Vừa nhập cuộc thị trường lao động chưa lâu, các nhân sự Gen Z đã trở thành tâm điểm bàn tán, được khen rất nhiều mà bị chê cũng chẳng ít ở nơi làm việc. Khen thế nào thì tạm thời không nói, còn điểm xấu thì nào là Gen Z đòi hỏi lắm, Gen Z nhảy việc nhiều, Gen Z cãi sếp như chém chả…
Trước những tai tiếng không đáng có của thế hệ Gen Z như vậy, ông Cao Thế Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng giám đốc ALO Media, đơn vị sở hữu bản quyền chương trình Whose Chance? (Cơ Hội Cho Ai) chia sẻ tại Lễ công bố bản quyền quốc tế format Whose Chance? và kế hoạch phát sóng Cơ Hội Cho Ai mùa 5 diễn ra hôm 27/4 vừa qua, đã có một vài chia sẻ.
Không giống như mọi người, ông Thế Anh nhìn mọi thứ theo hướng tính cực, đa chiều hơn. Trước tiên, vị chủ tịch này nhấn mạnh Gen Z có rất nhiều lợi thế trong thị trường lao động hiện nay. Thứ nhất là khả năng tiếp cận với công nghệ sớm, có nhiều điều kiện đọc, học, lắng nghe với những nguồn tri thức quý giá không chỉ bó hẹp ở trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài.
Đặc điểm của Gen Z là vậy, nên trước tiên khi tuyển dụng công ty cần phải xem xét xem văn hóa doanh nghiệp của mình có phù hợp với nhân sự Z hay không. Chúng ta có đủ cởi mở với các bạn trẻ không hay là lại vận hành công ty theo cách “trên bảo dưới phải nghe như là quân lệnh” thì rất khó để các bạn trẻ có thể sáng tạo được.
“Tôi nghĩ rằng là cố gắng làm thế nào để doanh nghiệp xây dựng cơ chế văn hóa phù hợp để tiếp cận, lắng nghe các bạn trẻ. Ví dụ bây giờ các bạn sinh viên mới ra trường, đâu đó khoảng 2001, có những bạn 2002 đã bắt đầu ra trường rồi. Thế thì với lãnh đạo doanh nghiệp có thể sinh ra ở đầu 7x, 6x, 5x vậy thì khoảng cách thế hệ là rất lớn. Các thế hệ khác nhau luôn nghĩ rằng các bạn trẻ cần phải lắng nghe khi bác, cô, chú nói. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải lắng nghe các bạn trẻ nhiều hơn”, ông Thế Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, không chỉ nhà tuyển dụng thay đổi mà từ phía các nhân sự Gen Z, ông Thế Anh cho rằng các bạn cũng cần thích ứng để phù hợp hơn với doanh nghiệp. Vị chủ tịch chia sẻ: “Tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng là, cố gắng hiểu thế nào là tư duy phản biện chứ không phải thích là bật sếp, không thích là nghỉ việc. Như thế là rất nguy hại!”.
Thấu hiểu Gen Z và “gỡ mác” những định kiến
Deloitte – một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới bên cạnh PwC, KPMG, EY chỉ ra rằng, 40% Gen Z coi tính linh hoạt và khả năng thích ứng là đặc điểm quan trọng nhất trong việc chọn lựa một công việc. 29% khác nói rằng sáng tạo là chìa khóa dẫn đến thành công. “Có khả năng thích ứng” ở đây có nghĩa là Gen Z hiểu họ đang ở đâu và họ muốn đi đâu trong tương lai.
Thế hệ này đang tìm kiếm sự an toàn nhưng lại ưu thích kinh doanh mạo hiểm. Họ tự tin vào khả năng của mình nhưng lúc nào cũng cần tìm kiếm sự giúp đỡ của cố vấn. Sự phân đôi của Gen Z có thể là sức mạnh lớn nhất của họ.
Một cuộc khảo sát của Monster cho thấy Gen Z là một nhóm nhân khẩu học độc lập, tự tin rằng họ có thể thành công. Đa số (76%) nói rằng họ tự chịu trách nhiệm cho định hướng nghề nghiệp của mình. Gần 60% cho biết họ sẵn sàng làm việc vào ban đêm và cuối tuần nếu được trả lương cao.
Sự đa dạng được xây dựng trong sự pha trộn của thế hệ nguồn lao động này. Do đó, một nơi làm việc “lý tưởng” cho Thế hệ Z là tạo ra môi trường cởi mở, thân thiện, tìm kiếm sự đa dạng ở mọi cấp độ và hoan nghênh quan điểm của họ.
Đối với các nhà tuyển dụng, để đạt được sự hòa hợp với nhân sự GenZ cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp hòa nhập. Điều đó sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp khi có nhân sự là Gen Z. Ngoài ra, tính minh bạch có thể rất quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu của nhân sự Z và công ty cần vạch ra các bước thực hiện để đạt được sự bình đẳng tại nơi làm việc.
Với đặc tính không hài lòng với sự trì trệ, Gen Z luôn muốn hoàn thành các mục tiêu của ngày hôm nay với tầm nhìn cho tương lai. Khi họ phát triển bộ kỹ năng của mình, lập kế hoạch nghề nghiệp là chìa khóa để giữ họ trong công ty, thay vì xây dựng năng lực của họ để cạnh tranh. Tiếp tục phát triển khi họ tiến lên nấc thang của công ty. Do đó, nếu công ty đóng vai trò định hướng và cố vấn cho họ càng nhiều, họ càng phát triển, xây dựng các kỹ năng và tăng giá trị cho doanh nghiệp.