Chúng tôi gặp Nguyễn Đỗ Thu Phương (2001) ngay trước thềm lễ tốt nghiệp của nữ sinh này tại ĐH VinUni. Cô gái có dáng người nhỏ nhắn rạng rỡ trong trang phục của tân khoa cùng chiếc mũ cử nhân được cô trang trí kỳ công với dòng chữ “Con gái ba Phan, mẹ Hoa”.
Chia sẻ về chiếc mũ này, Thu Phương cho biết cô đã dành 2 ngày để chuẩn bị. Lý do có dòng chữ này bởi cô mong muốn nhắc tên ba mẹ trong lễ tốt nghiệp của mình – người đã đồng hành cùng nữ sinh trong suốt chặng đường vừa qua dẫu trước đó đã kịch liệt phản đối việc con gái theo học ngành điều dưỡng ở VinUni.
Chiếc mũ được nữ sinh chuẩn bị kỳ công
Đỗ học bổng 100% ngành điều dưỡng của VinUni nhờ 1 bức tranh
Ngược thời gian về 4 năm trước, Thu Phương đang là sinh viên tại ĐH Ngoại thương. Một ngôi trường mà cô và nhiều bạn đồng trang lứa đã mơ ước được theo học trong suốt 3 năm cấp 3.
Chạm được vào ước mơ của mình, tưởng rằng Phương sẽ hài lòng. Cho đến khi theo học tại đây năm nhất, nữ sinh dần cảm thấy môi trường không phù hợp.
“Lúc đó mẹ em có nói vui thử nộp đơn để tham gia phỏng vấn vào VinUni. Tuy nhiên, em lại tưởng thật nên đã chuẩn bị hồ sơ để nộp. Em cũng xác định rõ chỉ khi nào được học bổng 100% mới theo học”, nữ sinh 2001 chia sẻ.
Nộp hồ sơ từ 1/2020 đến 9/2020, cô mới nhận được kết quả. Khác với mọi người, Thu Phương phải trải qua 3 vòng phỏng vấn thay vì 1 vòng. “Đầu tiên em nộp hồ sơ nhưng thiếu kỹ năng phỏng vấn nên bị trượt.
Lần thứ 2, em có cuộc gặp gỡ online với các thầy cô, anh chị của phòng tuyển sinh để được tư vấn về ngành điều dưỡng.
Vẫn quyết tâm theo học trường, 7 tháng sau, em quyết định mua vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội để đích thân đến văn phòng tuyển sinh và mang theo bức tranh tự vẽ bằng màu nước mô tả một cô gái trèo lên cây bắt con đom đóm sáng nhất kèm theo một bài luận mô tả. Em đề nghị cố vấn xem xét lại việc tuyển em trường”, Phương kể lại kỉ niệm khó quên.
Có lẽ, các thầy cô nhìn thấy tiềm năng của nữ sinh nên đã chấp nhận cho Thu Phương một vị trí trong chương trình điều dưỡng với học bổng 100%.
Đỗ VinUni với suất học bổng 100%, Phương tưởng rằng ba mẹ sẽ rất mừng và ủng hộ cô. Song thực tế hoàn toàn trái ngược. Ba mẹ phản đối kịch liệt việc con gái ra Hà Nội học. “Thậm chí gia đình em còn gọi điện cho phòng tuyển sinh của trường và nói rằng hãy đánh trượt để em đừng đòi ra đây học. Suốt 2 tuần trước khi đưa ra quyết định với trường là quãng thời gian chiến tranh lạnh giữa em và ba mẹ. Đến ngày cuối cùng, ba mẹ vẫn không chấp nhận. Nhưng em vẫn đặt vé máy bay ra đây học”, Thu Phương bộc bạch.
Cú sốc tâm lý từ sinh viên dẫn đầu đến người ‘đội sổ’ của lớp
Theo học ở VinUni nhưng nữ sinh vẫn không bỏ việc học ở trường ĐH Ngoại thương. Phương cho biết cô đã chuyển hồ sơ học tập của mình từ cơ sở TP.HCM ra Hà Nội để thuận tiện cho việc theo học cả 2 nơi. “Cho đến khi được tham gia lễ khai giảng của em tại VinUni, ba mẹ mới nguôi nguôi. Gia đình lo ngại cơ hội việc làm của ngành điều dưỡng sau này nên vẫn muốn em đảm bảo cả việc học tại ĐH Ngoại thương”.
Để học song song ở 2 trường, một ngày của Phương thường bắt đầu từ 9h sáng đến 10h tối. Nữ sinh cho biết thường lựa chọn đăng ký học tín chỉ tại ĐH Ngoại thương vào những ca tối. 9h sáng đến 5h chiều, cô dành trọn thời gian ở ĐH VinUni. “Khoảng cách 2 trường lên đến 25km, mỗi ngày em thường mất đến 3 tiếng đồng hồ để di chuyển. Những bữa tối của em thường là trên xe bus”.
Để cân bằng việc học ở cả 2 trường Phương dần thiếu kết nối với bạn bè xung quanh. Nếu như ở năm nhất tại VinUni, điểm GPA của nữ sinh thuộc top đầu của lớp. Sang đến năm 2-3, cô bị trượt dài với mức điểm ‘đội sổ’ của lớp. “Ở thời điểm đó, em rơi vào trầm cảm. Mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng”, cô kể lại thời điểm khó khăn nhất.
Cho đến cuối năm 3, khi thấy các bạn cùng lớp tìm kiếm cơ hội việc làm, nhận được lời mời hợp tác, Phương giật mình nhận ra không biết 1 năm nữa mình phải làm gì khi bản thân không có thành tích gì nổi trội, thiếu kết nối với với thầy cô, bạn bè.
Cùng ở khoảng thời gian đó, Phương tham gia dự án thiện nguyện “Thung lũng khói xanh” tại Sa Pa (Lào Cai) để dạy tiếng Anh cho trẻ em. Là sinh viên Điều dưỡng, cô muốn dành thời gian để tìm hiểu về tình hình y tế của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Sau 2 tháng đồng hành cùng với các bạn nhỏ vùng cao, hiểu được những thiếu thốn của người dân, Phương đã quyết tâm nộp đơn vào ngành Phân phối y tế toàn cầu hệ thạc sĩ của trường Y Harvard. “Càng tiếp xúc với lũ trẻ, em càng muốn làm một điều gì đó để góp sức mình nhằm thay đổi cuộc sống của một bộ phận dân số có điều kiện thiếu may mắn ở vùng cao Việt Nam”, nữ sinh nói.
Cũng từ chuyến đi này, cô có cảm hứng để hoàn thành 5 bài luận lấy chủ đề về những trẻ em người H’mông, giúp bản thân vượt qua cuộc tuyển chọn đầu vào khốc liệt của ĐH Harvard.
Chia sẻ về lý do theo học ngành phân phối y tế toàn cầu, nữ sinh cho hay đây sẽ bệ phóng giúp cô trở thành một nghiên cứu viên tham gia vào các tổ chức y tế để triển khai các chương trình, hoạt động liên quan đến những vấn đề y tế đang tồn tại trong cộng động.
Thu Phương mang theo nhiều giấc mơ đến Harvard với hy vọng có thể thay đổi được cuộc sống của người dân vùng cao tại Việt Nam.
Thu Phương được người thân và bạn bè đến chúc mừng trong lễ tốt nghiệp
Cuối tháng 8 sắp tới, Thu Phương sẽ một mình sang Mỹ nhập học tại Harvard. Dù chưa biết chặng đường tới như thế nào song cô gái nhỏ khẳng định rằng sẽ quay trở về Việt Nam để làm việc và cống hiến.
“Rất nhiều người cũng hỏi mình và hoài nghi về vấn đề này. Nhưng từ trước đến nay mình đều chắc chắn tương lai xa sẽ sinh sống và làm việc cống hiến tại Việt Nam. Trước mắt, 2 năm tới mình sẽ tập trung hoàn toàn vào việc học thạc sĩ, sau đó có thể làm việc trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế chẳng hạn. Nhưng sau đó mình sẽ ở Việt Nam, vì luôn cảm thấy gắn bó và thuộc về Việt Nam”, Phương chia sẻ.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nu-sinh-tot-nghiep-song-bang-vinuni-ngoai-thuong-tu-sinh-vien-doi-so-cua-lop-den-tam-ve-thac-si-vao-thang-harvard-188240701203528029.chn