Tiết kiệm là một đức tính tốt, có thể giúp bạn tích lũy được tài sản đáng kể. Nhưng mọi thứ đều cần có giới hạn, một số kiểu tiết kiệm quá mức lại trở thành không hiệu quả, không những không giúp tiết kiệm mà còn khiến bạn phải chi tiêu nhiều hơn.
Đặc biệt là những hành vi dưới đây, có thể bạn nghĩ đó là tiết kiệm nhưng thực tế là đang “vứt tiền qua cửa sổ” để đổi lấy một cuộc sống kém chất lượng. Vì vậy tôi khuyên bạn nên chấm dứt những việc làm này ngay và luôn.
1/ Tiếc tiền nhỏ nên phải tiêu tiền lớn
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã mắc phải cạm bẫy cuộc sống này, vì muốn tiết kiệm chút tiền mà không ngờ lại phải tiêu nhiều tiền hơn.
Khi chuyển nhà, tôi cảm thấy việc thuê dịch vụ quá đắt đỏ, không nỡ chi 400 NDT (khoảng 1,4 triệu đồng) nên đã nhờ một vài người bạn đến giúp đỡ. Nhưng vì họ không phải dân chuyên nghiệp nên quá trình thực hiện khá lâu và còn làm móp một góc tủ lạnh. Sau khi chuyển nhà xong, tôi cũng mời bạn bè ăn một bữa hết 500 NDT (gần 1,8 triệu đồng) mà vẫn cảm thấy như mắc nợ họ.
Một lần khác, vì không muốn trả tiền gửi xe khi đi công việc nên tôi đỗ xe bên lề đường. Vài phút sau khi làm xong việc ra ngoài thì phát hiện lực lượng chức năng vừa đi kiểm tra, để lại cho tôi hoá đơn phạt đỗ xe sai quy định 200 NDT (khoảng 700 nghìn đồng).
Trong thực tế cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một chút tiền nhỏ là có thể giải quyết vấn đề nhưng vì tiết kiệm vài đồng bạc lẻ mà phải tiêu cả đống tiền để bù đắp.
2/ Thích mua hàng giá rẻ
Người đời có câu tiền nào của nấy thực sự không sai. Bạn thích đồ giá rẻ và nghĩ rằng mình đang tiết kiệm tiền nhưng hoá ra là đang đốt tiền. Bởi vì những hàng hoá kiểu này thường có chất lượng không tốt, dùng vài lần là hỏng thì lại phải mua mới. Đó chính là lãng phí!
Đối với những món đồ cần sử dụng thường xuyên và lâu dài, chấp nhận mua đắt hơn để dùng lâu hơn chính là cách tiết kiệm tốt nhất.
Tôi từng mua một đôi giày trên mạng với giá rẻ giật mình, chỉ khoảng 30 NDT (hơn 100 nghìn đồng). Ban đầu tôi rất hài lòng vì mình mua được đồ rẻ nhưng kết quả nhận về là một đôi giày cực kỳ cứng, đi vài lần đã phải bỏ xó vì ngón chân bị cọ xát đến sưng đỏ.
Về sau bạn trai mua tặng tôi một đôi giày giống y hệt có giá 300 NDT (hơn 1 triệu đồng). Tôi cảm thấy đôi giày rất thoải mái, không cọ xát chân và đã dùng trong suốt 3 năm.
3/ Để dành đồ ăn ngon, dùng đổ hư hỏng trước
Có thể bạn đã nhìn thấy bà, mẹ hay những người lớn tuổi có thói quen ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để tiết kiệm. Nhiều khi họ chỉ ăn những món đồ đã sắp hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng.
Mẹ tôi là người cực kỳ tiết kiệm. Bà không bao giờ vứt đồ ăn thừa thãi, dù để lâu ngày phải hâm đi hâm lại. Tôi nhiều lần dặn mẹ đừng làm như thế nhưng bà không nghe mà vẫn giữ thói quen ăn uống này. Cuối cùng, bà bị viêm dạ dày, phải vào viện chữa chạy thuốc thang, tốn kém không ít.
Vì vậy tôi khuyên mọi người hãy tạm biệt hành vi tiết kiệm vô ích như vậy. Điều đó chẳng mang lại lợi ích gì cả, vừa không tiết kiệm lại khiến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống sa sút.
4/ Tham lợi nhỏ thì lỗ lớn
Ngày nay, khi việc mua hàng qua mạng có rất nhiều lợi ích, đặc biệt là cảm giác được hời trong những dịp khuyến mãi khủng như mua 1 tặng 1, giảm giá sập sàn,… Điều này khiến nhiều người tin rằng mua càng nhiều thì càng tiết kiệm nhưng sự thật thì chưa chắc.
Trước đây tôi đã tranh thủ mua nhiều đồ giảm giá trong các livestream vì muốn tiết kiệm và sợ lần sau sẽ không có giá hời như vậy nữa. Hoặc khi đặt đồ qua mạng, tôi cũng thường tiếc tiền ship nên cố mua thêm món này món kia cho đạt mốc freeship. Nhưng bạn có để ý đó thường là những món đồ không thực sự cần đến hoặc không thích nên cuối cùng không sử dụng đến.
Tất cả những việc này không là lãng phí thì là gì?
5/ Tiết kiệm bằng cách tự làm, thành ra tự phá hoại
Nhiều người thường muốn tự làm mọi thứ để có thể tiết kiệm. Đôi khi hành động này trở nên tằn tiện quá mức, không mang lại lợi ích mà còn gây hại.
Máy giặt bị hỏng nên bố tôi quyết định tự sửa. Loay hoay mấy ngày trời, không những không sửa được mà bệnh đau lưng của bố lại tái phát. Sau cùng, ông phải chi tiền đi viện khám bệnh còn tôi gọi thợ đến sửa máy giặt. Nếu như ngay từ đầu đã làm như thế thì đã đỡ tốn tiền, đỡ tốn thời gian hơn không?
Nguồn tin: https://cafef.vn/5-viec-lam-tuong-tiet-kiem-nhung-hoa-ra-la-buoc-dau-tien-cua-tan-gia-bai-san-188241023074219557.chn