Giữa tháng 12 âm lịch, Bích Ngọc – nữ nhân viên văn phòng quê Gia Lai tranh thủ giờ nghỉ trưa để gửi đơn đăng ký tham gia đoàn xe máy về quê hôm 27 Tết.
Ngọc biết hành trình 400 km bằng xe máy không hề dễ chịu nhưng cô không còn cách nào khác. “Vé xe khách từ TP HCM về Gia Lai lên 500.000-600.000 đồng, đắt gấp đôi ngày thường cộng cước gửi xe máy từ 700.000 đồng, chiếm 1/5 số tiền tiêu Tết của tôi”, cô giải thích.
Năm ngoái, cô tìm được hội đồng hương Gia Lai qua mạng xã hội. Họ hẹn nhau về quê bằng xe máy. Từ đầu tháng 12 âm lịch mọi người tổ chức giao lưu offline để biết mặt nhau và lập kế hoạch chi tiết cho từng nhóm. Đến ngày đã hẹn, từng đoàn 30-50 người cùng nhau khởi hành với một đội dẫn đường và hỗ trợ những xe gặp sự cố.
“Tôi là con gái lại đi một mình nên cảm thấy cách về quê này an toàn”, Ngọc nói. Tết Giáp Thìn sẽ là lần thứ hai cô đi xe máy về quê.
Đã bốn năm, Lương Văn Tự, 26 tuổi, chọn cách đi xe máy về quê cùng đồng hương. Nam công nhân quê huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết lý do là anh bị say xe, sợ không gian hẹp nhồi nhét người trên các chuyến xe Tết. “Đi xe máy tôi được chủ động thời gian, tự do nghỉ ngơi, ăn uống trong hành trình”, Tự nói.
Một lý do khác là công việc của anh không biết trước ngày được nghỉ Tết nên khi mua vé xe khách sẽ đắt hơn hoặc thậm chí không có vé. Từ cuối 2019, anh gia nhập vào nhóm “về quê bằng xe máy” và tình nguyện giúp đỡ đồng hương.
Tự và Ngọc là thành viên Hội đi xe máy về Gia Lai có 3.000 thành viên. Theo khảo sát nhanh của VnExpress, trên các nền tảng mạng xã hội có hơn 20 nhóm rủ nhau về quê bằng xe máy, dao động từ 3.000 đến 22.000 thành viên. Họ là đồng hương các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, khởi hành từ TP HCM về quê.
Cận Tết, các nhóm hoạt động mạnh với khoảng 5-10 bài đăng một ngày, đa số trao đổi ngày giờ, cách thức di chuyển.
Anh Bảo Tuyền – người sáng lập Hội đi xe máy về Gia Lai, cho biết thành viên của nhóm chủ yếu là sinh viên, công nhân, gia đình có con nhỏ hoặc lao động trên 50 tuổi.
“Nhóm hoạt động dựa trên tiêu chí tình nguyện, hỗ trợ lẫn nhau không phải tổ chức từ thiện hay nhóm phượt”, anh Tuyền nói. Mỗi đoàn thường có 40-120 xe máy, tùy vào thời điểm. Số lượng tăng mạnh nhất vào hai ngày 27 và 28 tháng Chạp.
Đoàn xuất phát từ điểm tập trung ở TP HCM, di chuyển qua Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk rồi đến Gia Lai. Hành trình 400 km sẽ kéo dài 12-14 tiếng, tùy theo tình hình giao thông.
Anh Võ Trần Lam, 31 tuổi, là quản trị viên nhóm “Đi xe máy về Đắk Lắk” cho biết 40% thành viên đăng ký là người không mua được vé xe khách về vì nhiều lý do.
Anh đã mở đơn đăng ký từ đầu tháng 1/2024, gồm 9 đợt về quê kéo dài từ 20 đến 29 tháng Chạp, đến nay đã hơn 1.000 người. Ban tổ chức sẽ nhận thông tin, tên, tuổi, địa chỉ nhà và hỗ trợ ghép xe cho những người có nhu cầu.
Nhóm của Lam có đội tình nguyện hỗ trợ khoảng 200 người chia đều cho các ngày. Đoàn di chuyển theo nguyên tắc một hàng, tốc độ dưới 60 km/h, khu vực đông dân cư là 40 km/h. Mỗi đợt từ 30-50 xe, sau 27 Tết có trên 100 xe. Người tham gia phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn về tốc độ, không được vượt lên trước dẫn đoàn.
Thạc sĩ Bùi Thị Minh Hà – giảng viên Xã hội học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết hiện tượng lao động ngoại tỉnh đi xe máy từ các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội về quê ngày càng phổ biến bởi nhiều nguyên nhân.
Đợt bùng phát Covid-19, ở các đô thị lớn ghi nhận số lượng lớn người về quê bằng xe máy bởi các phương tiện công cộng hạn chế. Hậu đại dịch, người lao động đối mặt với đợt suy thoái kinh tế, thu nhập giảm mạnh hoặc mất thu nhập. Họ buộc phải tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu, trong đó tiền xe khách.
Bên cạnh đó, bà Hà cho rằng lựa chọn của nhóm người trẻ độ tuổi 20-30 về quê ăn Tết bằng xe máy. Họ muốn ngắm cảnh và trải nghiệm các cung đường, xem đây như “chuyến du lịch” cuối năm. Ở nhóm này, sức khỏe họ vẫn còn tốt cho những chặng đường dài.
Như Quỳnh, 19 tuổi, sinh viên một trường đại học ở TP HCM thừa nhận mình không gặp khó khăn trong việc mua vé xe khách nhưng đã 6 lần chọn về quê bằng xe máy.
“Tôi thích trải nghiệm không khí se lạnh và cảnh đẹp trên đường về nhà”, Quỳnh nói. Hạn chế duy nhất cô gặp phải là quà Tết mua về nhà phải được gửi xe khách từ trước để tránh cồng kềnh.
Còn Thanh, 22 tuổi, nhân viên văn phòng nói các đoàn thường khá đông, số lượng hơn 100 người nên đội hỗ trợ khá vất vả. Thanh cho rằng vé máy bay Tết đang quá tầm tay với người mới ra trường như anh, còn xe khách đặt rất khó khăn. Quê anh ở thị trấn Buôn Trấp, Đắk Lắk xa trung tâm thành phố, ít chuyến ghé ngang, không đủ phục vụ nhu cầu về quê người dân.
Chuyên gia xã hội học cho biết, hàng trăm đoàn về quê xe máy đợt Tết đặt ra vấn đề về quản lý giao thông và hỗ trợ người dân cho nhà chức trách.
“Phương tiện về quê là sự lựa chọn của mỗi người, không thể hạn chế”, bà Hà nói. Tuy nhiên, người dân cần được hỗ trợ thông qua việc thành lập các bốt khẩn cấp (trường hợp té ngã, hư xe), hoặc thức ăn, nước uống dọc đường.
Đây là hoạt động mang tính tập thể trên tinh thần tương trợ. Đoàn cần những người dẫn có kinh nghiệm về phương hướng, sửa chữa xe lẫn mang theo thuốc cần thiết.
Cận Tết Giáp Thìn, Bảo Tuyền họp nhóm chia thành các đội nhỏ 5 người đi kèm các đợt về quê. Họ có nhiệm vụ đi cùng người dân đến địa phận tỉnh Gia Lai. Năm ngoái, những gia đình có con nhỏ và người trên 60 tuổi tự chạy xe được hỗ trợ thêm tiền xăng.
“Tết là thời điểm để trở về nhà”, Thanh nói. “Chúng tôi không muốn bỏ bất kỳ ai ở lại”.
Ngọc Ngân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lap-nhom-di-xe-may-ve-tet-4704053.html