Rất nhiều gia đình trong thế hệ ngày nay sinh 2 con. Bao giờ cũng vậy, bố mẹ cũng cho rằng con cái đều là máu mủ của mình, đều sẽ yêu thương, chăm sóc như nhau. Thế nhưng trong quá trình nuôi dạy, đã không ít người vô tình làm tổn thương những đứa trẻ của mình.
Vợ chồng chị Hoàng tại Trung Quốc luôn mong muốn có con thứ hai. Sau khi chính sách sinh con thứ hai tại đất nước này được nới lỏng, vợ chồng chị ngay lập tức lên kế hoạch sinh con. Họ muốn có thêm con trước là để gia đình có thêm thành viên mới, sau là để con trai cả của mình không quá cô đơn.
Khi chị Hoàng sinh con thứ hai, con trai lớn đã 10 tuổi. Cậu bé không nghĩ nhiều về việc cha mẹ mình sinh em, ngược lại còn rất vui vẻ.
Sau khi em bé chào đời, vợ chồng chị Hoàng vô cùng hạnh phúc và nâng niu, chăm sóc con nhỏ từng chút một. Bản thân người con trai lớn cũng rất vui vẻ, ngày nào cũng trêu chọc em. Vì chăm con nhỏ không hề dễ dàng, cần túc trực bên cạnh mọi lúc mọi nơi nên chị Hoàng dần không còn thời gian chăm sóc con trai lớn. Nhiều hôm không thể đón con, chị đã gọi điện cho giáo viên nhờ giúp con trai tự bắt xe buýt về nhà.
Sau khi về đến nhà, cậu bé không nói một lời, thay giày rồi đi vào phòng riêng. Lúc gọi con ra ăn tối mãi không được, chị Hoàng vào phòng mới biết hóa ra cậu bé đang khóc nức nở trên giường. Khi thấy mẹ, tất cả những gì đứa trẻ nói không phải than khóc, trách móc hay tức giận mà là câu: “Mẹ có thể ôm con một cái được không?”.
Chị Hoàng chợt bừng tỉnh bởi những lời nói của con trai mình và nhanh chóng ôm lấy con để xoa dịu cảm xúc của đứa trẻ. Suốt thời gian dài, sự vô tâm của vợ chồng chị đã gây ra tổn thương tâm lý nặng nề cho con trai mà không hề hay biết.
Thiên vị là hiện tượng xảy ra ở nhiều gia đình có nhiều con. Bố mẹ sẽ thường tập trung vào việc chăm sóc người con nhỏ của mình, đồng thời cho rằng con lớn hơn có thể tự mình giải quyết vấn đề. Nhưng trên thực tế, cho dù người con lớn bao nhiêu tuổi thì vẫn chỉ là một đứa trẻ và cần sự chăm sóc, yêu thương đúng mực mới có thể phát triển khỏe mạnh về mọi mặt.
Không thiên vị con cái là một kỹ năng tưởng đơn giản nhưng vô cùng khó với nhiều ông bố bà mẹ. Người lớn có thể cho rằng việc anh chị nhường em là chuyện bình thường và nên làm, nhưng dưới góc nhìn của trẻ em, đó có thể là sự bất công.
Bên cạnh đó, việc bố mẹ bớt quan tâm đến mình và tập trung vào em nhỏ cũng khiến con trẻ có cảm giác mình bị “ra rìa”, thậm chí nảy sinh cảm xúc tiêu cực như ghen tỵ với em. Trẻ nhỏ nhạy cảm và suy nghĩ nhiều hơn những gì người lớn hình dung. Chỉ một hành động nhỏ như quên đón con, chia thức ăn không đồng đều cũng có thể khiến trẻ tủi thân. Sau tất cả, đứa trẻ nào cũng cần được quan tâm. Nếu không thể yêu thương đồng đều tất cả các con như nhau thì tốt nhất bố mẹ nên cân nhắc thật kỹ về việc sinh thêm con.