Daniella Flores (33 tuổi) là một nhà văn tự do và là người sáng lập của I Like to Dabble, một doanh nghiệp kiến thức về tài chính và nghề nghiệp.
Chia sẻ với CNBC, Daniella cho biết là một kỹ sư phần mềm, cô luôn tự tin trong các tình huống đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ngay từ khi cô bắt đầu công việc tại môi trường công sở, một trong những điều Daniella gặp khó khăn là kỹ năng đàm phán tăng lương.
Daniella Flores. (Ảnh: CNBC)
“Trong các cuộc đánh giá hàng năm, tôi không biết làm thế nào để giải thích với sếp rằng tại sao tôi xứng đáng nhận được mức lương cao hơn, ngay cả khi tôi đã hoàn thành xuất sắc công việc.
Thay vì cảm thấy chịu trách nhiệm về tiềm năng phát triển của bản thân, tôi cảm thấy như mình đang phụ thuộc vào những gì các công ty đang cung cấp cho tôi”, cô nói.
Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc, ở tuổi 33, Daniella Flores đã học được những bài học quý giá về cách đàm phán cho bản thân và được trả xứng đáng hơn so với giá trị của mình.
Bằng việc đúc rút kinh nghiệm và sử dụng khôn ngoan những chiến lược để tăng lương với sếp mà cô nàng đã giúp nguồn thu nhập hàng tháng của mình tăng từ 60.000 USD lên 140.000 USD chỉ trong 5 năm.
Dưới đây là bài chia sẻ cùng các ví dụ về phương pháp của Daniella Flores mà cô đã áp dụng và thành công:
1. Đưa ra mức lương rõ ràng, thương lượng khi số tiền không được như kỳ vọng
Việc thương lượng một mức lương cao hơn là việc không phải bạn trẻ nào cũng dám làm. Đó chính là lý do tại sao bạn nên thực hành kỹ năng này từ sớm và làm điều này một cách thường xuyên, đặc biệt là khi bạn được đề nghị một mức lương thấp.
Đặc biệt nếu trong cuộc phỏng vân mà nhà tuyển dụng đưa ra mức lương thấp dưới phạm vi cho phép, tôi vẫn có chỗ để đàm phán.
Ví dụ, nếu mức lương thấp nhất mà tôi sẵn sàng chấp nhận là 90.000 USD, thì tôi sẽ đưa ra mức dự kiến từ 100.000 đến 110.000 USD.
Còn đối với các cuộc thảo luận đánh giá và tăng lương hàng quý, tôi nhận thấy rằng cách hiệu quả nhất để yêu cầu tăng lương là thực hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm, thay vì dưới dạng một số tiền.
Tỷ lệ phần trăm giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nhìn thấy giá trị của mức tăng mà bạn đang yêu cầu. Ví dụ: mức tăng 5% nghe có vẻ hợp lý hơn mức tăng 5.000 USD.
Tuy số tiền này không nhiều, nhưng đó là khoản tiền mà tôi xứng đáng được biết. Thêm vào đó, thành công trong cuộc đàm phán đầu tiên giúp tôi có thêm tự tin và kinh nghiệm trong những lần đàm phán sau này.
2. Hỏi về tiền lương từ khi bắt đầu
Tôi chỉ ứng tuyển vào những công việc có mức lương mà tôi mong muốn. Nếu mức lương không được công khai, để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ hỏi trực tiếp về tiền lương trong cuộc phỏng vấn đầu tiên. Tùy thuộc vào phản hồi, tôi có thể tiếp tục hoặc bỏ đi công việc đó.
Nếu bạn nhận được một lời đề nghị, bạn không cần phải chấp nhận nó như vốn có. Bạn có thể dành thời gian để xem xét nó và đặt câu hỏi trước khi đồng ý với bất cứ điều gì.
3. Biết được thời điểm nào bản thân nên rời đi
Ở công việc cuối cùng của tôi, tôi thấy mình đang làm công việc của ba người. Về cơ bản, tôi là một trưởng nhóm, nhưng mức lương của tôi không tương xứng với trách nhiệm cấp quản lý của tôi.
Khi tôi nói chuyện với sếp của mình về tình huống này, họ nói: “Chúng tôi chắc chắn có thể thảo luận về sự phát triển của bạn trong suốt cả năm, nhưng chúng tôi không thể tăng lương cho bạn vào lúc này.”
Tôi cảm thấy câu nói đó có nghĩa là: “Chúng tôi không thấy giá trị của bạn.” Vì vậy, tôi đã liên hệ với mạng lưới quen biết của mình và sử dụng tất cả các chiến thuật đàm phán. Trong vòng vài tháng, tôi đã nhận được một vị trí mới tại cùng một công ty với tư cách là kỹ sư phần mềm chính và đã kiếm được từ 109.000 USD lên 141.000 USD trong một năm.
4. Xin ý kiến từ những người cố vấn đáng tin cậy
Đừng bao giờ xem nhẹ vai trò của những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn. Họ sẽ là người khơi dậy cho bạn sự tự tin trước khi bước vào một cuộc đàm phán.
Mỗi khi nhận được một lời mời làm việc, tôi sẽ tìm đến ít nhất hai vị cố vấn để xin lời khuyên. Cô hỏi họ về mức lương, những đặc quyền và lợi ích nào mà tôi nên yêu cầu nhà tuyển dụng và với mức lương này cùng khối lượng công việc trên có hợp lý hay không.
Các mối quan hệ đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Hãy tìm những người đáng tin cậy trong ngành, những người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn và luôn giữ liên lạc với họ trong suốt quá trình phỏng vấn là mẹo để tôi có thể khảo sát đúng mặt bằng lương mỗi khi “nhảy việc”.
5. Đừng nên bỏ công việc hiện tại chỉ vì một khoản tiền lớn
Mặc dù việc nhảy việc sẽ giúp bạn nâng cao thu nhập nhưng tôi khuyên các bạn nếu công việc mới không thực sự giúp sự nghiệp được tiến xa và bạn không học hỏi được nhiều thì bạn vẫn không nên rời bỏ công việc hiện tại.
Một khoản tiền lương lớn cùng với cương vị mới là điều rất tuyệt vời, nhưng bạn cũng nên xem xét, hiểu rõ điều kiện và tình trạng thu nhập hiện tại của bản thân.
Bạn nên tìm kiếm những cơ hội phù hợp với bản thân, giúp mình nâng cao kỹ năng và tích lũy thêm kinh nghiệm. Một trong những yếu tố hàng đầu mà cô nàng 33 tuổi này cân nhắc đó là có nhiều cơ hội học hỏi hơn.