Gia đình Thùy Dung (31 tuổi, Hà Nội) gồm 4 thành viên gồm bố mẹ và 2 bé. “Năm nào nhà mình cũng về quê ăn Tết nên kế hoạch chuẩn bị đơn giản và khá nhẹ nhàng. Mình dự định năm nay sẽ chi tiêu như các năm khác, khoảng 35 triệu đồng cho ngày Tết”.
Ngày Tết là thời gian gia đình Thùy Dung về quê tranh thủ nghỉ ngơi, thăm họ hàng nên chi tiêu chỉ nhiều hơn so với các tháng khoảng 30%. Cụ thể các khoản chi bao gồm:
– Sắm cành quất, đào; bánh kẹo; thực phẩm ngày Tết: 10 triệu
– Biếu gia đình nội ngoại: 10 triệu (mỗi nhà 5 triệu)
– Mua quần áo mới cho gia đình: 5 triệu
– Quà biếu, lì xì: 10 triệu
Cô cảm thấy mỗi năm đi qua, Tết lại ngày càng đơn giản. Mọi người không còn quá cầu kỳ như trước, giản lược phù hợp với lối sống ngày nay. Kéo theo đó, các khoản chi cũng trở nên tối giản hơn.
Thời gian mới kết hôn, khi những ngày Tết gần kề, Thùy Dung thường mua rất nhiều quần áo mới để diện Tết. Thậm chí trong nhà, cô cũng sắm sửa những bộ bát đĩa mới “ăn Tết” ngon miệng và có không khí hơn. Tuy nhiên, sau khi có con, cô học cách quản lý chi tiêu hiệu quả hơn, quần áo ngày càng đơn giản. Cô thường sẽ mua những bộ đồ có thể phối được nhiều phong cách, từ đó hạn chế sắm quần áo mới.
Không chỉ trong quần áo, mà như trang trí Tết, cô cũng giản lược mọi thứ. Thay vì chọn những chậu đào quất to, cô sắm những cành bé xinh phù hợp với không gian nhà. Mọi khoản chi đều “tiết chế” lại cho phù hợp, không phải cắt bỏ hoàn toàn, vì Tết đến xuân về vẫn nên có không khí năm mới.
Bên cạnh đó, khi đi mua sắm Tết đặc biệt trong trung tâm thương mại, Thùy Dung sẽ lên danh sách trước để tránh mua theo hiệu ứng đám đông. Chẳng hạn, thấy mọi người tập trung ở quầy nào đó rất đông, cô sẽ không thể cưỡng lại sự tò mò mà “ngó” vào xem. Mười lần thì phải đến 7, 8 lần sẽ mua những sản phẩm đó dù không thật sự cần thiết.
“Mình cũng giống như nhiều chị em khác, mê mẩn những món đồ bếp, có khi cảm thấy dù mua bao nhiêu cũng không đủ. Cuối năm, các hàng gia dụng thường hay giảm giá. Đôi khi đi ngang qua thấy những món đồ xịn xò lại có vẻ rẻ, mình có xu hướng sẽ mua cái chảo mới, bộ nồi mới… Tuy nhiên, ở nhà mình có rất nhiều chiếc chảo tương tự thành ra lại thừa thãi. Những khoản chi nhỏ không cần thiết nhưng gộp lại có thể trở thành số tiền khá lớn”.
Tiêu chí khi đi sắm Tết của Thùy Dung là chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết. Chẳng hạn, bánh kẹo và hoa quả cô không mua quá nhiều. Trong khi đó, thực phẩm tươi sống, cô chỉ mua đủ dùng trong 3 ngày Tết vì bây giờ không như ngày xưa, các chợ chỉ nghỉ 2 ngày Tết.
Dù vậy, đối với Thùy Dung, Tết là thời gian bản thân được chi tiêu thoải mái hơn một chút, nhưng vẫn trong kiểm soát. “Cuối năm thường thu nhập cũng cao hơn vì nhận thêm khoản thưởng Tết sau 1 năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chi tiêu quá đà. Bảy năm trước khi mới lập gia đình, mình cũng từng như thế. Làm cả năm dành dụm, đến Tết chi tiêu mất kiểm soát coi như cả năm làm chỉ đủ tiêu Tết”.
Thùy Dung nhận thấy rằng xu hướng bây giờ mọi người chơi Tết hơn là ăn Tết. Nhiều gia đình trẻ chọn đi du lịch vào dịp đầu năm thay vì ở nhà. Mọi người nên cùng trao đổi với vợ/chồng khi lên kế hoạch ngày Tết để tránh xung đột trong chuyện chi tiêu và mong muốn cá nhân. Bên cạnh đó, hãy lên danh sách chi tiết để biết những khoản nào là cần thiết giúp chi tiêu hợp lý hơn.