Từ khi giá vàng chạm ngưỡng 80 triệu đồng một lượng, anh Tú như ngồi trên lửa bởi 6 cây vàng vay mua nhà đã đến ngày phải trả.
Năm 2018, người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội vay vàng của anh trai khi quyết định mua căn hộ tại quận Hà Đông. Khi đó anh nghĩ vay vàng thì “dễ tính toán hơn” vì giá cả ít biến động trong khi lãi suất ngân hàng hay biến động.
Kế hoạch trả nợ trong ba năm của anh Tú không thành do đại dịch. Giá vàng những năm qua cũng tăng nên anh xin hoãn trả. Cuối năm nay, anh trai cần tiền gấp nên không thể trì hoãn được nữa. Nhưng giá vàng tăng phi mã từ 36 triệu một lượng ở thời điểm vay lên 80 triệu đồng khiến số nợ ngày càng phình to khiến người đàn ông “méo mặt”.
“Từ chỗ chỉ cần trả gần 210 triệu đồng, giờ tăng lên 480 triệu đồng trong khi lãi suất ngân hàng lại giảm mạnh. Trả hết thì gia đình không đủ khả năng mà lại thất hẹn lần nữa anh em khó nhìn mặt nhau”, anh Tú nói.
Giá vàng “nhảy múa” những ngày qua cũng trở thành cơn đau đầu của các gia đình đang chuẩn bị tổ chức đám cưới cho người thân.
Đầu tháng 12, anh Đức Thành, 55 tuổi, ở Hà Tĩnh nhận tin con gái 19 tuổi đang làm ở Hà Nội phải cưới chạy bầu. Biết chuyện trăm năm của con không thể hoãn nhưng gần nửa năm nay anh nghỉ làm vì bệnh, chi tiêu trông cả vào 7 triệu đồng lương công nhân của vợ. Số tiền tiết kiệm của gia đình chỉ hơn 100 triệu đồng. Họ áng chừng số tiền này vừa đủ lo cỗ bàn còn trang sức làm hồi môn cho con chưa biết xoay xở từ đâu.
“Trao vàng cho con là cách để gia đình không lép vế trước thông gia, chứ ít quá dễ bị khinh, con về làm dâu lại thiệt thòi. Nhưng giá vàng có lúc vượt 80 triệu đồng một lượng thì gia đình tôi biết lấy ở đâu”, anh Thành nói.
Tâm trạng gần giống anh Thành, hơn một tháng nay, Hoàng Anh, 30 tuổi, ở TP HCM đon đáo chuẩn bị 7 chỉ vàng mừng cưới ba người bạn thân và em gái. “Ngày mình cưới, họ mừng bằng vàng, giờ mừng tiền mặt lại không hay. Sát ngày cưới mà tôi vẫn chưa mua vàng và cũng không đủ khả năng mua bởi mới đi làm sau gần một năm thất nghiệp”, Hoàng Anh nói.
Nỗi lo anh Tú, anh Thành hay Hoàng Anh giống khá nhiều người khác những ngày qua. Thống kê giá vàng miếng trong nước của SJC từ đầu tháng 12 đến ngày 25/12 dao động 73-76 triệu đồng một lượng, riêng ngày 26/12 vượt ngưỡng 80 triệu đồng. Đây là mức tăng kỷ lục của vàng miếng từ năm 2021. Ước tính mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 13 triệu đồng, gần 20% so với đầu năm.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết theo quy luật quý 4 hàng năm giá vàng đều tăng bởi nhu cầu cưới hỏi và sản xuất tiêu dùng được đẩy mạnh. Cuối năm nay giá vàng trong nước tăng vọt bất thường do ảnh hưởng giá vàng quốc tế, đồng USD suy yếu, bất ổn về địa chính trị và người dân có xu hướng coi đầu tư vàng là nơi trú ẩn trong bối cảnh bất động sản bất động, lãi suất ngân hàng thấp, đầu tư vào chứng khoán không ổn định. “Điều này khiến những người cần mua vàng gấp trước Tết để trả nợ, tổ chức cưới gặp khó bởi kinh tế ảm đạm, thất nghiệp và sa thải kéo dài”, ông Long nói.
Như với anh Tuấn Tú, việc đến hạn phải trả nợ nhưng tâm lý chủ quan “chắc chỉ tăng vài triệu đồng” nên không tích trữ khiến nay mất khả năng trả. Người đàn ông 40 tuổi dự định đưa trước một nửa, số còn lại sẽ tìm cách gửi lại trong thời gian sớm nhất. “Nếu anh chị không đồng ý, tôi sẽ cầm cố căn nhà đang ở bởi lãi suất ngân hàng còn hy vọng giảm, chứ giá vàng chỉ có tăng”, anh nói.
Không muốn vay vàng trả vàng do tài chính yếu, vợ chồng anh Đức Thành bàn tính đi thuê để đẹp mặt gia đình trong ngày cưới của con. Người đàn ông tiết lộ giá thuê một bộ nữ trang gồm hai kiềng và lắc tay khoảng một cây vàng tại một tiệm vàng cách nhà hơn 20 km khoảng 300.000 đồng một ngày. Sau đám cưới họ dặn con gái nói trước với chồng là “vàng nhà ai tặng thì người đó giữ” để có cớ mang trả.
“Gia đình tôi khó khăn nhưng vẫn muốn con gái được hãnh diện với nhà chồng và bạn bè xung quanh”, anh Thành tâm sự.
Thời gian gần đây, dịch vụ cho thuê vàng cưới ghi nhận lượng khách tăng. Chị Nguyễn Thị Loan, 55 tuổi, chủ một cửa hàng cho thuê trang sức cưới tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết lượng khách duy trì ở mức ổn định khi bắt đầu mở dịch vụ từ năm 2015. Nhưng sau hai năm dịch bệnh kết hợp với thời điểm giá vàng leo thang khiến nhu cầu thuê năm nay tăng hơn 30%. “Đặc biệt vào mùa cưới cuối năm, nhiều thời điểm cung không đủ cầu”, chị Loan nói.
Khách đến cửa hàng chị Loan đa phần là lao động nghèo hoặc sinh viên mới ra trường không có điều kiện kinh tế. Không chỉ người Hà Nội, người ở các tỉnh lân cận cũng tìm đến, giá thuê dao động 200.000-300.000 đồng một ngày. Thông tin khách hàng được bảo mật vì hiểu là chuyện tế nhị.
Một số chủ cửa hàng trang sức đá quý tại TP HCM cũng ghi nhận vào mùa cưới, khách thuê tăng đột biến. “Tùy từng bộ trang sức, mức giá thuê từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng”, chủ một tiệm vàng (đề nghị giấu tên) nói.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí MinhChuyện buộc phải mua vàng để trả nợ dù giá cao là lẽ đương nhiên nhưng bằng mọi cách phải có vàng chỉ để đẹp ngày cưới là điều không nên.
“Ngày nay họ đua nhau khoe nhà, xe, phô trương sự bề thế bằng lễ vật xa xỉ trong đám cưới. Đó cũng là hệ quả khiến nhiều người phải đi thuê vàng để thỏa mãn bệnh sĩ, vịn vào cớ sợ người ngoài đánh giá, chê nghèo hèn”, ông Đức nói.
Chuyên gia cũng khẳng định việc thuê vàng trong đám cưới không xấu nhưng không cần thiết, thiếu chân thực và dễ trở nên hợm hĩnh, đặc biệt trong giai đoạn giá vàng tỷ lệ nghịch với thu nhập.
“Thay vì sống lừa dối để thỏa mãn cái tôi, chúng ta nên đề cao sự chân tình và dành những lời chúc phúc cho đôi trẻ trong ngày trọng đại”, chuyên gia nói.
Ngoài người mua giải để phục vụ việc riêng, nhu cầu mua vàng tích trữ có xu hướng tăng. Các cửa hàng vàng uy tín tại Hà Nội cho biết từ ngày 26/12 đến nay nhiều thời điểm vàng miếng “cháy hàng”, sức mua các trang sức tăng 30% so với các năm trước.
PGS.TS Ngô Trí Long cảnh báo việc tích trữ, mua để đợi tăng giá ăn chênh lệch không bền vững bởi về lâu dài giá vàng trong nước sẽ biến động tăng giảm theo thế giới, nhưng dự báo không thể vượt đỉnh hơn 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc đầu cơ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi nhiều thời điểm giá vàng lên xuống 15 lần trong cùng một ngày, có giai đoạn giảm 3 triệu đồng một lượng, khiến người mua lỗ nặng.
“Thay vì găm vàng với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục lên cao, người dân nên tính toán đầu tư phù hợp với khả năng tài chính thay vì mù quáng chạy theo lợi ích, không nghiên cứu thị trường. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần kiểm soát sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, tránh đảo lộn đời sống dân sinh”, chuyên gia nói.
Quỳnh Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/meo-mat-vi-vang-tang-gia-4694102.html