Ở mỗi thời điểm, trẻ lại hình thành và phát triển thêm nhiều nét tính cách. Trong giai đoạn còn nhỏ, trẻ có thói quen bắt chước, đôi khi là những điều chưa đúng. Lúc này, điều con cần nhất là sự hướng dẫn, bảo ban từ bố mẹ. Có một số lỗi thường gặp ở những đứa trẻ, tưởng nhỏ nhưng lâu dần sẽ hình thành tính cách không tốt cho con. Bố mẹ nên sửa đổi trước khi quá muộn.
1. Bé hay nói leo
Bé rất thích “nhại” lại những từ hay cụm từ “nổi bật” từ phía cha mẹ hay người lớn tuổi.
Bạn hãy theo dõi và tìm hiểu xem thời điểm nào thường xuất hiện hành vi nói leo của bé. Chẳng hạn, nếu bé thích nói leo trong khi bạn đang trò chuyện với anh (chị) bé, hãy yêu cầu bé giữ trật tự.
Tốt nhất, bạn nên hướng bé sang 1 hoạt động khác như đưa cho bé 1 vài món đồ để bé chơi bên cạnh.
2. Bé “thô bạo” khi chơi
Anh (chị) hay bất kỳ 1 người bạn nào chơi cùng đều trở thành “nạn nhân” khi chơi với bé. Khi tức giận, bé rất dễ nổi loạn bằng cách đập phá đồ chơi hay thường xuyên cãi cọ, cấu véo bạn chơi.
Bạn hãy nhanh chóng trao đổi 1 cách nghiêm túc với bé. Nói với bé rằng: “Con không được đẩy hay cắn bạn Bống thêm 1 lần nào nữa. Nếu con còn cư xử xấu như vậy, mẹ sẽ phạt con thật nặng”.
Bạn cũng cần lưu ý, trông chừng, liên tục nhắc nhở bé trước mỗi lần bé chơi. Nên can thiệp và giải quyết kịp thời nếu bạn phát hiện các cuộc tranh chấp giữa các bé.
Nếu bé tiếp tục nóng giận hoặc xuất hiện các dấu hiệu “thô bạo”, tốt nhất bạn nên nhanh chóng kết thúc cuộc chơi và nói chuyện riêng với bé.
3. Phớt lờ lời cha mẹ nói
Ở độ tuổi 3-4, bé có xu hướng giả vờ như không nghe thấy lời cha mẹ nhất là khi bạn phê bình về 1 vài tật xấu nào của bé. Bạn nên cẩn thận lưu ý để chắc chắn rằng những lời nhắc nhở của bạn không phải là “gió bay”.
Khi bạn muốn nhắc nhở, hãy đối diện trực tiếp với bé trong 1 cự ly gần. Đảm bảo rằng bé sẽ đưa ra ý kiến của cá nhân bé sau đó, cho dù bé có thực sự đồng ý với bạn hay không.
Tắt hết tivi hoặc yêu cầu bé ngừng chơi sẽ giúp bé tập trung và ghi nhớ lời bạn nói tốt hơn.
4. Bé thích bịa đặt
Qua lời bạn bè của bé, bạn biết rằng bé rất thích khoe khoang hay phóng đại sự thật. Nếu chủ nhật tuần trước bạn mua cho bé 1 chiếc ô tô nhựa, bé sẽ “bịa” với các bạn là: “Mẹ tớ mua cho tớ ở tận nước ngoài đấy”… Thói quen này sẽ trở thành nền tảng tiềm ẩn cho tật nói dối ở bé.
Khi phát hiện ra sự thật, bạn hãy nhanh chóng trò chuyện với bé. Nói cho bé biết rằng, nếu nói dối, các bạn sẽ nhanh chóng biết sự thật và không ai còn tin bé nữa.
Bạn có thể kể cho bé nghe câu chuyện về Cậu bé chăn cừu và đàn sói. Nội dung đại ý rằng có 1 cậu bé chăn cừu thích trêu đùa mọi người bằng cách ngày nào cũng kêu lên thật to: “Cứu con với, có chó sói đến”. Mọi người sẽ lo lắng và chạy thật nhanh tới để tìm cách giúp cậu bé. Tuy nhiên, khi biết cậu bé chăn cừu đó đã nói dối, không ai tin cậu bé nữa. Một lần, đột nhiên 1 đàn sói thật xuất hiện, cậu bé lại kêu lên “Cứu con với, có chó sói” nhưng chẳng ai tới giúp. Kết cục, lũ sói ngay lập tức ăn thịt hết đàn cừu của cậu bé. Bạn hãy chú ý để bé tự rút ra ý kiến của cá nhân bé sau khi nghe hết câu chuyện.
5. Bé tự ý mở tivi, máy tính
Bạn nên thiết lập 1 số quy tắc nho nhỏ trong gia đình dành riêng cho bé. Chẳng hạn, bé chỉ được phép xem phim hoạt hình vào những khoảng thời gian cố định nào đó trong ngày. Bạn cũng yêu cầu bé không được bật tivi hay máy vi tính khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ.
Nếu bé tiếp tục mắc lỗi, bạn hãy nhanh tay tắt tivi và chỉ bật lại vào thời gian đã quy định. Bạn không nên nhượng bộ khi bé vòi vĩnh hay đòi hỏi muốn xem tivi nhiều hơn.
6. Bé nhắm mắt khi bạn nhắc nhở
Giống như hành vi bé giả bộ phớt lờ trước những yêu cầu của cha mẹ ở trên, nhiều bé thích nhắm cả hai mắt lại thậm chí dùng tay bịt cả hai tai khi bạn trách mắng. Hành vi này giống như 1 sự chống đối của bé.
Bạn hãy yêu cầu bé giữ đúng tư thế khi trò chuyện. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chia sẻ cho bé biết cảm giác không hài lòng và đề nghị bé chấm dứt những hành động kiểu này.
Nguồn tin: https://cafef.vn/neu-bo-qua-6-loi-nho-nay-con-se-hinh-thanh-loat-thoi-quen-cuc-ky-nguy-hai-kho-sua-doi-trong-tuong-lai-188240131204028211.chn