Theo South China Morning , các nhà kinh tế nhận định giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với thị trường việc làm khó khăn nhất trong nhiều thế hệ. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tại quốc gia này vẫn ở mức cao kể từ năm 2020 và chưa giảm xuống dưới 14% kể từ tháng 5/2021.
Sự cạnh tranh để có suất việc làm ngày càng khốc liệt, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Điều này đòi hỏi người trẻ Trung Quốc phải tự làm nổi bật chính mình để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Trong số đó phải kể đến xu hướng sinh viên đổ xô theo học chương trình thạc sĩ với hi vọng nâng cao trình độ của học vấn, làm đẹp bảng thành tích. Ngoài ra, giữa cơn bão liên tục thất nghiệp và lay-off, việc học thạc sĩ cũng giúp một bộ phận giới trẻ chậm trễ đối mặt với viễn cảnh gia nhập thị trường lao động.
Bên cạnh phải cạnh tranh với lực lượng lao động có bằng thạc sĩ, giới trẻ Trung Quốc cũng đối mặt với lượng lớn du học sinh từ nước ngoài trở về.
Thế nhưng, liệu việc học lên cao có đảm bảo một tương lai tươi sáng cho những thanh niên tại quốc gia này hay không?
Mới đây, một chàng trai đã chia sẻ câu chuyện đi tìm việc đầy khó khăn của mình. Anh tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ở nước ngoài và về Trung Quốc lập nghiệp. Thế nhưng, thị trường lao động khốc nghiệt đã giáng một đòn mạnh khiến anh ngỡ ngàng với giá trị tấm bằng.
Cụ thể trong buổi phỏng vấn, anh bị nhà tuyển dụng thẳng thừng từ chối với lý do: “Công ty không tuyển những bạn có bằng thạc sĩ này”.
Nhà tuyển dụng giải thích rằng chương trình đào tạo thạc sĩ ở Trung Quốc và nước ngoài hoàn toàn khác nhau, khiến họ đặt dấu hỏi về chất lượng thực sự của tấm bằng.
Cụ thể, chương trình thạc sĩ ở Trung Quốc sẽ học trong 3 năm, trong khi ở một số quốc gia khác chỉ kéo dài trong 1 năm. Nhà tuyển dụng đánh giá sự chênh lệch quá lớn về thời gian học không phản ánh đúng năng lực của ứng viên bởi họ không tin làm sao chỉ trong 1 năm đã học hoàn thành hết kiến thức của chương trình thạc sĩ.
Những lời nhận xét từ nhà tuyển dụng đã khiến không ít người trẻ “vỡ mộng” với tấm bằng khi đi du học của mình. Hiện nay, tấm bằng thạc sĩ hay danh xưng “du học sinh” đã không còn là tấm vé bảo chứng chắc suất có việc làm cho người trẻ Trung Quốc, chứ chưa nói gì đến công việc lương cao.
Nhìn vào thực tế đó, liệu có nên du học chương trình thạc sĩ ở thời điểm này?
Đầu tiên, phải xét về ưu điểm của việc du học. Khi đi du học, sinh viên sẽ đến một đất nước mới và có cuộc sống khác hoàn toàn trước kia. Bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, rèn luyện bản thân, nâng cao khả năng học tập và mở rộng thế giới quan.
Tuy nhiên, bạn cần thực sự cân nhắc mục đích của việc du học. Nếu chỉ định đi du học để thoát khỏi áp lực đi làm thì nên xem lại. Bởi vòng luẩn quẩn không biết bản thân thích gì có thể quay trở lại với bạn sau khi tốt nghiệp. Hơn thế nữa, thời gian du học tốn 1-3 năm cũng khiến ứng viên mất đi nhiều năm kinh nghiệm đi làm. Ngoài ra, chi phí du học sau đại học cũng rất đắt đỏ, không phải gia đình nào cũng có điều kiện theo được.
Thực tế, dù học đại học hay chương trình thạc sĩ thì mục đích thực sự vẫn là giúp bản thân tăng vốn hiểu biết, trở nên nổi bật hơn trong thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt. Do đó, điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra được năng lực thực sự của mình đang ở đâu. Chỉ khi có hiểu biết sâu về ngành, nhiều năm kinh nghiệm thực tế thì bạn mới có thể tìm được chỗ đứng trong thị trường việc làm ngày nay.
Vậy nên dù học ở bất kì cấp bậc nào, bạn cũng phải cố gắng học tập và tích luỹ kinh nghiệm cho mình. Đừng để đến lúc có được tấm bằng danh giá nhưng không có năng lực làm việc thì các công ty cũng rất khó tuyển những nhân sự như vậy.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chang-trai-du-hoc-thac-si-ve-nuoc-van-bi-tu-choi-thang-thung-nha-tuyen-dung-boc-tran-1-su-that-khoc-liet-khi-tim-viec-188231226203942933.chn