Từ khi sơ sinh, bé Đức Minh đã được rèn luyện thói quen nghe tiếng Anh với mẹ, tiếng Trung với bố và tiếng Việt với ông bà.
Hiện tại, cậu bé 2,5 tuổi sống tại khu Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng có thể nói chuyện một lúc với ông bà, bố và mẹ bằng ba ngôn ngữ khác nhau mà không bị nhầm lẫn.
Chị Thanh Thảo, 28 tuổi, mẹ bé Hoàng Đức Minh (tên gọi ở nhà là Nem) chia sẻ, chị học phương pháp “tam ngữ” (ba ngôn ngữ) cho con trai từ gia đình người anh chồng tiến sĩ du học bên Trung Quốc.
“Tôi tìm hiểu và biết trẻ nhỏ 0-3 tuổi đều là ‘thiên tài’ ngôn ngữ, chỉ cần bố mẹ cần áp dụng các phương pháp giáo dục sớm phù hợp và đúng thời điểm”, người mẹ là nhân viên ngân hàng nói.
Khi mang bầu bé Nem, chị Thảo bàn với chồng về việc nói chuyện với con bằng các thứ tiếng khác nhau, giúp Nem có nền tảng ngoại ngữ tốt ngay từ khi còn nhỏ. Anh Hoàng Thọ, một cựu du học sinh Trung Quốc, đồng ý.
Lúc mới sinh, Nem được nghe mẹ đọc truyện bằng tiếng Anh, bố đọc bằng tiếng Trung, ông bà hỏi chuyện bằng tiếng Việt. Khi cậu bé 6 tháng tuổi, bắt đầu tập nói, bố mẹ giao tiếp thường xuyên hơn và dùng 100% ngoại ngữ chứ không thỉnh thoảng đệm một vài từ tiếng Việt như trước.
Theo chị Thảo, phương pháp của gia đình dựa theo quy tắc mỗi người giao tiếp với con bằng một ngôn ngữ khác nhau và phải nhất quán. Không ai được dịch từ tiếng này sang tiếng khác vì như thế sẽ làm chậm tư duy ngôn ngữ của não trẻ. Bằng cách này, Nem từ nhỏ đã tiếp xúc đồng thời ba ngôn ngữ. Bé lắng nghe và hiểu được lời của bố, mẹ và ông bà từ khi chưa biết nói.
“Những lúc con quên hay vô tình nói tiếng Việt với mẹ hoặc bố, hai vợ chồng thống nhất không trả lời để bé biết rằng cần phải nói đúng ngôn ngữ với đúng người nếu muốn bố mẹ hiểu và ngược lại”, chị Thảo chia sẻ.
Người mẹ nói, nghe qua phương pháp thì đơn giản nhưng thực tế cả nhà cùng phải trải qua một lộ trình kiên nhẫn và bền bỉ. Ban đầu, Nem được làm quen với hình ảnh, màu sắc và từ vựng thông qua các thẻ bài. 8 tháng tuổi, bé đã hiểu và hành động đúng theo yêu cầu của bố mẹ. Từ tháng thứ 14, Nem bắt đầu phát âm rõ những từ đơn đầu tiên của tiếng Trung và tiếng Anh.
Chị Thảo nhận thấy, để phát triển khả năng ngôn ngữ tối đa, trẻ cần có môi trường chơi và học phù hợp. Đi làm cả ngày, tối đến, cả bố và mẹ tận dụng thời gian rảnh để cùng chơi với con và nói chuyện bằng ngôn ngữ được quy định sẵn. Từ nào Nem không hiểu, cả hai đều cố gắng giải thích bằng ngôn ngữ cơ thể hoặc hình ảnh để cậu bé có thể liên tưởng và tự hiểu. Hàng ngày, Nem cũng được bố mẹ đọc truyện, thơ và nghe nhạc bằng cả bằng tiếng Trung và tiếng Anh để con được rèn luyện ngoại ngữ thường xuyên.
Không chỉ học từ vựng qua bài hát, chuyện kể mà từ những cuộc trò chuyện, tình huống hàng ngày, bất kỳ đâu cũng được chị Thảo, anh Thọ tận dụng trở thành lớp học ngôn ngữ cho con trai.
Ở nhà, từng đồ vật được mẹ chỉ dạy bằng tiếng Anh, sau đó đến bố là tiếng Trung. Có những lúc Nem quên từ hay phát âm chưa đúng, bố mẹ lập tức sửa sai. Nhiều lần cậu bé học được từ này lại quên từ trước nhưng cả hai vợ chồng đều kiên nhẫn dạy lại mà không tỏ ra cáu gắt hay khó chịu.
Ngoài ra, hai vợ chồng cũng tạo môi trường học tập ngoại ngữ cho con ngay trong nhà. Nhiều nơi như trên tường, dưới sàn nhà, bảng học tập đều dán hình ảnh về động vật, cây cối, đồ vật để bố mẹ tiện giới thiệu cho con và cũng giúp Nem ghi nhớ lâu hơn.
Là người khéo tay, anh Học còn thường xuyên tự cắt dán những con vật, cây cối trong truyện ngụ ngôn hay cổ tích rồi dán lên bảng, kể chuyện thông qua hình hoạt họa để Nem dễ hình dung. Theo người cha, học ngôn ngữ qua hình ảnh và âm thanh sẽ khiến trẻ hứng thú và ghi nhớ lâu hơn. Ban đầu bố kể, Nem ngồi lắng nghe. Nhưng sau vài lần, cậu bé bắt đầu tương tác và giờ có thể kể lại tóm tắt một câu chuyện bằng những câu đơn.
Ngoài việc học và đồng hành cùng con, một quy tắc nữa mà chị Thảo và anh Thọ áp dụng khi dạy ngoại ngữ cho con trai chính là luôn cổ vũ và khích lệ. Theo anh chị, người lớn không nên ép buộc, chê bai khi trẻ nói sai hoặc dùng từ chưa đúng, mà cần kiên nhẫn làm mẫu lại. Một khi nhận được sự khích lệ, trẻ sẽ hào hứng với việc nói ngoại ngữ mà không xấu hổ khi nói chưa chính xác, dễ dẫn tới việc ngại tương tác.
Dạy con học, cả chị Thảo và anh Thọ cũng tự trau dồi ngoại ngữ hàng ngày. Mỗi khi rảnh, cả hai lại đọc trước chuyện muốn kể cho Nem nghe, học lại cách phát âm, thêm từ vựng mới để dạy lại con trai.
“Người xưa có câu Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Tôi luôn nghĩ tập luyện cùng con cũng chính là tự học và phát triển cho chính bản thân mình”, người mẹ nói.
Từ khi Nem được hai tuổi, thấy con nói được nhiều câu tam ngữ, chị Thảo đã đăng tải các video của bé lên mạng xã hội nhằm lưu giữ kỷ niệm. Bà mẹ bất ngờ khi những video này được mọi người yêu thích, nhận được hàng nghìn bình luận hỏi xin kinh nghiệm dạy con. Đa phần mọi người đặt câu hỏi làm sao có thể dạy trẻ nhỏ nói được cùng lúc ba ngôn ngữ.
“Tôi cho rằng chỉ cần chú ý về phương pháp và phải luôn đồng hành cùng con thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng”, người mẹ nói.
Theo chị Thảo, ngôn ngữ là tri thức và tri thức đồng nghĩa với hạnh phúc. Nếu biết cách, thực sự mong muốn và có điều kiện dạy con thì không nên lãng phí cơ hội để trẻ phát triển, bởi thêm một thứ tiếng là thêm một lợi thế cạnh tranh ở tương lai.
Hải Hiền
Nguồn tin: https://vnexpress.net/em-be-ha-noi-2-5-tuoi-noi-thao-ba-thu-tieng-4708690.html