Hạnh phúc là một loại cảm giác hưng phấn, hài lòng hoặc thỏa mãn với cuộc đời. Mỗi người sẽ định nghĩa hạnh phúc theo cách riêng, nhưng hạnh phúc vẫn thường được mô tả là cảm xúc gắn liền với sự tích cực.
Hạnh phúc có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, ví dụ một người tính cách bẩm sinh đã vui vẻ, lạc quan, hay được giáo dục và lớn lên trong môi trường thuận lợi. Đây là những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của chúng ta, tuy nhiên có một thứ mà ai cũng có thể xây dựng và duy trì được, đó là mối quan hệ. Mối quan hệ là yếu tố then chốt để đạt được hạnh phúc bền lâu. Ngay cả người có “gen tiêu cực”, thường suy nghĩ quá mức, hoặc sinh ra trong môi trường độc hại, vẫn có thể hạnh phúc nếu biết hướng tới các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Bản năng kết nối xã hội vốn nằm trong gen của chúng ta
Có nhiều nghiên cứu về sự ảnh hưởng của mối quan hệ đến cảm giác hạnh phúc. Một trong số các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng và lâu dài nhất là nghiên cứu trên 724 người của Harvard, kéo dài bắt đầu từ năm 1938. Trong hơn 74 năm, các nhà khoa học chỉ số về tâm lý và sức khỏe của người tham gia thí nghiệm. Kết quả cho thấy người có kết nối xã hội lành mạnh thì càng hạnh phúc.
Con người là một loài sinh vật xã hội. Vào thời tiền sử, tổ tiên của chúng ta hình thành các bộ lạc, cùng chung sống, kiếm ăn, bảo vệ và chăm sóc lẫn nhau. Khi bị cô lập khỏi bộ lạc, một cá thể có khả năng phải đối diện với cái chết. Dưới góc nhìn xã hội học, kết nối xã hội còn là một kỹ năng sinh tồn mạnh mẽ.
“Gen kết nối” vẫn nằm trong tế bào của người hiện đại và thúc đẩy chúng ta thực hiện các hành vi xã hội. Thật không may, với tốc độ hối hả như ngày nay, các mối quan hệ đang dần mất đi ý nghĩa quan trọng.
Con người ngày nay đang ngày một kết nối ít hơn
Sự ra đời của Internet và mạng xã hội đang khiến con người tìm kiếm những giá trị ảo nhiều hơn. Tác giả Caroline Beaton từng viết trên tờ Psychology Today rằng nhiều người đang cố gắng thay thế mối quan hệ thực bằng mối quan hệ ảo. Ta có thể kết nối online với hàng trăm người chưa từng gặp, nhưng kết nối đó thường hời hợt, cuối cùng khiến chúng ta không hài lòng cũng như mất niềm tin vào các mối quan hệ xã hội. Trong khi ta quên mất kết nối ảo khác với kết nối thực.
Thứ hai, sự hiện diện của công nghệ cũng làm giảm chất lượng cuộc trò chuyện. Đã bao nhiêu lần bạn đi hẹn cafe với một nhóm bạn nhưng buổi hẹn lại kết thúc bằng cảnh tượng tất cả ngồi nhìn vào chiếc điện thoại thông minh?
Ngoài ra, còn một lý do nữa mà nhiều người không để ý đến, đó là sự “thay đổi cảm giác phụ thuộc” (dependency shift). Internet đem đến cho chúng ta nguồn tài nguyên khổng lồ, nếu cần tra cứu gì, ta lập tức nhờ “Chị Google” giải đáp. Dần dần ta hình thành cảm giác độc lập hơn và không có nhu cầu tìm người giúp đỡ nhiều như trước.
Steven Van Cohen là một tác giả. Anh kể, trước kia khi gặp vấn đề cần giải quyết, anh có thể cậy nhờ người có chuyên môn. Ví dụ nếu không thể sửa được vòi nước, anh sẽ nhờ bố hoặc thợ sửa. Bây giờ anh tự lập hơn, có thể tra cứu trên YouTube và “không cần phụ thuộc vào ai khác”. Công nghệ hiện đại một phần đã làm giảm sự tương tác, khiến ta tự chủ hơn, nhưng cũng làm ta cô đơn hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn không được tự lập hoặc phải luôn chạy đi tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần. Chỉ là thỉnh thoảng đừng ngại nhờ vả người khác, bởi đó là một trong những cách ta xây dựng mối quan hệ.
Tất nhiên, sự tiến bộ công nghệ không phải là nguyên nhân duy nhất làm con người cảm thấy cô đơn, bởi cảm giác trống trải, cô lập còn có thể đến từ sự phát triển của các chủ nghĩa cá nhân, toàn cầu hóa, cạnh tranh việc làm, áp lực đồng trang lứa.
Nhưng dù lý do có là gì, thì trong một thế giới đang ngày càng khắt khe hơn, thế hệ trẻ sẽ là nhóm người dễ bị tổn thương nhất, bởi họ chưa có nhiều trải nghiệm và các mối quan hệ. Người trẻ nên sống chậm lại một chút, tập, bước ra ngoài, cải thiện những mối quan hệ đang có, đồng thời tìm kiếm những mối quan hệ (lành mạnh) mới. Để tìm kiếm hạnh phúc, hãy bắt đầu từ những người xung quanh.