Trong thế giới internet phát triển, những kẻ lừa đảo đã tận dụng những khoảng trống để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Điều đáng nói là chúng thường sử dụng những chiêu trò rất tinh vi, khiến nhiều người mắc bẫy. Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán sắp đến cũng là thời điểm lừa đảo trực tuyến diễn ra nhiều hơn.
Cuộc gọi bất thường
Ngày 5/1, công an Hoàng Phố (Thượng Hải) nhận được tin báo về việc một cụ bà nghi bị lừa đảo qua mạng. Nạn nhân là bà Chu, bà sở hữu 14 triệu NDT (khoảng 48,5 tỷ đồng). Theo lời bà Chu, những kẻ lừa đảo đã điều tra trước về bà. Sau đó, chúng gửi tin nhắn, nói rằng bà đã đăng ký gói viễn thông VIP, phí hàng tháng là 800 NDT (khoảng 2,7 triệu đồng), như vậy một năm là 9.600 NDT (khoảng 33 triệu đồng).
Quá lo lắng, bà Chu đã gọi điện với người tự xưng là nhân viên nhà mạng. Người này nói rằng có thể giúp bà hủy gói VIP đó thông qua một phần mềm. Sau khi giành được sự tin tưởng của bà Chu, kẻ lừa đảo bắt đầu thực hiện thao tác điều khiển từ xa. May mắn là 14 triệu NDT của bà đều được dùng để đầu tư, phải rút tiền từ các nền tảng tài chính rồi mới có thể chuyển đi. Vì vậy, việc chuyển tiền cần một khoảng thời gian. Trước đó, do tin tưởng đối phương, bà đã cung cấp toàn bộ thông tin 4 thẻ ngân hàng và mật khẩu cho kẻ lừa đảo. Khi cảnh sát phát hiện, chúng đang tiến hành rút tiền từ các thẻ này.
Cảnh sát ngay lập tức gọi điện cho ngân hàng để khóa 4 thẻ ngân hàng của bà Chu. May mắn là, số tiền của bà vừa bị đánh cắp đã được ngân hàng hỗ trợ lấy lại. Hiện, vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra để tìm ra kẻ đứng sau.
Lưu ý khi nhận thấy có dấu hiệu lạ
Có thể nói, sự việc xảy ra với bà Chu đã diễn ra tương tự với nhiều nạn nhân khác. Không ít người đã bị mất tiền vì một phút lơ là cảnh giác.
Nhìn chung, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo không còn mới, đó là thông qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại cho người bị hại biết rằng tiền của họ có thể bị trừ vì nhiều lý do khác nhau. Hiện nay chủ yếu là dùng hình thức đe dọa hoặc dụ dỗ, sau đó chúng sẽ thực hiện hành vi “giúp đỡ”. Đây chính là bước đầu tiên khiến người ta rơi vào bẫy. Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ khiến đối tượng bị lừa từng bước làm theo yêu cầu, cuối cùng là lừa đảo thành công.
Khi phát hiện điện thoại của bà Chu đã bị điều khiển từ xa và số tiền trong tài khoản được chuyển sang các số tài khoản khác nhau, cảnh sát ngay lập tức chuyển điện thoại sang chế độ máy bay, ngắt kết nối mạng, và cuối cùng tắt nguồn điện thoại. Đại diện cảnh sát cho biết, việc chuyển sang chế độ máy bay nhanh hơn tắt máy. Vì vậy, mọi người nên nhớ điều này.
Thông qua sự việc này, cảnh sát Thượng Hải cũng khuyến cáo người dân không nên truy cập các phần mềm lạ chưa được kiểm chứng qua nhiều nguồn thông tin, không nên truy cập vào những đường link lạ hay cài đặt ứng dụng từ các đường link không rõ nguồn gốc.
Song song bên cạnh đó, để tránh trở thành nạn nhân, mọi người cần lưu ý:
- Cẩn trọng với các lời mời bất thường: Cơ quan chức năng hiếm khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để liên hệ công việc. Vì vậy, bạn nên cẩn trọng, xác minh danh tính đối phương nếu nhận được những yêu cầu bất thường.
- Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng: Dù đối phương có đưa ra lý do thuyết phục đến đâu, hãy từ chối và liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để kiểm tra.
- Không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào: Trước khi chuyển khoản, hãy xác minh qua nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt khi đối phương yêu cầu ứng trước số tiền lớn.
Sự việc này là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Công an địa phương này cũng khuyến nghị mọi người cần chủ động bảo vệ hình ảnh cá nhân, tránh để các đối tượng lợi dụng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ba-cu-suyt-mat-48-ty-sau-mot-cuoc-dien-thoai-gap-phai-truong-hop-tuong-tu-nho-lam-dieu-nay-de-giu-tien-188250114144702171.chn