Tìm người thay thế sau mối tình tan vỡ được xem là cách phổ biến để vơi nỗi đau, nhưng nó có thể dẫn đến mối quan hệ độc hại.
Chuyên gia tâm lý Jackie Golob – giám đốc công ty tư vấn tâm lý Shameless Therapy (Mỹ) cho rằng, người ta thường có xu hướng tìm mối quan hệ mới trong quá trình hồi phục sau lần đổ vỡ. Họ dựa vào người khác để có cảm giác tự trọng, đầy đủ và hạnh phúc.
Nhưng ở giai đoạn này, mọi người thường chưa đủ thời gian “tự nghỉ” và làm rõ cảm xúc của chính mình. Điều này khiến họ dễ lặp lại thói quen hoặc hành vi tiêu cực từ mối quan hệ cũ.
Chuyên gia tâm lý Luis Cornejo của nền tảng tư vấn hẹn hò Clara for Daters chỉ ra các dấu hiệu nhận biết bạn đang trong mối quan hệ kiểu “lấp khoảng trống”.
Quá phụ thuộc
Codependency là thuật ngữ mô tả mối quan hệ cả hai đều quá phụ thuộc lẫn nhau. Theo Golob, họ thường cảm thấy cần nhau hơn sau những cuộc tình tan vỡ.
“Việc phụ thuộc quá mức vào đối tác để mong sự hỗ trợ tinh thần có thể tạo ra mối quan hệ không lành mạnh”, Cornejo giải thích. “Nó cũng đặt ra áp lực lớn cho người kia”.
Người mới cảm thấy họ phải sửa chữa vết thương cũ hoặc làm vơi sự đau khổ, mất mát do người trước gây ra. Điều này có thể dẫn đến cảm giác không thoải mái trong mối quan hệ.
Người cũ thường xuất hiện trong cuộc trò chuyện
Việc nhắc người yêu cũ là bình thường khi bạn nói về quá khứ. Tuy nhiên, nếu bạn không thể kiềm chế việc liên tục nhắc về họ trong cuộc trò chuyện, đó là một dấu hiệu cảnh báo.
Nhà tâm lý học Michele Leno – người sáng lập công ty tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần DML Psychological cho rằng hành vi trên là bởi bạn chưa quên được người cũ đã tìm đến mối tình mới và là minh chứng bạn đang lấp khoảng trống chứ không yêu người mới.
Kết nối cảm xúc không sâu sắc
Dù cố gắng kết nối, bạn vẫn cảm nhận được khoảng cách giữa bạn và đối phương. Bạn sẽ rất khó xây dựng sự gắn bó với người mới khi mối quan tâm vẫn đặt ở người cũ.
Ví dụ, bạn thường tránh nói về tình cảm của mình hoặc các dự định tương lai.
“Sự tránh né xuất phát từ sợ hãi lặp lại sai lầm quá khứ”, Cornejo giải thích. Bạn miễn cưỡng mở lòng, cố trở nên tình cảm sau cuộc chia tay đau lòng. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mối quan hệ thiếu sâu sắc và nông cạn.
Mối quan hệ diễn ra nhanh chóng
Bạn phát hiện mình bắt đầu hẹn hò rất nhanh, sau đó mối quan hệ trở nên nhạt nhòa và bạn thường đặt câu hỏi tại sao. Đó là hành động lấp đầy khoảng trống của bạn sau khi người cũ rời đi.
Cornejo cho rằng bạn đang cố gắng đốt cháy giai đoạn để mở ra mối quan hệ mới nhưng bản thân chưa thật sự sẵn sàng. Điều này dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực bởi bạn sẽ tiến sâu với người mà bạn không dành đủ thời gian để hiểu rõ.
So sánh với người yêu cũ
Bạn về nhà vào ngày sinh nhật của mình và nghĩ “Nếu là người yêu cũ, chắc chắn trên bàn sẽ có hoa và rượu”. Hoặc bạn tự đặt ra so sánh “Người yêu cũ sẽ không bao giờ để chén đầy bồn rửa”.
Chuyên gia tâm lý phân tích bạn đang so sánh người mới với những thói quen, đặc điểm của người cũ mà bạn nhớ. Bạn chưa vượt qua được mối quan hệ cũ và sử dụng chúng như một tiêu chuẩn để đánh giá hiện tại.
Ngọc Ngân (Theo Bestlife)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dau-hieu-ban-yeu-chi-de-lap-khoang-trong-4705474.html