Sơn LaHai tháng trước, khi Henry và Phương Thúy quyết định về chung một nhà, một cuộc gọi video nối liền hai bờ đại dương được thực hiện để bàn chuyện trăm năm.
Vợ chồng bà Rachel, mẹ Henry Hayden hỏi chuyện thông gia về cách thức tổ chức đám cưới. “Chúng tôi là người Thái đen ở Việt Nam nên muốn đám cưới của con gái theo phong tục”, vợ chồng ông Cường, bố mẹ Phương Thúy, ngồi trong nhà sàn ở thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, nói.
Ngày 14/3, bố mẹ Henry bay sang Việt Nam. Hai ngày sau, họ có mặt ở Sơn La. Trước đám cưới một ngày, Phương Thúy dẫn ba người phụ nữ Mỹ gồm mẹ, bà ngoại và em gái chồng ra chợ ở thị trấn sắm đồ, làm rộn rã cả khu chợ quê.
Hôm 18/3, bà Rachel và bà ngoại Henry trong trang phục truyền thống của người Thái đen, cùng dàn phù rể bê tráp tiến vào nhà gái. Bố mẹ Phương Thúy trải chiếu cói dưới sàn nhà, đặt đĩa trái cây, bánh kẹo đón nhà trai.
Sau khi nhận sính lễ, mẹ cô dâu tặng nhà trai những chiếc khăn Piêu tự tay thêu. Riêng bố Henry được tặng một chiếc túi thổ cẩm.
Bên ngoài là hội trường đám cưới, nhạc nổi lên sôi động, cỗ bàn dọn sẵn. Gần 500 quan khách lũ lượt kéo đến ăn mừng hạnh phúc của cô dâu Việt và chú rể ngoại.
Lần đầu tiên ở thị trấn Hát Lót người ta được chứng kiến một đám cưới sử dụng tới ba ngôn ngữ. Bố chú rể đại diện cho gia đình nhà trai gửi lời cảm ơn nhà gái đã tổ chức bữa tiệc lớn trong ngày vui của hai con bằng tiếng Anh. Bố cô dâu chúc mừng hạnh phúc của con gái và chàng rể bằng tiếng Thái. Họ giao lưu với nhau qua lời của người phiên dịch và người chủ hôn bằng tiếng Việt.
“Chưa bao giờ tôi thấy có đám cưới nào đông vui như vậy. Tôi cũng chưa từng được nhảy trong không gian thú vị như thế. Thật tuyệt vời”, bà Rachel nói.
Năm 2017, Henry Hayden đến Việt Nam du lịch theo lời mời của bạn đại học là người Việt. Anh được chàng trai Hà Nội cho đi khám phá ẩm thực trong lòng phố cổ, tận hưởng vẻ đẹp của biển Nha Trang và đắm mình trong văn hóa gia đình của người Việt.
“Ở đất nước tôi, con cái và bố mẹ không sống gần gũi như vậy. Tôi rất ấn tượng và thích truyền thống này của người Việt Nam”, anh nói và tính chuyện sẽ sống lâu dài tại Việt Nam. Henry tìm thầy học tiếng Việt, đồng thời hứa mỗi năm trở lại quê hương của bạn một lần.
Năm 2019, khi đang dạo bộ ở phố bờ Hồ, Henry chạm mặt Phương Thúy, một cô sinh viên người Việt Nam đang muốn học tiếng Anh. Hai người trẻ gặp nhau như cá gặp nước khi người này đều “khát” học ngôn ngữ của người kia. Họ thường xuyên nói chuyện, nhắn tin, đưa nhau đi ăn những món ngon dân dã của Hà thành.
“Thấy tôi ăn bún đậu mắm tôm, ăn phở bún ngon lành, Phương Thúy tỏ ra bình thường, không kiểu ngạc nhiên hay thắc mắc ‘sao Tây mà ăn được món này’ như nhiều người khác vẫn ồ lên khi gặp tôi”, Henry kể. Anh thấy cô là người không phán xét, không phân biệt anh là người ở đâu, làm gì khiến Henry thấy thoải mái.
Khó thích nghi với thời tiết Hà Nội nên có lần Henry ốm, Thúy đến mua thuốc, săn sóc anh như một người bạn khiến chàng trai ngoại quốc xúc động. “Cô ấy tốt bụng, thích chăm sóc người khác”, anh kể. Những điều nho nhỏ như thế từ cô gái Việt khiến trái tim Henry chao đảo. Thúy cũng quý mến một chàng trai Mỹ yêu mến Việt Nam đến mức muốn sống cả đời ở đây.
Vẻ hài hước, chân thành, xem trọng gia đình và những giá trị truyền thống của anh khiến Thúy muốn gần thêm. Hai người cứ thế thành đôi, chấp nhận những tháng ngày yêu xa vì dịch bệnh.
Hè năm 2022, Henry trở lại và xác định sống lâu dài ở Việt Nam. Nhưng thời tiết và không khí ô nhiễm ở Hà Nội khiến Henry thường xuyên ốm. Cứ một tuần anh lại bị chứng viêm xoang, viêm tai mũi họng hành hạ một lần.
Phương Thúy phải cùng người yêu đi điều trị khắp các bệnh viện lớn, nhỏ của Hà Nội, sang Thái Lan rồi về Mỹ chữa trị. “Có những đêm anh sốt đến hơn 40 độ, dù uống hạ sốt cũng không khỏi. 2h sáng tôi phải gọi cấp cứu đưa đến bệnh viện”, Thúy kể.
May mắn là đến giữa năm ngoái, cơ thể Henry dần thích nghi với điều kiện sống ở Việt Nam nên khỏe hơn. Anh làm giáo viên một trường mầm non quốc tế ở Hà Nội, còn vợ cũng làm tại một trung tâm tiếng Anh.
Mỗi lần rời phố về quê Phương Thúy ở Sơn La, Henry dậy từ tinh mơ, thích thú với món xôi nắm. Anh tỏ ra ngon miệng khi ăn cá nướng, chẩm chéo của người Thái. Chàng trai đội nón lá, đeo găng tay theo cả nhà Thúy leo đồi đi nương, đốt rẫy, cuốc đất, gieo hạt dẫu nắng trời chang chang. Thi thoảng anh học tiếng Thái bằng cách nói theo mọi người, khiến ai nấy đều bật cười.
Đầu năm nay, họ tính chuyện về chung một nhà để “cùng nhau vượt khó, cùng cố gắng”. Xác định sẽ sống ở Việt Nam nên Phương Thúy và Henry bàn với gia đình sẽ không về Mỹ mà tổ chức đám cưới tại quê cô dâu.
Họ lược bớt một số thủ tục như lễ tằng cẩu (búi tóc cho phụ nữ có chồng), lễ dặn dò, chỉ làm thủ tục trao sính lễ.
Ngày hôm đó, phụ nữ Thái đen đã có gia đình đều mặc đồ truyền thống của dân tộc mình, tóc búi cao. Muốn bày tỏ sự tôn trọng với văn hóa gia đình nàng dâu, bà Rachel cùng mẹ để nhờ thông gia gấp rút đưa đi may một bộ đồ truyền thống của phụ nữ Thái, tìm thêm giày dép cho hợp với lễ cưới. Em hái Henry thích khăn Piêu nên lấy đội đầu.
Chẳng ai bảo ai, họ nắm tay những người phụ nữ Thái Đen cũng nhảy múa, ăn uống mừng ngày vui của các con.
“Tôi hạnh phúc vì dù lấy một chàng trai cách nửa vòng trái đất nhưng vẫn được làm đám cưới theo truyền thống quê hương, sống ở đất nước của mình, đặc biệt giúp anh và gia đình anh yêu mến Việt Nam hơn”, Phương Thúy nói.
Hiện tại, Henry nói tiếng Việt, ăn uống, sinh hoạt như người Việt. Với chàng rể, Việt Nam không còn đơn thuần là đất nước dễ mến, đáng yêu như lần đầu anh đến mà đã xem đây là quê hương thứ hai.
Phạm Nga
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dam-cuoi-phong-cach-nguoi-thai-cua-chang-trai-my-4726684.html