Cây râu mèo còn có tên gọi khác là bông bạc. Tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth., họ Bạc hà (Lamiaceae). Trên thế giới, loại cây nhiệt đới điển hình này mọc tự nhiên phổ biến ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, các nước ở Đông Dương và cả ở châu Phi. Ở Việt Nam, râu mèo phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và miền núi như: Cao Bằng, Thanh Hóa (Vĩnh Lộc), Hà Nội (Ba Vì), Lâm Đồng, Phú Yên (Tuy Hòa)…
Râu mèo là loại cây thân thảo, cao khoảng 50cm. Thân vuông, cứng, mọc đứng, thường có màu nâu tím, có ít lông, ít phân cành. Lá mọc đối, hình trứng, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa mọc thẳng ở ngọn thân và đầu cành, hoa màu trắng hoặc màu hơi tím.
Thông thường mọi người sẽ thu hái cây râu mèo khi chưa ra hoa, phơi sấy rồi sắc lấy nước uống. Trong Đông y, loại cây này có vị ngọt, hơi đắng, tính mát và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Kiểm soát đường huyết
Nếu như trước đây đái tháo đường là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì hiện nay nhiều người trẻ cũng vướng phải căn bệnh này. Đây là bệnh lý mạn tính diễn biến âm thầm, khi người bệnh có các biểu hiện, triệu chứng thì bệnh thường ở giai đoạn nặng. Kèm theo đó, người bệnh đái tháo đường thường kiểm soát đường huyết không tốt có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia khoa học, trong nước của cây râu mèo có chứa nhiều thành phần có lợi cho người bệnh tiểu đường. Theo đó, chiết xuất từ loại thảo dược này sẽ hỗ trợ quản lý rối loạn dung nạp glucose và mức insulin cao ở bệnh nhân tiểu đường.
Bổ thận
Công dụng thứ 2 của cây râu mèo được Đông y và y học hiện đại chỉ ra chính là cải thiện chức năng thận và bổ thận. Sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu này có tác dụng giữ cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận. Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm ra nhiều hoạt chất tốt trong cây râu mèo có tác dụng tăng cường bài tiết nước tiểu và các chất điện giải Na+ K+ Cl.
Tăng sức đề kháng
Các hoạt chất flavonoid trong râu mèo có tác dụng chống oxy hóa, chống lại gốc tự do gây tổn hại cho tế bào và hệ miễn dịch của cơ thể. Nhờ thế, râu mèo còn có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bảo vệ gan
Công dụng bảo vệ gan của cây râu mèo đã được các nhà khoa học khẳng định. Theo đó, việc sử dụng chiết xuất từ loại thảo dược này giúp bảo vệ gan bị tổn hại bởi việc sử dụng quá liều thuốc hạ sốt paracetamol.
Hỗ trợ trị mụn
Khi nghiên cứu hiệu quả trị mụn, các nhà khoa học phát hiện, một loại mỹ phẩm dạng nhũ tương có chứa 2% trích tinh lá râu mèo có tác dụng làm giảm chất bã nhờn và kích thước mụn trên những người da nhờn, từ đó có hiệu quả trong ngăn ngừa và điều trị mụn.
Không chỉ râu mèo có tác dụng kiểm soát đường huyết, bổ thận, dưỡng gan, Việt Nam còn có một số loại cây khác có công dụng tương tự.
Cây chè vằng
Đây là loại dược liệu được người dân lấy cành và lá, phơi khô, sắc lấy nước. Sở hữu những dưỡng chất có công dụng tuyệt vời trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường, chè vằng góp phần điều chỉnh insulin trong máu, giúp kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, loại thảo dược này có tính mát, thanh nhiệt, tiêu viêm, tiêu huyết, giải độc rất hiệu quả. Vì vậy, nhiều người dùng cây thuốc này để thanh nhiệt, giải độc gan, đào thải độc tố tích tụ trong gan, mát gan, chữa gan nhiễm mỡ, tăng cường chức năng gan,… Ngoài ra, nhờ tính mát này, chè vằng còn giúp giảm mụn nhọt.
Một trong những tác dụng khác của chè vằng chính là giảm cân. Việc uống chè vằng thường xuyên sẽ giúp đốt cháy mỡ thừa cũng kích thích hệ tiêu hóa vận động tốt hơn. Tuy nhiên bạn nên lưu ý giữa việc uống chè vằng cũng như kết hợp tập luyện để sớm đạt được kết quả tốt nhất.
Bồ công anh
Trong Đông y, loại cây này còn được gọi là Hoàng hoa địa đinh, cây mũi mác có thể sử dụng cả hoa, thân, lá, rễ làm thuốc trị bệnh. Nhờ có chicoric và axit chlorogenic, bồ công anh có thể giúp giảm lượng đường trong máu, kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, điều hòa đường huyết và sự hấp thụ glucose.
Việc sử dụng đúng cách cây dược liệu này còn giúp loại bỏ chất độc hại khỏi hệ thống tiết niệu, bao gồm cả axit uric. Đặc biệt, kali trong bồ công anh giúp thận lọc độc tố hiệu quả hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Loại cây này cũng có tính kháng khuẩn, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hợp chất polysaccharides trong bồ công anh thực sự có thể có lợi cho chức năng gan, bảo vệ gan khỏi nguy cơ mắc bệnh. Chất chống oxy hóa trong bồ công anh còn giúp bảo vệ gan khỏi lão hóa. Ngoài ra nhiều nghiên cứu cho thấy bồ công anh có khả năng tăng lưu lượng mật, giúp giải độc gan và giảm các triệu chứng của bệnh gan. Rễ bồ công anh từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc bổ gan, hỗ trợ quá trình đào thải độc tố khỏi gan.
Nguồn tin: https://cafef.vn/viet-nam-co-1-loai-cay-phoi-kho-pha-nuoc-thanh-duoc-lieu-vang-duong-than-bo-gan-kiem-soat-duong-huyet-nhung-chua-nhieu-nguoi-biet-188240711204922089.chn