Thông thường trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết các công việc chăm sóc con cái đều do mẹ và bà đảm nhiệm. Trong khi đó, trụ cột gia đình là người bố sẽ ra ngoài kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lý do khiến các ông bố “ngại” nuôi dạy con như: thiếu kiến thức về chăm sóc, giáo dục con; hầu như không hiểu gì về tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ; thiếu kiên nhẫn khi dạy con, hay nổi nóng, đánh mắng con mỗi khi không vừa ý..
Tuy nhiên, một nghiên cứu theo dõi kéo dài 15 năm được thực hiện bởi Đại học Yale cho thấy những đứa trẻ được người bố nuôi dưỡng có nhiều khả năng khỏe mạnh, thông minh, thành công trong học tập và xã hội hơn so với những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi mẹ và bà.
Một nghiên cứu khác kéo dài 12 năm của Đại học Harvard của Mỹ cũng cho thấy những đứa trẻ được cha nuôi dạy có chỉ số IQ cao hơn. Ngay cả trong những gia đình đơn thân, trẻ do người bố nuôi dạy cũng có sự phát triển về thể chất và tinh thần tốt hơn.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt này?
1. Bên bố, trẻ sẽ được trang bị nhiều kiến thức thực tế hơn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em được nuôi dưỡng bởi người bố sẽ có IQ cao hơn và có khả năng thành công hơn trong tương lai. Lý giải cho điều này, các chuyên gia đã giải thích rằng người mẹ thường muốn con cái ngoan ngoãn, nghe lời, trong khi đó, người bố lại muốn con mình có một tinh thần ham học hỏi, thích khám phá.
Cụ thể, nếu như cho con đi chơi ở công viên, các bà mẹ thường để con ở mặt đất phẳng. Trong khi đó, các ông bố sẵn sàng để con chạy nhảy đuổi bắt, leo trèo khắp nơi. Những hoạt động trên rất tốt cho trẻ, giúp trẻ có thể lực tốt và luôn tràn đầy năng lượng. Hơn thế, việc để trẻ tự do khám phá thế giới sẽ kích thích hệ thống thần kinh trung ương của não bộ. Từ đó ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của trẻ. Chính nhờ điều này mà trẻ sẽ hứng thú hơn với việc nạp thông tin và kiến thức, từ đó có chỉ số IQ và EQ cao hơn.
2. Bố sẽ giúp trẻ sống kỷ luật và mạnh mẽ hơn
Các chuyên gia cho rằng cách dạy con của các ông bố thường có phần cứng rắn và nghiêm khắc hơn các bà mẹ. Khi trẻ phạm sai lầm, người bố sẽ chỉ ra lỗi sai của con, đôi khi sẽ có những hình phạt phù hợp để dạy trẻ nhận ra sai lầm và uốn nắn để trẻ không tiếp tục tái phạm. Dưới sự giáo dục của người bố, trẻ cũng sẽ có tính kỷ luật cao hơn, dũng cảm đối mặt với vấn đề tốt hơn, tâm lý cũng sẽ vững hơn. xử lý những khủng hoảng trong mối quan hệ cá nhân cũng tốt hơn, vì vậy trẻ có thể tự tin hơn khi ra ngoài xã hội.
3. Trẻ được bố nuôi dạy sẽ độc lập hơn
Trong cuộc sống, hình ảnh người bố, người cha trong mắt con cái thường độc lập và mạnh mẽ nên điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái. Dưới cách nuôi dưỡng của người bố, con cái cũng tự lập hơn và ít có tư tưởng dựa dẫm vào người khác. Người bố thường vẫn để con mình tự giải quyết vấn đề của bản thân một cách độc lập, ít hay chiều chuộng con cái vô tội vạ. Tính cách độc lập ở một đứa trẻ chắc chắn sẽ tạo thành khoảng cách rất lớn so với những đứa trẻ khác. Trẻ có được tính cách mạnh mẽ và độc lập sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Dẫu vậy trong gia đình, dù ai là người nuôi dạy những đứa trẻ trở nên thông minh hơn thì trẻ vẫn vẫn cần sự đồng hành của cả bố và mẹ để phát triển một cách toàn diện nhất. Cha mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian bên con để chăm sóc và nuôi dưỡng con thành tài.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ai-nuoi-day-tre-thong-minh-hon-nghien-cuu-cua-dh-harvard-khong-phai-me-hay-ba-day-moi-la-nguoi-nuoi-con-co-iq-eq-cao-hon-188240811184404528.chn