Ai trong chúng ta cũng có ước muốn sống lâu trăm tuổi. Theo quan điểm của ông Hồng Chiêu Quang – Chuyên gia giáo dục sức khỏe nổi tiếng Trung Quốc và là giáo sư của Bệnh viện Anzhen Bắc Kinh, 100 năm cuộc đời có thể chia thành 3 giai đoạn: Trước tuổi 30 là thanh niên, từ 30-60 tuổi là trung niên và khi đã qua 60 thì sẽ là người cao tuổi. Cũng theo giáo sư này, “trạng thái cơ thể tuyệt vời nhất là khi đã 70, 80 tuổi nhưng không có bệnh tật, 90 tuổi vẫn khỏe mạnh”.
Đa số mọi người sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60. Lúc này, chúng ta không còn áp lực công việc, có nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống. Sau 80 tuổi, chỉ cần bạn chăm sóc bản thân thật tốt thì sẽ có thể duy trì trạng thái ổn định như vậy trong suốt 20 năm, bình an vô sự cho đến 100 tuổi. Nhưng nếu mắc bệnh mãn tính trước 60 tuổi thì rất có thể khi về già, bạn sẽ đau bệnh triền miên, chịu những cơn đau về cả thể xác lẫn tinh thần.
Từ năm 1992, Tiến sĩ Hiroshi Nakajima, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định rằng: “Nhiều người không chết vì bệnh tật mà chết vì thiếu hiểu biết. Bệnh do lối sống là thủ phạm giết chết con người đầu tiên, và lối sống lành mạnh chính là vaccine phòng bệnh tốt nhất”. Còn vào năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra: Lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm 80% khả năng mắc bệnh tim mạch, bệnh về não, tiểu đường loại 2, 50% bệnh ung thư và kéo dài tuổi thọ trung bình của 1 người lên đến 10 năm.
Sống thọ đồng nghĩa với việc phải có sức khỏe tốt. Vậy nên theo chuyên gia Hồng Chiêu Quang, con người muốn sống thọ thì nên tuân thủ 6 “không” sau đây:
1. Không mặc kệ “bụng béo”
Nếu tăng cân liên tục, vùng đùi và mông sau khi bị quá cỡ, không thể to thêm được nữa thì mỡ sẽ chuyển xuống dạ dày. Vậy nên vùng bụng được coi là “trung tâm béo phì”.
Năm 2016, một bài báo đăng trên Tạp chí Y học New England đã chứng minh rằng mỡ thừa có liên quan đến sự xuất hiện của 13 bệnh ung thư khác nhau. Với một loạt những mối nguy hiểm đến cơ thể bị béo phì như vậy, hiển nhiên tuổi thọ trung bình của một người mắc bệnh này sẽ không thể kéo dài đến 100 tuổi. Vậy nên hãy nhớ 1 câu: Bụng càng to, tuổi thọ càng ngắn. Đừng để bản thân phải hối hận vì thói quen ngồi quá nhiều hay ăn uống sa đà, mặc kệ cân nặng.
2. Không để “bộ ba nguy hiểm” gây đột tử
Mặc dù đột tử là trường hợp chẳng thể lường trước được nhưng không phải là không có lý do. Giáo sư Hồng Chiêu Quang đã tổng kết “bộ ba nguy hiểm” cần phải tránh: mùa đông, rượu bia và lao lực.
Đầu tiên là mùa đông, thời tiết lạnh giá khiến cho huyết áp tăng cao dẫn đến bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ càng trầm trọng. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây đột tử, nhất là ở những người độ tuổi trung niên.
Thứ 2 là chất kích thích như rượu, bia. Người mắc bệnh tim mạch, mạch máu não sợ nhất là ăn no, nếu uống thêm rượu thì không chỉ huyết áp và nhịp tim tăng mà nghiêm trọng hơn là gây xơ vữa động mạch, hình thành huyết khối. Ngoài ra, trạng thái say xỉn cũng dễ dẫn đến tình trạng bị nhồi máu cơ tim. Khi diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới ở Nam Phi hồi năm 2010, nhiều người hâm mộ bóng đá đã thức khuya để xem giải và uống rượu say. Thời gian này, số ca nhồi máu cơ tim cấp tính được đưa vào phòng cấp cứu đã tăng khoảng 40% và hầu hết trong số họ là những người trung niên, khác hẳn so với với sự gia tăng bệnh nhân nhồi máu cơ tim vào mùa đông ở những người cao tuổi.
Tiếp theo là lao lực. Cường độ công việc cao, làm việc trí óc căng thẳng hoặc lao động chân tay quá sức dẫn đến các trường hợp thanh niên trẻ tuổi đột tử trong khi đang làm việc. Hiển nhiên cơ thể ai cũng có giới hạn chịu đựng, và một khi vượt qua giới hạn đó thì các cơ quan chức năng trong cơ thể bị quá tải, chẳng khác nào “giọt nước tràn ly” có thể dẫn đến đột tử.
Bộ ba nguy hiểm này không chỉ liên quan chặt chẽ đến sự khởi phát của các bệnh cấp tính về tim và mạch máu não mà còn liên quan mật thiết đến nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư dạ dày và các bệnh mãn tính. Bởi những thói quen này làm giảm mạnh khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho mọi bệnh tật sinh sôi.
3. Không tiêu cực
50% vấn đề sức khỏe là sức khỏe tinh thần, 50% các bệnh tật là bệnh về tâm lý. Nói cách khác, trạng thái tinh thần tốt là chìa khóa để sống khỏe mạnh, hạnh phúc, là liều vắc-xin hữu ích hơn bất cứ loại thuốc nào.
Giáo sư Hồng Chiêu Quang cho biết, khi điều tra trải nghiệm trường thọ của những người trăm tuổi, người ta nhận ra bên cạnh chế độ ăn uống, tập luyện và lối sống lành mạnh, họ đều có điểm chung là tâm lý tốt. Có thể thấy, điều quan trọng nhất của việc giữ gìn sức khỏe là dưỡng tâm. Khi bạn cảm thấy thoải mái, bạn sẽ ăn ngon, cười nhiều hơn, cách nhìn vạn vật xung quanh cũng đầy phóng khoáng. Những cụ già trăm tuổi đều là những người có tấm lòng cởi mở, dễ gần và tốt bụng, không ai có tính khí hẹp hòi, nóng nảy hay cố chấp cả.
Vì vậy, cố gắng đón nhận mọi thứ một cách tích cực, thả lỏng để lòng rộng mở, mỗi ngày đều vui vẻ, tâm trạng tốt thì cuộc sống sẽ dễ thở hơn, tuổi thọ cũng kéo dài hơn.
4. Không duy trì thói quen “bất động”
Nếu bạn muốn khỏe mạnh, bạn phải ghi nhớ rằng tập thể dục không phải là nhiệm vụ mà là một phần của cuộc sống. Và vận động phải là niềm vui, sự thích thú đầy cảm hứng.
Bài tập tốt nhất là đi bộ. Đi bộ rất tốt cho huyết áp, cholesterol và trọng lượng cơ thể, đồng thời có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí khắc phục động mạch máu bị xơ cứng, hạ lipid máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường, làm cho đầu óc minh mẫn, ngăn ngừa bệnh Alzheimer, khiến cơ thể thư giãn, thoải mái, tâm trạng cũng thư thái vui vẻ.
(Theo Toutiao)