Bài toán tài chính gia đình luôn là vấn đề “đau đầu” với các cặp vợ chồng, đặc biệt là ở những giai đoạn khó khăn. Với khoản thu nhập vừa phải, làm sao để có thể cân đối chi tiêu là điều trăn trở của không ít chị em phụ nữ – người được giao trọng trách “tay hòm” trong gia đình.
Mới đây, trên một group về quản lý chi tiêu, câu chuyện của chị Ngọc (Quảng Ninh) đã thu hút sự quan tâm của CĐM khi chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu của bản thân giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Chị Ngọc cho biết, ngày còn làm ở Ngân hàng thương mại – thời điểm mới ra trường, chị có thu nhập cao nên mọi chi tiêu chị không ghi chép lại. Có sẵn tiền, chị tiêu thoáng tay mà không tính chuyện tương lai. Đến khi gia đình gặp biến cố, mắc khoản nợ lớn, bản thân chị Ngọc lại nghỉ việc, thay đổi nơi sống,… khiến chị như tỉnh ngộ.
Chị Ngọc tâm sự: “Những năm 2014 – 2017 là khoảng thời gian Ngọc trải qua sự khó khăn nhất về tài chính. Lương thưởng công việc cũ đang 15 – 20 triệu đồng, giờ chỉ an phận với mức lương 4 triệu đồng, còn phải lo trả nợ.
Chồng mình thời điểm đó cũng ít việc, thu nhập bấp bênh, chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập ấy, cuộc sống ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) cũng đắt đỏ, khó thu vén được. Hai vợ chồng và 2 con nhỏ còn phải đi thuê nhà, không đủ chi tiêu cuộc sống. Vì thế, mình quyết định ghi chép lại chi tiêu chi tiết”.
Cô vợ có thói quen chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Giờ nhớ lại, chị Ngọc biết ơn vì quyết định ghi chép chi tiêu năm xưa. Cứ mỗi tháng, chị nhìn lại bảng tổng kết để điều chỉnh, cắt giảm, nhờ vậy có tiền tiết kiệm. Và bằng cách này, vợ chồng chị đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, khủng hoảng ấy.
Cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền đẩy đưa, vợ chồng chị Ngọc chuyển từ Cẩm Phả về Hải Phòng sinh sống năm 2018 khi chị trúng tuyển vào Kho bạc Hải Phòng. Cuộc sống mới bắt đầu với nhiều khoản tốn kém, may gia đình chị có chút tiền tiết kiệm. Sau đó, năm 2019, chồng chị lại chuyển công tác lên Hà Nội vì cũng may mắn trúng tuyển vào Ngân hàng nhà nước. Cảnh vợ chồng mỗi người một nơi, thuê 2 phòng trọ, đi lại, lương công chức thấp quá không đủ chi phí nên năm 2020, chị Ngọc quyết định nghỉ việc lên Hà Nội cùng chồng.
Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến cuộc sống gia đình chị càng bấp bênh hơn. Hai vợ chồng phải quyết định gửi các con ở quê cho ông bà mấy tháng để ổn định rồi mới đưa các con lên. May mắn vào năm 2021, chị Ngọc thi đậu được vào Tổng cục Thuế, đây cũng là bước ngoặt giúp mọi thứ thay đổi tốt hơn cho bản thân và gia đình. Nhờ tiết kiệm chi tiêu lúc có lương mà vợ chồng chị Ngọc vượt qua được những giai đoạn bị ốm đau đi viện, thay đổi chỗ ở, nghỉ việc không có thu nhập.
Sau những biến cố giúp chị Ngọc thấy rằng: Kiếm được tiền là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là biết cách tiết kiệm được tiền. Vì nếu không biết quản lý tài chính, bạn sẽ tiêu tiền một cách vô tội vạ, không có khoản tiết kiệm. Đến hiện tại, chị Ngọc đã thực hiện được ước mơ mua nhà. Vợ chồng chị đã có một căn chung cư Hà Nội, có chiếc xe ô tô nhỏ để cả gia đình về quê đỡ vất vả, đưa được 3 con lên Hà Nội học tập từ 2021 đến nay.
“Mình muốn kể lại sơ sơ câu chuyện và khó khăn bản thân đã trải qua để mong phần nào giúp các bạn trẻ hay những bạn đã và đang khó khăn giống mình có thêm động lực để cố gắng và có thêm kinh nghiệm quản lý chi tiêu”, chị Ngọc bày tỏ.
Đồ ăn được bảo quản khoa học cũng là cách tiết kiệm chi tiêu, tránh lãng phí.
Dưới đây là những kinh nghiệm mà chị Ngọc đã đúc kết được trong quá trình quản lý chi tiêu gia đình:
1. Hãy ghi chép lại thu nhập và chi tiêu của bạn và gia đình. Việc ghi chép giúp bạn rút kinh nghiệm và quản lý chi tiêu tốt hơn. Hãy cân đối mọi thứ, để có khoản tiết kiệm 10 – 20% mỗi tháng tiết kiệm.
2. Đồ ăn: Nhà Ngọc ở quê Thái Bình, gần biển, nên hầu như mỗi tháng về quê 2 – 3 lần cuối tuần. Mỗi lần về, chị Ngọc sẽ mua đồ ở quê lên, vừa rẻ vừa chất lượng. Đồ ăn sẽ được cấp đông đúng cách để giữ được tươi ngon. Rau củ quả cũng được chị mang lên nhưng với số lượng ít để tránh bị hỏng. Vì thế, với thức ăn mặn, chị ít khi phải mua ở Hà Nội, mà chủ yếu mua rau, củ, quả.
3. Thực đơn đi chợ: Chị Ngọc thường mua đồ ăn cho cả tuần. Rau nào nhanh hỏng ăn trước, củ quả để được lâu thì ăn sau. Rau củ quả muốn tươi để được lâu, các bạn để khô ráo sạch nước, cho vào hộp và bỏ ngăn mát tủ lạnh. Chị thường dùng 2 tủ, 1 tủ cấp đông để đồ đông lạnh và sống có 1 ngăn đông 1 ngăn mát (mua tủ này khoảng 8 – 9 triệu đồng) và 1 tủ đứng chuyên để đồ ăn chín và sạch.
4. Gia đình ít ăn ngoài: Gia đình chị Ngọc với 5 thành viên thường ăn đủ 5 bữa ở nhà. Vì các con học gần nhà và hai vợ chồng cũng làm gần nên các thành viên đều về nhà ăn uống đầy đủ. Gia đình có bé út học mẫu giáo nên ăn ở trường, và các con có 1 – 2 ngày trong tuần mua đồ ăn sáng theo ý thích nên tổng chi phí cho việc ăn uống không nhiều. Còn những buổi sáng khác, chị sẽ nấu những món đơn giản như bánh mì rán, cơm rang, bún, miến…
5. Bữa chính ăn uống cũng đơn giản, không quá cầu kì: Gia đình chị Ngọc thường có món canh, rau luộc,1 – 2 món mặn (cá kho, cá rán, mực hấp, tôm luộc, gà nướng, vịt nướng, sườn sốt…). Nhà chị Ngọc chủ yếu đồ biển, ít ăn thịt lợn, thịt bò.
7. Gạo: Chị Ngọc cũng lấy từ Thái Bình lên, bố mẹ có thì xin mang đi, bố mẹ không có thì nhờ mua của hàng xóm, vì mua gạo ở tiệm cũng lo thuốc ẩm mốc… nên cứ gần hết gạo là điện về quê nhờ mua.
Câu chuyện của chị Ngọc truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác. Nhiều người dành lời khen trước sự đảm đang, vun vén, chu toàn của chị Ngọc. Phía dưới bài viết, nhiều người để lại bình luận:
– Tuyệt vời! Em ước em biết sớm hơn. Nhưng giờ em đã 25 tuổi, cũng chưa có gì là muộn. Em cũng sẽ bắt đầu có mục tiêu cho mình.
– Hai vợ chồng giỏi thật, đều thi đỗ vào những chỗ rất khó. Cả 2 lại cùng đồng lòng, đồng sức cùng nhau vượt qua những giai đoạn khủng hoảng.
– Hai vợ chồng đều cố gắng chắt bóp, cùng quan điểm chi tiêu sinh hoạt hợp lý. Đúng là “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Những sai lầm trong quản lý chi tiêu
Rất nhiều người trẻ hiện nay đang gặp tình trạng chưa cuối tháng đã hết tiền, không thể tích góp, để dành một chút nào. Theo các chuyên gia tài chính thì dưới đây là một số sai lầm trong cách quản lý chi tiêu thường gặp:
– Không có mục tiêu chi tiêu rõ ràng : Để quản lý chi tiêu hiệu quả, bạn cần phải có một mục tiêu chi tiêu rõ ràng và cụ thể.
– Không có kế hoạch chi tiêu: Để thực hiện mục tiêu chi tiêu của mình, bạn cần phải có một kế hoạch chi tiêu hợp lý.
– Không theo dõi chi tiêu: Bạn cần phải theo dõi chi tiêu của mình hàng ngày để biết rõ những gì bạn đã chi tiêu và những gì bạn còn có thể tiết kiệm được. Từ đó có sự điều chỉnh kịp thời.
– Chi tiêu nhiều hơn số tiền có : Đây là một lỗi thường gặp khi người dùng sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay tiền để chi tiêu nhiều hơn số tiền mà họ có.
– Không có kế hoạch tài chính dài hạn : Để có một tài chính khỏe mạnh, bạn cần phải có một kế hoạch tài chính dài hạn để biết rõ những mục tiêu tài chính của mình và cách để đạt được chúng.
– Không có kế hoạch đầu tư : Để tăng lợi nhuận và tăng số tiền lưu giữ, bạn cần phải có một kế hoạch đầu tư hợp lý.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/cong-viec-bap-benh-thu-nhap-khong-on-con-cai-dau-om-lien-mien-co-vo-bat-mi-7-bi-kip-vuot-qua-kho-khan-ai-nghe-cung-ne-188241023192743893.chn