Theo các chuyên gia, các phi hành gia sẽ có nhiều thay đổi sau khoảng thời gian dài ở trong vũ trụ.
Cụ thể, sau 371 ngày ở trong vũ trụ, phi hành gia Frank Rubio (47 tuổi) của NASA đã quay trở lại Trái Đất vào ngày 27/9. Đây cũng chính là người phá vỡ kỷ lục về thời gian ở lâu nhất trong không gian đối với phi hành gia Mỹ vào hồi đầu năm nay sau khi nhiệm vụ ban đầu của ông là 6 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế lại được gia hạn thêm 6 tháng nữa.
Phi hành gia Rubio và đồng nghiệp đã hạ cánh vào hồi 18h17′ ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam) tại Đông Nam Dzhezkazgan, Kazakhstan.
Trước đó, trong chương trình Good Morning America vào tháng 8/2023, ông Rubio cho biết, khi trở về, ông sẽ được đội ngũ y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, phi hành gia này có thể sẽ cần một thời gian để thích nghi với trọng lực của Trái Đất, đồng thời điều chỉnh lại trạng thái cân bằng cho các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ và đứng thẳng.
Sau hơn 1 năm ở trong vũ trụ, phi hành gia sẽ thay đổi những gì?
Theo các chuyên gia, trải qua thời gian dài ở trong vũ trụ, đặc biệt là 1 năm, con người sẽ có nhiều thay đổi cả về sinh lý và tâm lý. Cụ thể, một trong những thay đổi lớn nhất đến từ môi trường vi trọng lực chính là cho phép các phi hành gia có thể lơ lửng bên trong tàu vũ trụ hoặc ở bên ngoài khi thực hiện đi bộ không gian. Trong giai đoạn này, khối lượng cơ bắp của con người bị giảm và loãng xương vì ít sử dụng, thiếu sự kích thích từ các thiết bị tập thể dục.
Tiến sĩ Jennifer Fogarty, giám đốc khoa học tại Viện Nghiên cứu sức khỏe không gian, thuộc ĐH Y Baylor, nhận định, những thay đổi lớn nhất về xương, cơ bắp xảy ra trong vòng 2 tháng đầu tiên của một sứ mệnh và sau đó sẽ ổn định dần.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, một trong những vấn đề mà các thành viên của phi hành đoàn thường gặp khó khăn khi trở về Trái Đất chính là những thách thức về mặt tiền đình, hoặc cách cơ thể duy trì cảm giác về vị trí và sự thăng bằng khi lực hấp dẫn thay đổi.
Tiến sĩ Jennifer Fogarty cho biết thêm: “Làm cách nào để bạn phối hợp các vận động như đi bộ, điều mà bạn đã không thực hiện trong một thời gian dài và sau đó giữ thăng bằng? Khi kết hợp hai thứ này lại với nhau có thể tạo ra tình huống hơi nguy hiểm“.
Hơn nữa, rõ ràng, nhiệm vụ càng dài thì sẽ càng mất nhiều thời gian để thích nghi. Các sứ mệnh kéo dài từ 4 – 6 tháng cần thời gian phục hồi từ 2 – 3 ngày. Tương tự, các sứ mệnh dài hơn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để các phi hành gia thích nghi.
Mặt khác, vì đặc điểm không trọng lượng trong môi trường vi trọng lực, nên máu, dịch não tủy thường dịch chuyển từ chi dưới lên đầu và mắt. Điều này gây ra sự thay đổi về cấu trúc mắt và não. Đây chính là hiện tượng được gọi là Hội chứng thần kinh – nhãn khoa có gắn liền với chuyến bay vũ trụ và các phi hành gia trong thời gian dài có thể trải qua nhiều thay đổi khác nhau, chẳng hạn sưng mắt, não bị đẩy lên và bị mờ mắt.
Tiến sĩ Michael Decker, đồng giám đốc của Trung tâm sinh lý học hàng không vũ trụ, thuộc ĐH Case Western Reserve, cho biết: “Mạch máu của con người có các van để ngăn chặn máu chảy ngược lại khi chúng ta đứng lên. Tuy nhiên, khi ở trong môi trường không trọng lực, có một sự dịch chuyển lớn về chất lỏng từ cơ thể lên đầu. Một số áp lực nội sọ tăng lên có thể gây ảnh hưởng tới mắt và dẫn tới suy giảm thị lực. Đôi khi vào thời điểm các phi hành gia hạ cánh, tình trạng suy giảm thị lực đó không thể được phục hồi“.
Bên cạnh những thay đổi trên, khi ở trong môi trường khép kín cách biệt suốt một thời gian này, cơ thể con người cũng sẽ có sự thay đổi về tâm sinh lý.
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, loại môi trường này còn có thể dẫn tới sự thay đổi về hành vi, gây ra mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ cho con người. Tiến sĩ Jennifer Fogarty giải thích, hệ miễn dịch của cơ thể người cũng có sự thay đổi trong suốt thời gian ở trong vũ trụ. Đây là kết quả của tình trạng căng thẳng kéo dài. Vì vậy, việc tạo ra một môi trường lành mạnh hết sức có thể cho các phi hành gia khi thực hiện nhiệm vụ là điều rất quan trọng.
Đặc biệt, các nhà khoa học cũng có thể xem xét liệu Rubio có bất kỳ thay đổi nào đối với hệ gene của phi hành gia này hay không. Trong đó có những thay đổi tương tự như phi hành gia Scott Kelley từng gặp khi trải qua 340 ngày sống trong không gian vào năm 2015 và 2016.
Tiến sĩ Michael Decker cho biết, trên thực tế, 90% những thay đổi trên đã được điều chỉnh lại trong vòng vài tháng sau khi phi hành gia Scott Kelley quay trở lại Trái Đất. Mặc dù môi trường vũ trụ rất khắc nghiệt nhưng những thay đổi mà phi hành gia phải trải qua vẫn nằm trong dự kiến và nhóm chuyên gia của NASA luôn đảm bảo rằng họ được chuẩn bị một cách kỹ càng trước khi thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Sức khỏe của phi hành gia luôn được đảm bảo bởi họ đã trải qua quá trình huấn luyện kỹ lưỡng trước sứ mệnh.
Theo NASA, phi hành gia Rubio, người vừa trở về Trái Đất sau 371 ngày trong vũ trụ, đã hoàn thành khoảng 5.900 vòng bay quanh Trái Đất trong suốt chuyến hành trình dài hơn 157 triệu dặm. Phi hành gia này cũng thực hiện giám sát sự xuất hiện của 15 tàu vũ trụ và sự ra đi của 14 con tàu vũ trụ trong 12 tháng ở trên quỹ đạo. Ngoài ra, phần lớn thời gian phi hành gia Rubio dành cho các hoạt động khoa học. Ông cũng tham gia hai chuyến đi bộ ở ngoài không gian.
Nguồn: Abcnews, Livescience