01
Hạnh và Tùng chỉ có quãng thời gian tìm hiểu 3 tháng rồi tiến đến hôn nhân. Gia cảnh của Tùng không tồi, bố mẹ có của nả và lương hưu, cưới xong còn mua nhà cho đôi vợ chồng trẻ nên cô nhanh chóng kết hôn.
Sau khi cưới xong, Hạnh quay lại với công việc trong khi Tùng muốn nghỉ ngơi một thời gian. Tuy nhiên, nửa năm trôi qua mà anh vẫn chưa đi làm.
Tùng cũng có ý định đi xin việc song nhận bất cứ công việc gì cũng chỉ được vài hôm là bỏ. Hoặc là anh chán công việc, hoặc là bị cơ quan sa thải. Hễ không có tiền tiêu, Tùng lại xin bố mẹ.
Anh vô trách nhiệm với hôn nhân, bằng lòng với hiện tại. Cần tiền tiêu thì tìm mẹ, sau này bố mẹ bệnh tật quấn thân, tiền dùng để mua thuốc anh ta lại bắt đầu tìm đến vợ. Cuộc sống của anh được chăng hay chớ, chẳng có mục tiêu cũng chẳng thèm lo nghĩ tương lai thế nào.
Hạnh ngày nào cũng thuyết phục anh đi làm, nói nhiều quá thành ra hai bên cãi cọ với nhau khiến hôn nhân mâu thuẫn ngày một nhiều.
Tùng ngày càng thích ăn chơi, đêm về khuya, hội nhậu bạn bè gọi liên tục. Anh luôn cho rằng vợ không thấu hiểu, cuộc sống bí bách và ép buộc nhau quá. Hạnh chán đến mức muốn ly hôn nhưng lúc đó cô lại mang thai. Để đứa bé có gia đình trọn vẹn, cô chấp nhận thực tế và cố gắng tìm cách đưa hôn nhân quay về đúng hướng.
02
Sau khi sinh con, Hạnh nghĩ chồng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, Tùng chăm mình chưa xong nói gì đến việc lo cho một đứa trẻ.
Anh không đi làm, nghe lời bạn bè đòi hùn vốn làm ăn. Anh về nhà muốn vợ lấy tiền tiết kiệm ra đưa cho mình để góp với bạn. Hai vợ chồng lại cãi nhau to bởi Hạnh chẳng nhìn thấy tương lai nào ở cuộc hợp tác này.
Tùng lồng lên giận dữ, cho rằng Hạnh coi thường, không tôn trọng. Tiền đó phần lớn là tiền mừng cưới, nếu không đưa hết cũng phải chia đôi. Quá tức giận, Hạnh đưa 1 nửa số tiền cho chồng và đúng như cô dự đoán, Tùng mất trắng toàn bộ, người bạn cùng hợp tác thì biến mất.
Tùng về nhà xin lỗi, hứa hẹn với Hạnh. Bế con trên tay, cô chán nản tột cùng nhưng đồng ý để anh thay đổi vì con còn bé, bố mẹ chồng cũng già yếu quá rồi.
Được nửa năm “tu tỉnh” đi làm công nhân nhà máy, sau đó Tùng lại “hiện nguyên hình” bắt đầu tụ tập bạn bè, rượu chè suốt ngày. Toàn bộ tiền lương anh ta nướng hết vào chuyện đó. Hạnh chán cãi vã, cả hai chiến tranh lạnh rồi biến thành ly thân.
Vì còn con nhỏ nên Hạnh không muốn ly hôn mà cố gắng chịu đựng. Cuộc ly thân đó kéo dài cả chục năm. Tùng vẫn luôn sống vô trách nhiệm, thậm chí còn xin tiền trợ cấp của bố mẹ, khi túng thiếu quá thì giở trò, làm ầm ĩ để Hạnh đưa tiền.
Cuộc sống của cô bí bách và đau khổ nhiều năm. Chục năm ly thân, con cô cũng đã lớn, bố mẹ chồng qua đời, Hạnh cảm thấy mình già đi nhiều quá, cô quá mệt mỏi để bắt đầu làm những điều mới mẻ. Ở tuổi 45, cô mới dám mạnh mẽ đứng ra ly hôn, chấm dứt tất cả sự đau khổ trong cuộc đời.
03
Nhà văn Balzac nói: “Vợ chồng nên biết thông cảm cho nhau, từ đó bao dung và yêu thương nhau thì mới có thể duy trì hôn nhân hạnh phúc”.
Sau khi bước vào hôn nhân, nhiều người đàn ông không trưởng thành. Họ chỉ muốn tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu thay vì gánh vác trách nhiệm hôn nhân.
Với phụ nữ, đôi khi chỉ vì yêu nhầm người, không đủ tự tin để thay đổi cuộc sống đã biến hôn nhân của họ trở thành mớ bòng bong. Họ mắc kẹt sâu ở bên trong và không cách nào thoát ra được.
Một cuộc hôn trên bờ vực kết thúc mà không “ra đòn kết liễu” cho nó, âm thầm chịu đựng và thỏa hiệp thì đó mới là sự mù quáng, sự tàn nhẫn phụ nữ tự dành cho mình.
Bản năng của phụ nữ chính là sự hi sinh, nhiều lúc họ mải hi sinh nhiều quá mà quên mất đi bản thân. Đời người ngắn ngủi, họ lãng phí những may mắn của mình cho một cuộc hôn nhân chờ chực để đổ vỡ nhưng không dám ra tay.
Có câu nói thế này: “Hai người không còn yêu thì ở cùng nhau còn cô đơn hơn là ở một mình”.
Phụ nữ nếu cắn răng duy trì tổ ấm trên danh nghĩa khi hai bên đã cạn kiệt cảm xúc cũng là vô trách nhiệm với cuộc đời của mình. Phụ nữ đừng ngại ly hôn, hãy tự cứu mình để cuộc đời có thêm lựa chọn chứ đừng cố chấp giữ lại cuộc hôn nhân chỉ còn cái vỏ rỗng tuếch.