. Mà còn chưa kể việc quay như thế này là chưa được sự đồng ý của trẻ hoặc người giám hộ. Nhưng mình nghĩ nếu có bị người lớn bắt gặp hay phản ứng thì những TikToker này cũng sẽ nói là đang quay cho vui. Vì vậy nên cần ngăn chặn những trend thế này”.
Không chỉ trẻ nhỏ, những bạn đang học cấp 2 cũng còn rất ngây thơ và dễ dàng tin lời người lạ
Theo chị Ong Thuỳ Dương (chủ kênh Mẹ bỉm Báo chí), việc một người lạ trêu đùa những đứa trẻ không quen biết vốn đã là điều đáng lên án. Cũng là một người mẹ, chị Thuỳ Dương tỏ ra gay gắt và không muốn con tiếp xúc với người lạ trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi không có bố mẹ ở cạnh. Chưa kể, việc vốn là người lạ nhưng tự nhận là người quen càng gây ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ nhỏ. Bản thân người lớn còn khó phân biệt thật – giả nữa là những đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên.
“Các bạn trẻ bây giờ vì bất chấp view trên TikTok đã làm những việc không nghĩ đến hệ luỵ của những hành động vô tri. Hiện tại con mình mới 1 tuổi rưỡi thôi và mình đã dạy con về việc cảnh giác với người lạ. Trong cuốn sách dành cho trẻ cũng đã có cách dạy phân biệt được đâu là mẹ đâu là người lạ. Vẫn biết là nên hướng con trở thành một đứa trẻ thân thiện, cởi mở nhưng thân thiện cởi mở đúng lúc thì vẫn an toàn hơn”, chị Thuỳ Dương cho hay.
Chị Thu Thuỷ hiện đang là giáo viên và cũng có con đang học cấp 1 cho hay: “Bản thân mình trên lớp, cũng luôn dặn dò các con cẩn thận về việc giao tiếp với người lạ. Tuy nhiên, tâm lý của một số bạn nhỏ vẫn còn rất đơn giản, các con chỉ nghĩ có thể đó là một hành động giúp đỡ người lạ, chưa nhận thức được rõ đâu là tốt hay xấu.
Những đoạn clip ngày là bài học cảnh tỉnh các phụ huynh cần quan tâm hơn đến con cái và chú trọng trong cách giáo dục. Như mình vẫn thường dặn con cái và cả học sinh, các con có thể trò chuyện, giao tiếp để xem họ cần gì nhưng phải giữ khoảng cách. Còn việc nhận đồ từ người lạ tuyệt đối không nên để tránh rủi ro không đáng có”.
Có thể nói, trào lưu giả làm người thân để troll trẻ em trên TikTok là một thực trạng đáng báo động, tiềm tàng nhiều nguy hiểm mà các phụ huynh cần cảnh giác. Hiện nay, vẫn có rất nhiều trẻ em, thậm chí ở độ tuổi 13 – 14 vẫn chưa nắm được các kỹ năng giao tiếp hay xử lý tình huống khi gặp người lạ.
Ngoài ra, không ai muốn bản thân mình hay con cái của mình trở thành nạn nhân bởi những trò đùa câu like, câu view trên TikTok. Những đứa trẻ có thể sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý nếu như một ngày thấy hình ảnh của mình tràn lan trên mạng và đọc hàng loạt những bình luận cợt nhả, chế giễu chỉ vì một phút giây mất cảnh giác.