Việc chuẩn bị tinh thần lạc quan, rèn luyện suy nghĩ tích cực sẽ giúp vượt qua tình huống khó khăn, đặc biệt là với giới trẻ.
GenZ là thế hệ cởi mở nhất với các vấn đề trị liệu tâm lý. Sau đại dịch cùng những biến động của thế giới, nhiều người trẻ gặp các vấn đề căng thẳng lo âu. Nguyên nhân gây căng thẳng được xác định là tiền bạc/công việc ( 64%), nợ (33%), nhà ở (31%) và nạn đói (28%), theo một nghiên cứu đăng trên Verywellmind.
Tâm trạng bi quan càng lên cao trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, làn sóng sa thải lên cao. Người trẻ, đặc biệt lứa vừa ra trường là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của làn sóng thiếu việc làm.
Phương Thảo (22 tuổi, Hà Nội) vừa xin được việc làm chính thức sau 6 tháng ra trường. Trước khi tốt nghiệp, Thảo đã chuẩn bị kỹ càng CV để tìm việc đúng với ngành truyền thông nhưng sau 2 tuần rải CV với khoảng 30 công ty, chỉ nhận được 4 lời mời phỏng vấn, các công ty còn lại hầu như không phản hồi.
Nhìn các bạn cùng lớp năng động vừa học vừa làm tại các công ty truyền thông hoặc tập đoàn có tiếng, Thảo áp lực và mông lung vì nhận thấy bản thân không phải là một sinh viên có thành tích nổi trội để có thể cạnh tranh, không biết sau khi ra trường mình có thể xin được việc hay không. Năm 2023 cũng là một năm nhiều khó khăn với ngành truyền thông, tiếp thị, quảng cáo khi các tập đoàn, công ty không có đơn hàng, giảm doanh thu đã dẫn đến việc cắt chi tiêu cho tiếp thị. Nhiều công ty quảng cáo lớn đã phải giảm nhân sự, không tuyển thêm, thu nhỏ quy mô hoạt động.
Để giảm bớt áp lực đồng trang lứa, Thảo lên các hội nhóm dành cho sinh viên, hội nhóm tìm việc làm trên Facebook để tìm lời khuyên từ mọi người. Ngoài ra, cô cũng làm quen với các anh chị đi trước ở trường và cùng ngành học để mở rộng network của mình và được các anh chị động viên rất nhiều những lúc bế tắc và áp lực.
“Tôi nhận ra là mình phải không ngừng tiến lên thôi vì mình dừng lại thì chắc chắn sẽ tụt hậu so với các bạn. May mắn tôi là người luôn cố gắng nhìn mọi thức theo hướng tích cực vì tôi nghĩ tiêu cực chỉ khiến mình mất nhiều thời gian lạc trong cảm xúc xấu và không giúp ích được gì trong lúc khó khăn cả. Tôi cho rằng tinh thần như vậy cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp mình không bỏ cuộc và sớm tìm được công việc phù hợp như bây giờ”, Thảo chia sẻ.
Lạc quan cũng là cách nhiều người trẻ đối mặt với khó khăn. CNN trích báo cáo từ Walton Family Foundation cho biết 75% thành viên GenZ tham gia khảo sát tin tưởng rằng họ có một tương lai tương sáng ở phía trước. Nghiên cứu cho biết: “Có một sự lạc quan lâu dài của thế hệ này khi đối mặt với các cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần”.
Trong khi Phương Thảo tìm được cách vượt qua thời điểm khó khăn khi thất nghiệp bằng cách suy nghĩ tích cực, mở rộng mối quan hệ thì Nguyễn Chung – du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc lại phải học cách lạc quan khi một mình ở xứ người.
Chung chia sẻ, năm 2023 là một năm cực kỳ “bất ổn” đối với “Hội những người muốn đi du học Trung Quốc” vì các suất học bổng ngày một ít đi, ngân sách cũng bị cắt giảm. Suốt quá trình từ lúc đợi ban tuyển sinh duyệt hồ sơ, phỏng vấn, gửi hồ sơ đã qua vòng loại lên Hanban để duyệt tiếp, Chung gần như liên tục trải qua hai cảm giác “lên thiên đàng” và “xuống địa ngục”. Khi thấy các bạn khác đã có kết quả mà vẫn chưa thấy đến lượt mình, cảm giác căng thẳng lại càng nặng nề hơn nữa. Mãi cho đến ngày nhận được mail thông báo nhập học và giấy tờ hỗ trợ đăng kí Visa, Chung mới tin là giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực, mới thở phào nhẹ nhõm.
Vượt qua được vòng xin học bổng học, thời gian học tại Bắc Kinh lại mở ra chuỗi ngày khó khăn mới. Chung không quen văn hóa nước bạn, giao tiếp với người bản xứ cũng không đơn giản. Thậm chí đồ ăn Trung Quốc nhiều dầu mỡ, cay nóng cũng là rào cản cô bạn du học sinh 21 tuổi hòa nhập với cuộc sống mới.
Chung cho biết mình từng có những suy nghĩ bi quan về việc bỏ hết mọi thứ để trở về Việt Nam vì bị đuối sức khi lên lớp. Môi trường và phương pháp giáo dục tại Trung Quốc đòi hỏi sinh viên cần đọc nhiều, viết nhiều và thực hành nhiều, họp nhóm nghiên cứu với giáo viên hướng dẫn theo tuần và báo cáo đọc viết theo tháng. Áp lực của việc học khiến Chung rơi vào trầm tư, thậm chí là hoài nghi chính mình.
Sau chuỗi ngày dài rơi vào trạng thái gần như trầm cảm, Chung tâm sự với gia đình và được bố mẹ hướng dẫn cách điều chỉnh tâm trạng, cách kết nối với bạn bè ngoại quốc. Giáo viên hướng dẫn cũng luôn nhắc nhở cô phải tin vào chính mình, không được tự tạo áp lực cho bản thân và biết rằng trên đời này mỗi người có một tốc độ không giống nhau. Bạn bè cũng hỗ trợ nữ sinh viên mỗi khi gặp khó khăn.
Nhận thấy mình luôn được yêu thương theo nhiều cách khác nhau, Chung thay đổi cách suy nghĩ để vượt qua nghịch cảnh. Cô luôn tự nhủ nhân lúc mình còn trẻ, cố gắng để học hỏi, tích lũy, trải nghiệm là điều cần làm.
Khánh Chi
Chuỗi podcast “Kế hoạch lạc quan” của VnExpress là nơi người trẻ có tầm ảnh hưởng chia sẻ về hành trình phát triển sự nghiệp, duy trì hạnh phúc và tầm quan trọng của việc lập kế hoạch trước những biến số của tương lai. Các tập trong chuỗi podcast này bao gồm nhiều câu chuyện khác nhau từ nhiều người trẻ thành công, như Nick M – từ cậu bé nhút nhát đến người kể chuyện đi khắp thế giới, Nguyễn Đăng Văn – chàng ‘shipper cứu người’ tìm lại chính mình sau những thất bại, Annie Vũ, nữ CEO trẻ đã đi một chặng đường dài để trở thành phiên bản lạc quan nhất của chính mình. Mỗi tập đều tập trung vào việc lạc quan đối mặt và vượt qua thách thức để phát triển bản thân và sự nghiệp. Chương trình phát sóng vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần trên các nền tảng của VnExpress bao gồm chuyên mục Podcast, Apple Podcast và Spotify. Chương trình có sự đồng hành của nhãn hàng bảo hiểm Sun Life. |
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-tre-lac-quan-vuot-qua-tinh-the-kho-4699934.html