Bài chia sẻ của một tác giả được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý.
***
Tôi có một người em họ, mới tốt nghiệp đại học được vài năm nhưng đã đổi công việc hơn 10 lần. Không có công việc nào kéo dài hơn nửa năm.
Theo lời em ấy nói thì do em không tìm được công ty tốt. Những lời em nói nghe rất hợp lý, nhưng chỉ có một số vấn đề đúng là do công ty, còn phần lớn lại là do chính bản thân em.
Nếu không thay đổi những thói quen xấu và không nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót của bản thân, dù có đổi bao nhiêu công việc cũng vô ích.
Dù bạn làm việc ở đâu, để con đường sự nghiệp diễn ra thuận lợi, phát triển thành công hơn, bạn có thể tham khảo 6 nguyên tắc quan trọng dưới đây.
1. Quy tắc thứ nhất – Không lơ là trong công việc
Một ông chủ doanh nghiệp đã tiến hành một cuộc cải tổ lớn tại doanh nghiệp của mình khi phát hiện rằng mỗi tháng có rất nhiều nhân viên gian lận chấm công. Nhiều nhân viên lâu năm đang ở trong trạng thái nửa nghỉ hưu, mỗi ngày làm việc nhàn nhã nhưng vẫn hưởng lương cao.
Ông chủ này đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những người này, thậm chí một số người đã bị sa thải. Sau đó, công ty này đã sa thải không ít nhân viên có hiệu suất kém kéo dài nhưng không chịu cố gắng làm việc chăm chỉ.
Bản chất của doanh nghiệp là kiếm tiền và tạo ra lợi nhuận, họ sẽ không bỏ tiền ra để thuê những người lười biếng, làm việc không hiệu quả.
Đối với cá nhân, nếu làm việc chểnh mảng, sớm muộn gì cũng sẽ bị đuổi việc. Trong công việc, cần giữ cảm giác khủng hoảng, luôn nhắc nhở bản thân không được lơ là, phải nỗ lực phấn đấu.
Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nếu bạn còn một công việc ổn định và đơn vị vẫn trả lương đúng hạn, bạn càng phải biết trân trọng và làm việc chăm chỉ hơn để đảm bảo mình không bị đuổi việc, rơi vào trạng thái thất nghiệp.
2. Quy tắc thứ hai – Làm cho bản thân có giá trị: “Khi bước vào một ngành, đừng chỉ suy nghĩ về việc kiếm tiền, hãy học cách làm cho bản thân trở nên đáng giá trước”
Công ty nọ đã tuyển một nhân viên là Tiểu An. Khi mới vào công ty, cả đối tác lẫn giám đốc dự án đều không đánh giá cao Tiểu An , vì thế đãi ngộ dành cho cậu cũng không tốt.
Nhưng Tiểu An chăm chỉ học hỏi, mỗi ngày là người cuối cùng rời khỏi công ty. Cậu đặt báo thức cho mình, dậy lúc 6:30 sáng để học quản lý và kiến thức tư vấn qua các nền tảng khác nhau.
Đến năm thứ 3, Tiểu An đã có thể đảm nhiệm công việc một cách độc lập, trở thành quản lý dự án và đạt mức lương 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng) mỗi năm.
Có một câu nói rất hay: “Làm việc để kiếm tiền sớm muộn gì cũng có lúc không còn giá trị, làm việc để tăng giá trị cho bản thân, sớm muộn gì cũng sẽ kiếm được tiền”.
Kiếm tiền tất nhiên rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm cho bản thân trở nên có giá trị.
Mọi người đều biết vàng sẽ tỏa sáng, nhưng hầu hết đều chỉ nghĩ về cách để tỏa sáng, ít người nghĩ về cách trở thành vàng.
Những ai có thể kiếm được tiền đều đã trải qua giai đoạn tự rèn luyện để nâng cao giá trị bản thân.
Khi bước vào một ngành nghề, lĩnh vực nào đó, đừng vội nghĩ đến việc kiếm tiền, mà hãy học cách làm cho bản thân trở nên có giá trị.
Khi bạn có giá trị, tiền sẽ tự tìm đến bạn, còn nếu bạn không có nhiều giá trị, ví tiền của bạn cũng sẽ luôn rỗng.
3. Quy tắc thứ ba – Ngừng phàn nàn: “Không có ngành nghề nào kiếm tiền dễ dàng”
Trên đời này, không có công việc nào là không vất vả.
Mỗi công việc đều có những điều không vừa ý và đằng sau mỗi công việc là rất nhiều áp lực.
Phàn nàn chẳng khác nào tự đổ nước vào giày mình, càng phàn nàn, bản thân càng cảm thấy khó chịu.
Một nhà văn từng nói, phàn nàn là hành động tiêu tốn năng lượng nhất nhưng lại vô ích nhất.
Tỷ phú Kazuo Inamori từng nói: “ Cho dù bạn có phàn nàn bao nhiêu và cảm thấy bất mãn thế nào, điều quan trọng nhất bây giờ là làm tốt công việc của mình, đây là tâm lý mà một người trưởng thành nên có”.
Thay vì nguyền rủa bóng tối, hãy thắp sáng một ngọn nến.
Thực ra, đằng sau mỗi lời phàn nàn có vẻ hợp lý đều tồn tại một sự lựa chọn tốt hơn, đó là thay đổi hiện trạng và hành động thay vì phàn nàn.
Biến cảm xúc phàn nàn thành động lực để vươn lên mới chính là dấu hiệu lớn nhất của sự trưởng thành.
4. Quy tắc thứ tư – Đừng sợ bị trách mắng: “Không có công việc nào suôn sẻ hoàn toàn”
Nếu bạn chưa từng chịu ấm ức trong công việc, thì chắc hẳn bạn chưa từng đi làm.
Không có công việc nào là không có bất bình, không có ấm ức, bạn có nỗi khổ của bạn, tôi có nỗi buồn của tôi.
Không ai trong công việc mà không chịu ấm ức, đôi khi, bạn phải chịu đựng sự tức giận của sếp, sự mỉa mai của đồng nghiệp và cả sự nóng nảy của khách hàng.
Công việc của chúng ta không giống nhau, nhưng áp lực và ấm ức mà chúng ta chịu đựng là giống nhau.
Điều duy nhất chúng ta có thể làm là rèn luyện một trái tim mạnh mẽ, có thể chịu đựng được mọi sự phê bình.
Khi bạn muốn từ bỏ công việc hoặc cảm thấy quá ấm ức, hãy nhủ với bản thân rằng: Những nỗi ấm ức bạn từng phải trải qua, một ngày nào đó trong tương lai, sẽ giúp bạn tỏa sáng rực rỡ.
5. Quy tắc thứ năm – Thái độ là trên hết: “Chỉ khi thay đổi thái độ làm việc của bản thân, bạn mới có thể đạt đến tầm cao trong sự nghiệp”
Trước khi trở thành giám đốc nổi tiếng, một nhân vật nọ, khi mới gia nhập công ty cũng có cuộc sống như bao nhân viên văn phòng bình thường khác. Điều khác biệt so với các đồng nghiệp là anh làm việc cẩn thận và tận tâm hơn.
Có một lần, ông chủ yêu cầu mọi người đi đến 12 thành phố để khảo sát thị trường. Nhiều đồng nghiệp thấy rằng công việc quá vất vả, chi phí lại thấp, nên chỉ đến vài thành phố rồi quay về báo cáo. Chỉ riêng anh đi hết tất cả các thành phố và thực hiện khảo sát chi tiết từng nơi.
Ông chủ rất hài lòng với thái độ làm việc này và nhận thấy anh là người đáng tin cậy, sau đó đã giao cho anh những nhiệm vụ quan trọng.
Nhiều người luôn có tâm lý nghĩ rằng mình làm việc là cho ông chủ, cho công ty, nhưng thực ra làm việc là làm vì chính bản thân mình.
Nếu bạn coi công việc là một phương tiện kiếm tiền, làm qua loa thì 10 năm bạn cũng sẽ chẳng có sự tiến bộ nào.
Nếu bạn coi công việc như một sự nghiệp để phấn đấu, thì kinh nghiệm tích lũy, kỹ năng bạn nắm vững sẽ trở thành lợi thế khi bạn tìm kiếm cơ hội thăng tiến mới.
Thay đổi cuộc đời bắt đầu từ việc thay đổi thái độ làm việc.
Hãy từ bỏ suy nghĩ chỉ làm thuê, hãy coi công việc như sự nghiệp của chính mình, đó là bước đầu tiên để công việc của bạn phát triển hơn.
6. Quy tắc thứ 6 – Làm nhiều việc thực tế: “Nguyên nhân khiến mọi người mệt mỏi chỉ có một: Nghĩ quá nhiều thay vì tập trung làm việc”
Trong công việc, điều kiêng kỵ nhất chính là suy nghĩ quá nhiều, lo lắng vì mọi thứ.
Bất kể bạn đang làm việc ở đâu, hãy nhớ một từ – “Làm việc”.
Trong công việc, thử thách và khó khăn là điều bình thường. Điều thực sự khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi lại không phải là bản thân công việc mà là sự tiêu hao về tinh thần.
Từ hôm nay, hãy buông bỏ những suy nghĩ, lo lắng rắc rối không cần thiết, ngừng suy nghĩ quá mức.
Thu hẹp sự tập trung, ít suy nghĩ vẩn vơ, hành động cụ thể hơn, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết một cách dễ dàng.
“Những con đường bạn đã đi qua, những sự trưởng thành vụng về và chậm chạp sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên độc lập và phong phú hơn; Những ngày rèn luyện không ngừng sẽ trở thành sức mạnh để bạn chiến đấu”.
Nếu bây giờ bạn cảm thấy khó khăn, điều đó rất bình thường, bởi vì bạn đang đi trên con đường thăng tiến. Khi bạn vượt qua được khó khăn, vất vả của công việc, bạn sẽ có được cuộc sống mà mình mong muốn.
Theo Toutiao
Nguồn tin: https://cafef.vn/du-lam-viec-o-dau-nam-long-6-quy-tac-su-nghiep-at-suon-se-thang-tien-khi-buoc-vao-mot-nganh-nghe-nao-do-dung-voi-nghi-den-viec-kiem-tien-188241015143017227.chn