“Nhìn cách anh họ trả tiền, tôi chợt nhận ra mình đã mắc phải sai lầm lớn. Hóa ra nhìn cách vay và trả tiền, chúng ta có thể nhìn thấu bản chất một người”, lời chia sẻ của chàng trai trẻ họ Trương (đã thay đổi danh tính) trên mạng xã hội Trung Quốc đã thu hút rất nhiều sự chú ý.
Tôi năm nay 35 tuổi, chưa lập gia đình, hiện đang làm việc tại công ty truyền thông tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Dịp cuối năm ngoái một người anh trong họ gặp khó khăn tài chính đã tìm tới và ngỏ lời vay gấp tôi hơn 30.000 NDT (tương đương khoảng 100 triệu VNĐ) với lời hứa sẽ trả cả gốc lãi trước Tết.
Tin tưởng người thân tuyệt đối, tôi vui vẻ cho vay mà không đắn đo suy nghĩ gì. Tới ngày hẹn trả, người anh họ quả thực đã chuyển khoản trả cho tôi 30.000 NDT. Tiếp đó, người này lại chuyển muốn chuyển thêm 1000 NDT (khoảng hơn 3 triệu VNĐ) cho tôi theo phương thức chuyển khoản có sự đồng ý của chủ tài khoản mới được nhận. Khi tôi còn ngơ ngác chưa hiểu gì thì anh họ nói đây là tiền cảm ơn vì cho gia đình anh “vay nóng”.
Thấy anh họ nói vậy, tôi cũng nghĩ đơn giản nên vui vẻ nhận thêm cả khoản tiền nhỏ này để cả hai đỡ ngại. Không ngờ đây lại là hành động sai lầm lớn nhất trong đời của tôi.
Cho vay nhận trả sai cách, tôi tự mua dây buộc mình
Tết năm đó khi cả nhà tề tựu đông đủ, trong lúc đi lên từ đường thắp hương tôi vô tình nghe được mọi người bàn tán về việc tôi cho người thân vay mà còn lấy tiền lãi. Những người không thích tôi bắt đầu lớn tiếng chỉ trích nói tôi không ra gì.
Vì quá bức xúc, tôi tự mình vào chất vấn thì mọi người nói rằng nghe vợ chồng anh họ kể như vậy. Lúc này tôi mới bần thần nghĩ lại và nhận ra, tôi đã mắc phải sai lầm lớn.
Hóa ra, hành động chia tiền thành hai lần chuyển của anh họ tôi thực chất chẳng phải vì muốn cảm ơn thật lòng. Tất cả chỉ là muốn vợ chồng anh mát mặt, không muốn mắc nợ ân tình gì với tôi. Nếu tôi từ chối nhận khoản tiền hơn 3 triệu kia thì anh chị vui vẻ nhận lại chẳng mất gì. Còn tôi nhận thì “há miệng mắc quai”, chẳng thể giải thích với mọi người mặc sức để anh chị “thêu dệt” câu chuyện.
Bởi nếu thực sự muốn cảm ơn, thì anh chị đã gửi thẳng cho tôi cả 31.000 NDT trong một lần. Hoặc tới tận nơi gặp mặt như lần tới vay rồi nói cảm ơn trực tiếp cùng một vài món quà đơn giản nhưng thành ý. Chứ không chuyển lần hai và lần thứ hai sử dụng cách 50:50 để tôi chọn nhận hay không nhận như vậy.
Giờ đây anh chị được tiếng vay mượn trả đúng hạn sòng phẳng, còn tôi mang tiếng xấu lấy cả tiền lãi với người nhà.
Qua chuyện vay mượn này tôi mới nhìn thấu được lòng người, chẳng thể ngờ từ chuyện này lại rút ra được nhiều bài học đến thế.
Tự rút ra bài học đắt giá khi cho ai đó vay tiền
Sau vụ việc đó, tôi tự lập cho các quy tắc quan trọng để bảo vệ chính mình. Tôi lựa chọn “thà mất lòng trước được lòng sau” còn hơn để mọi việc trở nên mập mờ khó giải thích.
Đầu tiên, tôi xác định người vay tiền muốn vay vì mục đích gì. Nếu vay vì bệnh tình nguy cấp, hay vì ma chay hiếu hỉ tôi sẵn sàng đồng ý giúp đỡ. Tuy nhiên nếu vay để khởi nghiệp, vay để mua sắm đồ mới, thì tôi sẽ không cho vay.
Nếu trong trường hợp đặc biệt không thể từ chối, tôi sẽ không ngại ngùng hỏi thời gian hẹn ngày trả. Bên cạnh đó sẽ mượn danh đi vay hộ để người vay tự nâng ý thức về mức độ quan trọng của việc trả đúng hạn.
Riêng về khoản tiền lãi cảm ơn, tôi tuyệt nhiên không bao giờ nhận nữa. Thay vào đó để người vay cảm ơn bằng bữa cơm vui vẻ, vừa tình cảm gần gũi, lại tránh được việc người ta có ý không tốt như người anh họ kể trên.
Nhờ những quy tắc này mà tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều với việc cho người khác vay mượn tiền. Những người tìm tới tôi vay tiền sau đó cũng rất biết ơn vì cách làm này khiến họ không cảm thấy bị mắc nợ tôi.
Câu chuyện tiền nong luôn là vấn đề khó nói với cả người đi vay lẫn người cho mượn. Tuy nhiên, nếu tự lập được những quy tắc cho mình và làm rõ trước khi cho vay thì sẽ giúp đôi bên cùng dễ chịu.