Trong một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã hỏi 3 ứng viên một câu: “Tôi mời bạn ngồi, nhưng lại không chuẩn bị ghế cho bạn thì bạn sẽ làm gì?”
Người thứ nhất ăn nói không mạch lạc, suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng mới trả lời 3 chữ đầy nản chí: “Tôi không biết.” Nhà tuyển dụng nghĩ người này là người không có tài.
Người thứ hai tự tin nói: “Nếu các anh đã mời tôi ngồi, nhưng không chuẩn bị ghế, thì khi đó tôi đương nhiên có quyền hỏi rõ vì sao không có ghế và yêu cầu được cung cấp một chiếc ghế. Nhưng tôi nghĩ, một công ty chuyên nghiệp sẽ không làm ra những điều vô lý như vậy. Cho nên câu hỏi này quá mang tính giả thuyết, không có ý nghĩa.” Đối với nhà tuyển dụng thì người thứ 2 quá hung hăng.
Đến người thứ ba, anh ấy bình tĩnh nói: “Tôi sẽ dời cái ghế ở đằng kia qua và ngồi xuống.” Đến đây kết quả đã rõ, người thứ ba đã vượt qua cuộc phỏng vấn một cách thuận lợi.
Ngày nay, các cuộc phỏng vấn dường như càng nhiều các câu hỏi đáp dạng này. Các nhà tuyển dụng cũng rất chịu khó vắt óc suy nghĩ ra những câu đố hóc búa để kiểm tra ứng viên. Vậy khi đối mặt với những câu hỏi khó mà nhà tuyển dụng đưa ra, chúng ta nên làm gì để vượt qua một cách suôn sẻ?
Đừng lo, chỉ cần áp dụng đúng 3 điều sau đây!
1. Giữ thái độ đúng mực
Trong cuộc phỏng vấn, mọi người phải chú ý duy trì thái độ đúng mực. Ngày nay, nhiều người đi phỏng vấn rất tự cao tự đại, nghĩ rằng mình có trình độ học vấn cao và kinh nghiệm phong phú, nên tự cho mình cái quyền được hống hách, bỏ qua các phép tắc giao tiếp cơ bản.
Một số thậm chí còn thản nhiên ngắt lời nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn. Những người này có thể đang cố gắng thể hiện bản thân, nhưng thực tế kiểu giao tiếp này chỉ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy phản cảm mà thôi.
Trong quá trình phỏng vấn, bạn phải chú ý, bất kể điều kiện của bản thân có tốt hay không, thì cũng không nên cư xử thái quá, phải tôn trọng nhà tuyển dụng.
2. Linh hoạt khi trả lời câu hỏi
Trong quá trình phỏng vấn, rất có thể nhà tuyển dụng sẽ đặt một số câu hỏi mẹo. Ví dụ như câu hỏi ở đầu bài, ý đồ của nhà tuyển dụng là muốn kiểm tra khả năng ứng biến của ứng viên.
Nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi: “Điểm yếu của bạn là gì? Bạn là người hướng ngoại hay hướng nội?”.
Mục đích của những câu hỏi này là muốn tìm hiểu xem liệu tính cách của bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Tôi có một câu chuyện rất liên quan như sau:
Có nhà tuyển dụng đã hỏi về điểm yếu của một ứng viên. Cô gái đó cảm thấy khi đi phỏng vấn thì nên thành thật, không được nói dối, cho nên đã đáp: “Tôi cảm thấy mình có hơi cứng nhắc, khó tiếp thu cái mới và đôi khi còn hơi cáu kỉnh. Tôi là một người hướng nội”.
Trong buổi phỏng vấn đó, cô ấy và nhà tuyển dụng đã trò chuyện gần 1 giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng cô vẫn không được nhận. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Không lẽ chúng ta không nên thành thật?
Vốn không phải thế. Thật ra, vị trí mà cô ấy ứng tuyển là nhân viên bán hàng, cô ấy thẳng thắn nói rằng cô ấy cứng nhắc và sống nội tâm, đã tạo ra điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng, vì đó là những cấm kỵ lớn nhất của một nhân viên bán hàng. Cho dù những mặt khác của cô ấy có tốt đến đâu thì cũng không cứu vãn nổi.
3. Thể hiện các kỹ năng xã hội và chuyên môn của bạn trong buổi phỏng vấn
Trong buổi phỏng vấn, chúng ta cần tìm hiểu tình hình chung của công ty, họ có những yêu cầu gì đối với vị trí này. Bằng cách đó, chúng ta có thể thể hiện các kỹ năng chuyên nghiệp của mình một cách có mục đích trong buổi phỏng vấn.
Để làm cho sơ yếu lý lịch của mình trông đẹp hơn, nhiều người có xu hướng viết rất nhiều ưu điểm không cần thiết vào, như: giỏi thể thao, giỏi chơi cầu lông… Những thông tin này có thể nói là không có giá trị tham khảo đối với nhà tuyển dụng.
Cách tiếp cận đúng là chỉ thể hiện các kỹ năng và kiến thức chuyên môn liên quan đến vị trí ứng tuyển, hạn chế đề cập đến những kỹ năng không liên quan, gây loãng thông tin. Ví dụ, nếu bạn muốn phỏng vấn cho vị trí kế toán, đừng nói với nhà tuyển dụng rằng bạn chơi bóng rổ giỏi mà hãy nói với họ: “Tôi có thể nhập chứng từ rất nhanh, cẩn thận và không bao giờ cẩu thả khi kiểm kê số liệu”. Khi đó nhà tuyển dụng mới cảm thấy rằng bạn là một nhân tài hữu ích cho công ty.
Ngoài ra, việc chú ý thể hiện các kỹ năng xã hội cũng rất quan trọng. Bởi vì những gì nhà tuyển dụng cần tìm hiểu không chỉ giới hạn ở khả năng chuyên môn của chúng ta, mà còn về các vấn đề khác như đối nhân xử thế. Vì dù là công việc gì đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải hợp tác với đồng nghiệp và lãnh đạo. Nên nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên tìm những người có EQ cao, biết cách cư xử đúng.
Nhìn chung, trong cuộc phỏng vấn, chúng ta cần thể hiện những mặt tốt nhất của bản thân với nhà tuyển dụng, đồng thời cũng phải chú ý che đi những thói xấu của mình. Khi nói về những ưu điểm, hãy nói cụ thể, và khi nói về những khuyết điểm, hãy tránh những điểm chính và chỉ cần nói chung chung, sau đó nhấn mạnh rằng bản thân đang khắc phục nó.