Có nhiều người tin rằng bản thân đang nói chuyện với người khác một cách hết sức thú vị mà không biết họ đang làm lãng phí thời gian của người đối diện bằng những câu chuyện lan man không hồi kết.
Những người đó có thể là họ hàng trong gia đình, hàng xóm hoặc đồng nghiệp – những người sống ngay bên cạnh bạn. Trong số tất cả những trường hợp này, đồng nghiệp là người khó giải quyết nhất vì bạn phải gặp họ hàng ngày trong một môi trường đòi hỏi tính lịch sự và chuyên nghiệp. Và rõ ràng, việc cắt ngang lời người khác là hành vi vô cùng bất lịch sự.
Có nhiều lý do cho một một người nói quá nhiều. Trên một bài viết của tờ Tâm lý học Ngày nay, Nhà trị liệu F. Diane Barth cho biết một số người nói quá nhiều vì họ không có khả năng xử lý các tín hiệu thính giác phức tạp. Vì vậy, họ cứ nói lan man mà không nhận ra tín hiệu tinh tế mà người khác gửi đến. Bên cạnh đó, nhiều người còn nói nhiều vì tin rằng họ là người thú vị nhất để dẫn dắt cuộc trò chuyện đang diễn ra.
Tuy nhiên, nói nhiều cũng có thể là biểu hiện của một triệu chứng rối loạn. Michelle C. Brooten-Brooks, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, cho biết nói nhiều cũng có thể là một triệu chứng của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc lo lắng.
“Mặc dù nhiều người mắc chứng lo âu thường có xu hướng tránh các tương tác xã hội, nhưng ngược lại, một số người có thể vô tình nói quá nhiều khi rơi vào trạng thái lo lắng”, nhà trị liệu cho biết.
Vậy chúng ta phải làm gì khi mắc kẹt trong tình huống mà ai đó cứ nói mãi? Dưới đây là một số cách mà mọi người thường sử dụng để “kết thúc cuộc trò chuyện một cách lịch sự với một người không ngừng nói” đã nhận được nhiều bình luận tích cực từ người dùng mạng.
1. Bạn có thể nói với người khác rằng “tôi có việc cần phải làm” hoặc “đã đến lúc phải về nhà rồi”. Khi đó, người nói sẽ nhận ra rằng bạn muốn rời đi mà không hề có ác ý nào.
2. Trong một số trường hợp, chỉ cần nói một cách đơn giản rằng “xin lỗi nhưng tôi phải đi rồi, nói chuyện với bạn vui lắm”. Đừng đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào hay tìm lý do cho việc rời đi, vì điều đó có thể khiến họ suy nghĩ và cố gặng hỏi về lý do của bạn.
3. Nếu người đối diện đang kể về câu chuyện của họ, bạn có thể áp dụng cách nhắc lại câu chuyện ấy và thêm vào một lời tạm biệt. Chẳng hạn, khi một người đang kể chuyện về chuyến đi dạo ở trung tâm thương mại, bạn có thể nói: “Có vẻ như bạn đã tìm thấy nhiều ưu đãi hấp dẫn ở trung tâm thương mại, tuyệt thật đấy. Cảm ơn bạn đã dành thời gian để trò chuyện, bạn nhớ phải kể với tôi nhiều chuyện hơn vào lần tới đấy nhé”.
4. Bạn cũng có thể nói với người đối diện rằng bạn cần phải có mặt ở một cuộc hẹn nào đó trong 10 hay 15 phút tới. Cách này sẽ khiến họ nhận thức rằng khi nào bản thân nên dừng nói chuyện mà không cảm thấy bị cắt ngang.
5. Đôi khi bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều để tìm cách dừng cuộc nói chuyện này lại, đơn giản là bạn nói ra một cách thẳng thắn hơn. “Thôi được rồi, chúng ta có thể tiếp tục vào khi khác, thông tin quá nhiều khiến tôi hơi rối và không xử lý kịp”.