Dạo gần đây, có rất nhiều câu chuyện bỏ phố về quê vì áp lực của cuộc sống. Một năm kinh tế biến động, nguồn thu nhập ở các thành phố lớn cũng không được dồi dào như xưa. Theo đó, áp lực tài chính đè nặng lên những người trẻ mới ra trường ngày càng nặng. Cảm thấy quá mệt mỏi với việc kiếm kế sinh nhai, Hoài Thương (23 tuổi, Nam Định) quyết định bỏ phố về quê một vài năm để làm việc. “Cuộc sống ở quê khá đơn giản, tiền kiếm được ít hơn nhưng chi tiêu cũng ít hơn thành phố rất nhiều.”
Kiếm chưa đến 200k/ngày từ sau khi chuyển việc về quê
Là một sinh viên vừa nhận bằng kỹ sư ra trường, Hoài Thương đã ứng tuyển vào một công ty xây dựng ở Hà Nội. Chuyên ngành của cô nàng là Kinh tế xây dựng, mức lương dao động từ 8-15 triệu đồng. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, nên Thương chỉ kiếm được công việc trả lương khoảng 10 triệu/tháng: “Lương thấp nhưng áp lực công việc nhiều hơn mức mình nghĩ!”
Không chỉ nhận việc tại văn phòng, thỉnh thoảng Hoài Thương còn phải theo chân sếp đi gặp khách hàng. Liên tục quây quần trong dự án khiến cô nàng cảm thấy kiệt quệ: “Nếu không chăm chỉ, khả năng được nhận dự án trực tiếp là rất thấp. Nhiều bạn bè của mình nhận tấm bằng giỏi, nhưng đến bây giờ vẫn lông bông, không kiếm nổi một công việc ổn định.”
Vừa mới ra trường chưa thể đảm đương được cường độ công việc cao như thế, Thương suy nghĩ đến việc từ bỏ: “Với mức lương quanh quẩn 10 triệu đồng, quả thực chỉ đủ để mình tiêu. Rất khó để có thể tiết kiệm được tiền. Vậy nên, không dưới 3 lần mình nhen nhóm ý định về quê.” Vì gia đình có mở một quán ăn nhỏ, nên nếu về quê, Thương có thể vừa xin việc, vừa phụ giúp gia đình chút ít.
Mẹ Hoài Thương cũng từng nói: “Tháng kiếm được 10 triệu mà vất vả thế hả con? Về nhà làm thuê mẹ trả mày hơn số đó.” Tuy chỉ là lời nói đùa, nhưng cũng động viên cô nàng bỏ phố về quê.
“Làm việc tại công ty khoảng 6 tháng, mình quyết định nghỉ việc để về quê. Sau đó mình xin việc vào một công ty nhỏ, lương cũng chỉ khoảng 6-7 triệu đồng, làm đủ 28 ngày. Chưa kể thời gian tăng ca. Tính ra là chưa nổi 200k/ngày đó. Nhưng mình lại thỏa mãn với mức thu nhập này.”
Về quê chi tiêu thế nào?
Miêu tả cuộc sống hiện tại của Hoài Thương một chút: 3 bữa cơm mẹ nấu, không cần lo tiền nhà mỗi cuối tháng, ngày đi làm tối về phụ mẹ. Cuộc sống không còn nhiều áp lực cơm áo gạo tiền như trước nữa. Nhưng Thương không tính đây là dự định lâu dài: “Bỏ phố về quê chỉ là để mình có thể nghỉ ngơi một chút. Không phải là dự định tương lai của mình.” Thương hiểu rõ một điều, ngành của cô đang theo đuổi chỉ có khả năng phát triển ở thành phố lớn. Về quê hoàn toàn không có khả năng phát huy. Vậy nên, cô nàng cũng chỉ sinh sống và làm việc ở quê một vài năm.
“Nhiều bạn bè cũng bất ngờ với quyết định này của mình. Người thì lắc đầu tiếc nuối, vì mình bỏ lỡ tuổi trẻ. Có bạn thì lại động viên và ủng hộ quyết định này. Nhưng hầu như các bạn đều quan tâm đến vấn đề: Lương thấp như thế có đủ sống hay không?” – Và Hoài Thương khẳng định là: Đủ!
Không cần chi tiêu quá nhiều cho những khoản tiền phát sinh, cuộc sống ở quê chi tiêu chỉ xoay quanh: Tiền cơm ăn áo mặc và nhu cầu cá nhân. Nhu cầu càng ít, càng không tốn tiền. “Một tháng mình gửi mẹ 2 triệu cho tiền ăn, số còn lại mình để tiết kiệm và tiêu xài cho những thứ cần thiết. Ở chung với gia đình nên gần như ba mẹ lo hết rồi. Nhà mình còn mở quán ăn nữa nên rất tiện. Kiếm được ít nên mình cũng chẳng sắm sửa gì nhiều.” Lương 6-7 triệu/tháng nhưng Thương vẫn còn dư để tiết kiệm.
Bỏ phố về quê có lẽ là quyết định khiến nhiều người “đánh giá”, nhưng Thương không quan tâm nhiều đến vậy: Bỏ ra một ít thời gian để hiểu rõ mình cần gì và học được cách trân trọng mọi thứ hơn, điều này rất đáng giá!